Hàng ngày, mạng xã hội đều xuất hiện những trào lưu mới. Hay ho có, vô nghĩa có nhưng điểm chung là chúng đều nhanh chóng phổ biến và ảnh hưởng đến tất cả những người đang "sống" trên "thế giới ảo"
Trong số đó, "thử thách dọn rác" là một trong số ít những trào lưu được đánh giá có tác động tích cực, tạo hiệu ứng mạnh mẽ đến ý thức và hành động của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.
Mới đây, việc một trường mầm non ở TP.HCM tổ chức cho học sinh mới 3-5 tuổi tham gia trào lưu dọn rác đã gây ra không ít ý kiến trái chiều. Có hay không việc chạy theo trend để check-in, chụp hình, tạo thương hiệu?
Theo trend quá đà
Theo đó, ngày 23/3, trường mầm non Cánh Diều (quận 7) chia sẻ hình ảnh học sinh tham gia dọn rác lên fanpage của trường. Ngay lập tức, nhiều cha mẹ phản ánh việc các em phải dọn rác lúc 10h sáng trong thời tiết nắng nóng ở Sài Gòn, tay đeo găng ni lông mỏng, có những em không có kẹp nên phải dùng tay để bốc rác.
Dù mục đích ban đầu của nhà trường đưa ra không xấu nhưng việc để các em nhỏ được trang bị bảo hộ không đầy đủ, dọn rác lúc giữa trời nắng nhận được sự không đồng tình của phụ huynh.
Nhà trường cho những em nhỏ từ 3-5 tuổi đi dọn rác giữa trời nắng khiến dân mạng bức xúc. Ảnh: Konnit Outdoor Playschool. |
Và dù ủng hộ việc nhà trường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ, nhưng mọi người đặt câu hỏi liệu nhà trường đã tính toán hết các vấn đề có thể xảy ra và việc cho các bé, và việc dọn rác này có phải một hình thức nhằm quảng bá tên tuổi của trường?
"Nguy hiểm quá, không thể để vậy được đâu. Người lớn mình đây kêu dọn rác chỗ lạ còn phải cẩn thận vì tiềm ẩn bệnh dịch, vi trùng rồi kim chích các thứ, huống gì đây là con nít. Mà học sinh cấp một cũng chưa được, nói gì các bé dưới 5 tuổi", tài khoản Trâm Lê bày tỏ.
Nguyễn Thanh Duyên bình luận: "Phụ huynh bức xúc là đúng, mình đọc mà giận run người dù không phải con. Nghĩ sao mấy em da mỏng, sức đề kháng thì yếu mà đeo cái bao tay ni lông mỏng lét vậy".
Về phía nhà trường và đơn vị phối hợp tổ chức hoạt động lần này là Konnit Outdoor Playschool cũng đưa ra lời xin lỗi và giải thích. Trường Cánh Diều cũng nhận sai sót khi không thông báo đến phụ huynh trước khi cho các bé tham gia.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện trường này cho hay, tổ chức cho các em dọn rác lần này là một trong những hoạt động học tập hàng ngày.
"Hoạt động nhặt rác này, cho dù được đánh giá chạy theo xu hướng đang phổ biến hiện nay thì chúng tôi cũng tin rằng đó là một xu hướng tốt, vì qua đó có thể nâng cao ý thức vì cộng đồng của trẻ em", đơn vị tổ chức cũng khẳng định trước khi để các em đến đây đã cho kiểm tra, rà soát vào buổi chiều ngày hôm trước.
'Theo trend"' mà không hiểu gì thành làm trò lố vô bổ
Việc để trẻ con đi dọn rác không phải trường hợp đầu tiên người ta bức xúc khi những trào lưu vui vẻ, ý nghĩa bị lợi dụng, biến tướng hay thực hiện sai hướng.
Năm 2013, trào lưu "Dội nước đá lên người" với hashtag #IceBucketChallenge đã tạo thành một "làn sóng" trên mạng với sự tham gia của loạt sao đình đám như Justin Bieber, Taylor Swift, Jennifer Lopez, Adam Levine...
Đây là trò chơi thử thách nhằm nâng cao nhận thức về ALS (xơ cứng teo cơ một bên) - căn bệnh khiến các tế bào thần kinh vận động của con người bị tê liệt.
Người chơi sẽ bị dội một xô nước chứa đầy đá lạnh lên đầu, ghi hình lại rồi tung lên mạng xã hội và được quyền thách thức một hoặc nhiều người nào đó làm việc này. Trong vòng 24h sau đó, người bị thách thức phải có câu trả lời. Nếu họ không đồng ý chơi thì sẽ phải quyên góp 100 USD cho quỹ từ thiện của Hiệp hội ALS.
Theo tổng kết, số tiền quyên góp được từ thử thách này lên đến 115 triệu USD.
Được đánh giá là thử thách ý nghĩa nhân văn, song Ice Bucket Challenge cũng không tránh khỏi việc bị biến tướng khi người chơi không hiểu ý nghĩa của nó là gì.
