Mấy ngày qua, giá khẩu trong là vấn đề nóng trên thị trường. Không chỉ ở các cửa hàng thuốc mà tại các trang thương mại điện tử, khẩu trang cũng cháy hàng. Lợi dụng nhu cầu tăng cao của người mua, không ít người bán trên các nền tảng thương mại điện tử đã tăng giá chóng mặt.

Cách đây mấy hôm, trên Shopee, người tiêu dùng tố cáo shop dore japan còn "hét giá" khẩu trang nhãn hiệu trên là 3 triệu đồng/hộp 50 chiếc, hộp 100 chiếc giá 5,5 triệu đồng. Mức giá này gấp khoảng 22 lần so với ngày thường. Ngay sau khi bị phản ánh, shop này đã không còn xuất hiện trên ứng dụng của Shopee.

Khảo sát trên trang thương mại điện tử này, tới nay vẫn còn tình trạng hét giá khẩu trang. Đơn cử, shop Thienkimjapanstore đang niêm yết giá một khẩu trang unicharm 3D Mask giá 3 triệu đồng. Trên thực tế, giá bán của sản phẩm này chỉ ở mức từ 250 đến 300 nghìn đồng/hộp, rẻ hơn khoảng 10 lần so với giá bán của sản phẩm trên Shopee.

{keywords}
Hộp khẩu trang giá 5,5 triệu đồng

Không chỉ tăng giá, nhiều gian hàng khẩu trang còn bán hàng khi không có sản phẩm. Đơn cử trên Lazada, một khách hàng phản ánh tình trạng bán khẩu trang nhưng shop Safety Mart không hề có sản phẩm. Cụ thể, người mua đã thanh toán thành công đơn hàng khẩu trang nhưng người bán không giao hàng.

Theo lý giải của người bán, do đang hết hàng nên không thể giao được cho khách và khoảng 7-10 ngày nữa hàng về họ sẽ gửi và đảm bảo giữ nguyên giá. Shop này cũng đề nghị khách hàng huỷ đơn. Sau đó, người mua đã phản ánh việc bán hàng ảo tới Lazada.

Trong thư phản hồi khách hàng, phía Lazada cho rằng, người bán đã thông tin sai vì hết hàng nhưng sau đó tự ý hủy đơn của khách với lý do trùng đơn và đang kiểm tra lại trên hệ thống. Phia sàn thương mại này mong người mua thông cảm và hoàn lại tiền cho khách hàng.

Tương tự, khách hàng mua khẩu trang trên Tiki cũng phán ánh về tình trạng chậm trễ giao hàng. Nhiều đơn hàng khẩu trang liên tục thay đổi thời gian giao cho khách hàng.

{keywords}
Bán hàng khi không có sản phẩm

Chị Nguyễn Thùy Ngân (khách hàng ở Hà Nội) cho hay, việc các cửa hàng bán khẩu trang giá cao bị các cơ quan chức năng xử phạt thì các đơn vị bán hàng online cũng cần phải xử lý tương tự. “Không thể để các gian hàng online muốn bán thế nào thì bán, ảnh hưởng tới người tiêu dùng”, chị Ngân bức xúc.

Liên hệ với các sàn thương mại điện tử, họ đều cho biết sẽ có biện pháp xử lý các đơn vị bán hàng vi phạm. Lazada cho hay, đã có những biện pháp nội bộ để đảm bảo nguồn cung và giá bán hợp lý đối với những mặt hàng thiết yếu như khẩu trang và chất khử trùng.

Trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng Quản lý thị trường có thể xử phạt những trường hợp vi phạm trong việc bán khẩu trang trên nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn bởi việc thẩm tra, xác minh trên mạng rất khó và mất thời gian.

Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã có yêu cầu tăng cường quản lý nhằm phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý.

Đồng thời, Tổng cục yêu cầu xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vân chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh.

Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá. Cụ thể, cá nhân, tổ chức lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì bị phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng và buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Duy Anh