Lâu nay ở hầu hết các nước trên thế giới, trẻ đi học thường được thầy, cô cho bài tập về nhà. Nội dung bài tập chủ yếu liên quan tới môn học ở lớp. Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu quốc tế mới đây cho rằng các bài tập ở nhà phải chú trọng nhiều hơn về mặt xã hội chứ không phải cá nhân và biệt lập.
Hai nhà nghiên cứu người Australia, Richard Walker và Mike Horsley, tác giả cuốn Reforming Homework (tạm dịch Sửa đổi vấn đề bài tập về nhà), nói rằng đối với trẻ em tại bậc tiểu học, bài làm về nhà không có giá trị nhiều hoặc không giá trị chút nào trong việc giúp các em đạt được thành tích trong vấn đề học vấn.
Trong tác phẩm vừa nêu, họ đã xem xét lại các nghiên cứu quốc tế và kết luận rằng chất lượng của bài làm tại nhà quan trọng hơn số lượng.
Đối với trẻ em chơi để học bao giờ cũng có hiệu quả hơn là nhồi nhét - Nhóm tác giả cuốn sách Reforming Homework |
Phó giáo sư Richard Walker thuộc Đại học Sydney, đồng tác giả cuốn sách, nói: “Tôi phải nói là rất nhiều người sẽ không đồng ý với quan niệm được nêu ra trong sách. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu cho thấy bài làm tại nhà không mang lại lợi ích nhiều cho trẻ bậc tiểu học. Chúng mang lại lợi ích rất giới hạn cho trẻ ở những năm đầu bậc trung học, và mang lại lợi ích vừa phải cho học sinh ở những năm cuối bậc trung học”.
Theo ông Walker, một trong những nét của cuộc nghiên cứu là ảnh hưởng của cha mẹ trong việc con cái họ làm bài tập ở nhà. Ông nói rằng khi cha mẹ “kiểm soát quá đáng hoặc can thiệp vào việc làm bài tập ở nhà thì rõ ràng là việc này không mang lại lợi ích. Tuy nhiên, khi cha mẹ hỗ trợ cho quyền tự chủ của con cái và hướng dẫn cũng như phụ giúp thay vì can thiệp và kiểm soát thì điều này sẽ có lợi cho con em họ”.
Mặc dù cuộc nghiên cứu cho thấy một cách tổng quát rằng, bài làm tại nhà có giá trị giới hạn cho trẻ ở lứa tuổi nhỏ; tuy nhiên điều này chỉ ứng dụng cho việc đạt các thành tích có tính học thuật và lý thuyết.
Nghiên cứu không đề cập và cũng không tìm hiểu về vấn đề giá trị của bài tập làm tại nhà trong việc giúp trẻ em phát triển những kỹ năng như quản trị thời gian và thiết lập ra những mục tiêu và hoàn tất công việc của mình.
Giáo sư Mike Horsley, đồng tác giả nghiên cứu đồng thời là giáo sư tại Đại học Trung Queensland, cho biết khám phá quan trọng nhất của tác phẩm Reforming Homework là chất lượng của bài làm tại nhà quan trọng hơn số lượng. Theo giáo sư Mike Horsley, cuốn sách này nhắm tới các thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh.
Phó giáo sư Walker nói cuốn sách cũng đề ra những hướng mới cho vấn đề bài làm tại nhà. Ông cho rằng, bài làm tại nhà phải là mang nội dung về “kinh nghiệm xã hội nhiều hơn”. Ông phát biểu: “Người ta thường xem bài làm tại nhà như là một hoạt động có tính cá nhân, tức là với bài tập toán hay tập làm văn thì trẻ tự làm một mình không có sự tham gia của người khác, họa chăng chỉ là sự hướng dẫn và mách bảo của người lớn. Tuy nhiên, nếu quý vị nhìn nó như là vấn đề mang tính xã hội và văn hóa tự bản chất thì bạn sẽ phải lập ra những loại bài làm tại nhà khác nhau cho học sinh. Có thể quý vị sẽ cần phải nhấn mạnh nhiều hơn tới vấn đề học tập có tính tập thể. Có thể trong việc làm bài tập tại nhà, trẻ sẽ cần thêm trợ giúp từ cha mẹ và những người khác thay vì chỉ ngồi tại nhà, một cách biệt lập, để làm bài”.
(Theo petrotimes)