Khi về đến Việt Nam, "Thử thách dội nước đá" không chỉ được giới trẻ mà còn có đông đảo các nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Đinh Hương... hưởng ứng.
Hồ Ngọc Hà và nhiều nghệ sĩ Việt tham gia "Thử thách dội nước đá" được dân mạng chú ý. Ảnh: FB. |
Song những màn dội nước đá của người tham gia ở Việt Nam không phải nhằm mục đích quyên góp từ thiện mà chỉ để theo phong trào, "câu view" là chính.
Không chia sẻ thông tin về căn bệnh, không kêu gọi ủng hộ, nhiều người chỉ đơn giản dội nước lên người, vô tình khiến nó trở thành trò vô nghĩa, người tham gia bị chê là "đú đởn".
Nhiều người bỗng dưng bị "gọi hồn" ép tham gia cũng khó chịu vì chính người thử thách còn không đóng góp được ý nghĩa gì sau khi dội nước lên người như vậy.
Ca sĩ Minh Quân từng chia sẻ bản thân nhận được hàng trăm tin nhắn qua điện thoại, Facebook, email từ phía bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ thách đố dội nước đá lên người. Anh cảm thấy như đang bị “tra tấn” chứ không phải làm từ thiện.
Theo nam ca sĩ, vốn là một hành động từ thiện đích thực nhưng ở Việt Nam, dội nước đá lên người đang bị biến tướng thành trò giải trí vô bổ.
Tháng 8/2014, "hot girl bán báo" Lâm Bảo Nhi bị chỉ trích khi cởi áo, chỉ mặc nội y để tham gia thử thách. Sau đó cô đưa ra lời thử thách tới Trấn Thành và 2 người nữa.
"Hot girl bán báo" chỉ mặc nội y để tham gia thử thách bị nhiều người chê là phản cảm. Ảnh: FBNV, ảnh cắt từ clip. |
Đông đảo dân mạng "ném đá", cho rằng nàng hot girl lợi dụng trào lưu để khoe thân phản cảm. Dù giải thích là cởi áo "để đảm bảo an toàn", cô vẫn bị cười chê. Việc "lột áo" của cô sau đó còn được nhiều cô gái khác học theo khiến công chúng bức xúc.
Có vẻ dân mạng đã đi quá xa so với mục đích ban đầu của trào lưu này. Không có một quỹ từ thiện nào được lập ra để ủng hộ người bệnh. Sau một thời gian rầm rộ, nhiều người chơi còn không biết ALS là gì.
Kiss Cam biến tướng thành 'cưỡng hôn' phản cảm
Trào lưu Kiss Cam - "Hôn trộm người lạ" phiên bản Việt từng nhận "cơn mưa gạch đá" từ công chúng, từ người trẻ đến người già khi không phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Được lấy cảm hứng từ clip First Kiss ra đời năm 2014 của đạo diễn Tatia Plleva, Kiss Cam nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới.
Ở nước ngoài, việc trao một nụ hôn là thể hiện tình cảm, sự thân thiết, và đây là trào lưu vui nhộn để giải trí, người chơi cũng tỏ ra bình thường khi nhận được một nụ hôn từ người lạ.
Tuy nhiên, khi sang đến Việt Nam, trào lưu này bị cho là "gây sốc", phản cảm, bất lịch sự.
Tháng 7/2015, dân mạng chia sẻ video mang tên Thả tiền hôn gái do Nguyễn Mạnh Quang (biệt danh Quang Bek, đến từ Hà Nội) thực hiện. Sản phẩm này được mọi người nhận xét là biến tướng mới của trào lưu Kiss Cam.
Màn Kiss Cam của Quang Bek bị "ném đá" vì vô duyên, không phù hợp văn hóa. Ảnh cắt từ clip. |
Theo đó, chàng trai thả tờ tiền xuống đất. Nếu bạn gái nào bắt trúng sẽ được thưởng số tiền này. Ngược lại, khi không làm được, người chơi bị nam thanh niên "cưỡng hôn".
Đoạn video tiếp tục bị người xem "ném đá" và cho rằng là trò chơi lừa đảo, vì hiếm có cô gái nào chiến thắng thử thách này.
Quang sau đó cũng thừa nhận làm video này với mục đích "gây sốc", bản thân anh chàng biết sẽ phải chịu dư luận trái chiều nhưng vẫn thực hiện. Trong đó có cả những tình huống ngẫu nhiên và cả những màn "hôn sâu" có sắp đặt.
"Hot trend" đến và đi nhanh như đúng tên gọi của nó: trào lưu, nghĩa là nổi lên như một hiện tượng rồi bị thay thế khi công chúng chú ý đến những thứ mới mẻ, hay ho hơn.
Nhưng quan trọng hơn, liệu người tham gia sẽ "đu" theo ý thích nhất thời để kiếm chút views, chút danh tiếng, hay tham gia và tạo dựng ý nghĩa cho những trào lưu ấy?