Khoa học phát triển là nhờ những thứ “không có tiền lệ”. Nếu chờ “tiền lệ,” liệu bao giờ loài người mới có ô tô, điện thoại, hay thậm chí là biết được trái đất có hình tròn thay vì hình dẹt?

>> Đừng để VN mang tiếng "quốc gia nhiều tiến sĩ"

Vào một ngày đầy gió, có hai anh em làm nghề bán xe đạp đem chiếc máy bay tự chế đi thử nghiệm. Giữa đám đông đang phấn khích chờ đợi, chợt một quan chức đến thông báo cấm bay, lập biên bản, và yêu cầu tháo gỡ tất cả bộ phận máy móc. Lý do là bởi hoạt động này quá mới, chưa có tiền lệ, và cơ quan chức năng không biết quản lý ra sao.

Nếu họ ở Việt Nam?

Nếu điều đó là sự thật, thì có lẽ đến bây giờ thế giới vẫn bị chia cắt bởi địa lý xa xôi, Neil Amstrong vẫn chưa đặt chân lên mặt trăng, và trên tất cả giấc mơ bay lượn của loài người vẫn chưa là sự thật.

May mắn thay, không có lệnh cấm nào cả. Thay vào đó, anh em nhà Wright được cấp một nơi bay thử riêng, được quyền tự do chế tác máy bay, và cuối cùng là ký hợp đồng sáng chế với quân đội Hoa Kỳ. Phần còn lại là lịch sử.

Nhưng nếu họ ở Việt Nam đúng 100 năm sau, 2014, thì số phận của chiếc máy bay đầu tiên có lẽ không khác nhiều so với chiếc trực thăng tự chế của anh Nguyễn Văn Thắng, một người thợ cơ khí ở Long Biên, Hà Nội.

Sau thông tin anh Thắng tự chế máy bay được biết tới rộng rãi, bộ nọ đã liên hệ và yêu cầu anh không nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm trực thăng, đồng thời cấm bay và phải giữ nguyên hiện vật. Công an phường Long Biên sau đó lập biên bản, bắt anh tháo gỡ toàn bộ máy móc.

Chuyện tương tự cũng diễn ra với ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình, người vừa mới chế tạo chiếc tàu ngầm dân dụng đầu tiên của Việt Nam. Thử nghiệm ban đầu cho thấy chiếc tàu hoạt động tốt, nhưng mong muốn đưa ra biển chạy thử đang vấp phải nhiều rào cản, do cơ quan chức năng không biết xử lý thế nào vì “chưa có tiền lệ”.

Một vài mẩu chuyện về “vượt rào” sáng tạo của người dân cho thấy có một ý tưởng lạ lùng và quyết tâm thực hiện đến cùng ở Việt Nam không phải là điều đơn giản.

{keywords}
Tàu ngầm Trường Sa 1 của ông Nguyễn Quốc Hòa. Ảnh: TTO

Ai được quyền sáng tạo?

Về lý thuyết, Việt Nam có đầy đủ khuôn khổ hỗ trợ sáng tạo.

Chúng ta có Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Việt Nam (VIFOTEC), được thành lập dựa trên vốn nhà nước. Có Luật Sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền sáng chế. Lại có rất nhiều các cuộc thi, giải thưởng hàng năm, để tôn vinh “sáng tạo.” Nhà nước mong muốn các cơ chế đó thúc đẩy sự phát triển công nghệ- kỹ thuật ở Việt Nam.

Vậy nhưng kết quả vẫn không được như ý muốn: Từ trước đến nay, nhiều người thấy phiền lòng vì Việt Nam chưa hề có những phát minh, cải tiến nào thực sự lớn. Xét về mặt kinh tế, các ngành công nghệ cao chưa phát triển. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là nông nghiệp hoặc gia công. Năm vừa rồi xuất khẩu điện thoại có giá trị cao nhất, nhưng đó là sản phẩm của Samsung lắp ráp tại… Việt Nam.

Xét về đường lối, chúng ta đang đi đúng hướng, bởi sáng tạo luôn là động lực chính cho sự phát triển. Đế chế Anh từng thống trị được cả thế giới nhờ động cơ hơi nước, phát minh của James Watt. Hoa Kỳ, từ một quốc gia non trẻ trở thành cường quốc kinh tế, bắt đầu từ những sáng chế của Edison hay Samuel Morse.

Đến gần đây, “Thần kỳ Đông Á” với sự phát triển kinh tế vượt bậc của Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Đài Loan  cuối thế kỷ XX cũng xuất phát từ quyết tâm học tập và cải tiến công nghệ.

Là nước đi sau, yêu cầu sáng tạo của Việt Nam lại càng lớn hơn các quốc gia đi trước. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang bị lẫn lộn vai trò của nhà nước trong quá trình đó. Thay vì chỉ giữ chức năng bảo hộ, ở Việt Nam, nhà nước đảm nhiệm luôn vai trò “chỉ đạo,” quyết định cái gì nên chế tác, cái gì không. Điều đó sẽ làm cản trở sự sáng tạo, thay vì thúc đẩy nó như mong muốn.

Bởi sáng tạo trước hết vẫn khởi nguồn từ cá nhân, trong đó niềm đam mê đóng vai trò quyết định.

Nhà nước có thể thành lập một hội đồng khoa học, một trung tâm nghiên cứu với đầy đủ vật chất, nhưng không thể ban hành nghị định yêu cầu ai đó phải đam mê tìm tòi. Nhiệm vụ của Nhà nước, vì thế, chỉ nên giới hạn ở việc tạo ra môi trường tích cực, khuyến khích tất cả các cá nhân tự do suy nghĩ và khám phá. Sáng tạo là quá trình từ dưới lên chứ rất khó để thực hiện từ trên xuống.

Chiếu theo quá trình đó, thì chúng ta đang đi lộn ngược. Rất nhiều các đề án khoa học được đề ra, thực hiện, bổ sung ngân sách, rồi lại xếp gọn trong ngăn kéo. Việt Nam có đến hơn 24 nghìn tiến sĩ, nhiều nhất về số lượng ở ASEAN, nhưng lại có số kết quả nghiên cứu thấp nhất. Trong khi đó những cải tiến, phát minh mang tính thực tiễn từ “cơ sở” lại không được đầu tư, coi trọng bởi vì không phải “trọng điểm.”

Những ý tưởng bị coi là “quái gở,” hoặc không có “tiền lệ” như làm máy bay hay tàu ngầm thì bị cấm đoán, không khuyến khích.

Có chỉ đạo được sáng tạo?

Nhưng khoa học phát triển là nhờ những thứ “không có tiền lệ”. Nếu chờ “tiền lệ,” liệu bao giờ loài người mới có ô tô, điện thoại, hay thậm chí là biết được trái đất có hình tròn thay vì hình dẹt?

Và liệu có ai đủ khả năng để nhận định một ý tưởng là “gàn dở” hay là bước đột phá quan trọng?

Cùng thời gian máy bay và tàu ngầm tự chế của Việt Nam bị cơ quan chức năng xử lý, ở nước Anh, một cậu bé 13 tuổi đã thử nghiệm thành công phản ứng hạt nhân. Cậu được hỗ trợ tài chính, và cho phép tạo ra một lò phản ứng tự chế trong trường. Dễ tưởng tượng ý tưởng của cậu sẽ có số phận như thế nào ở nước ta.

Nói như vậy không phải để phủ nhận vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy sáng tạo. Thực tế cho thấy nhiều phát minh quan trọng của nhân loại ít nhiều có đóng góp của Nhà nước hay quân đội, ví dụ gần đây nhất là sự ra đời của máy tính và mạng internet.

Chính sách đúng đắn của các chính phủ ở các quốc gia cũng là nhân tố quyết định để chuyển hóa nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghệ cao chỉ trong vài thập kỷ. Có thể thấy như ở Hàn Quốc và Đài Loan.

Tuy nhiên, các nước nói trên nhìn chung chỉ nỗ lực tạo ra môi trường phù hợp để sáng tạo từ đó nảy mầm, thay vì cưỡng ép, thúc đẩy bằng mệnh lệnh hành chính. Và không quốc gia nào cấm đoán người dân nghiên cứu chế tạo sản phẩm không gây hại cho xã hội. Ngay cả Trung Quốc, nước nổi tiếng về tính kỷ luật, gần đây cũng cho phép một người nông dân thử nghiệm chiếc máy bay tự chế ở Sâm Châu, Hồ Nam, với điều kiện nó đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

Nhiều ý kiến cho rằng sự can thiệp của Nhà nước sẽ hỗ trợ hoạt động sáng tạo phát triển có định hướng và phù hợp với thực tiễn hơn. Nhưng ranh giới can thiệp để “hỗ trợ” hay “hạn chế” là rất mong manh. Và nhiều khi sự nhiệt tình thái quá cộng với thiếu hiểu biết dễ trở thành phá hoại.

Sự can thiệp quá mức dễ làm mất đi thành tố quan trọng nhất của sáng tạo: Sự tự do. Người phát minh, sáng chế có thể không cần hỗ trợ tài chính, nhưng tự do là điều kiện tiên quyết. Muốn loài chim bay lên, phải cho nó bầu trời.

Khắc Giang

Bài cùng tác giả:

Thờ ơ nhìn người bị nạn, xúm vào xem đánh nhau

Sự bàng quan, "sống tạm" gây nên thói vô cảm, thấy người gặp nạn thì thờ ơ, nhưng thấy đám đánh nhau thì xúm vào... xem. 

Nếu Kennedy còn sống, chiến tranh Việt Nam sẽ khác?

Nửa thế kỉ sau ngày vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ bị ám sát, nhiều giả thuyết cho rằng John F. Kennedy đã có ý định rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Di sản Mandela: Hòa bình không chỉ xây bằng xương máu

Di sản đáng quý nhất để của Nelson Mandela là bài học về sự khoan dung để thống nhất một dân tộc bị chia rẽ.