Nhiều tiểu thương gặp khó
Trong thời kỳ bùng nổ của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada…, các bạn trẻ, thậm chí cả những cô, dì lớn tuổi cũng dần thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì đến các ngôi chợ để mua hàng, giờ đây với chiếc điện thoại trong tay, nhiều người chỉ cần nằm ở nhà, truy cập vào các sàn thương mại điện tử cũng có thể mua sắm cho mình những mặt hàng ưng ý.
Ngoài việc thu hút khách hàng bằng nhiều ưu đãi, các sàn thương mại điện tử cũng cho phép người dùng tổ chức các phiên livestream bán hàng trực tuyến để quảng bá các sản phẩm với khách hàng.
Tại những phiên bán hàng trực tuyến này, người bán có thể chủ động “chốt đơn”, trả giá hay có những ưu đãi để chiều lòng khách hàng. Nhờ thế, có những người kiếm được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng sau những phiên bán hàng trực tuyến như vậy.
Không chỉ tại các sàn thương mại điện tử với những mặt hàng như quần áo, giày dép, phụ kiện… được nhiều người dân ưa chuộng, hiện nay tại các siêu thị như Winmart cũng có dịch vụ đi chợ trực tuyến. Điều này khiến cho nhiều người ngày càng bỏ qua chợ truyền thống để hướng đến những lựa chọn tiện lợi hơn.
Chính điều này đang khiến cho những tiểu thương buôn bán theo cách truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm. Trước xu thế thời đại, họ bắt buộc phải bắt kịp với xu thế công nghệ mới có thể cải thiện tình hình kinh doanh.
Dạo một vòng quanh các khu chợ truyền thống tại Huế như chợ Bến Ngự, chợ An Cựu, chợ Trường An, chợ Đông Ba, không khó nhận ra tình cảnh đìu hiu, vắng vẻ, nhất là tại những lô hàng bán quần áo, giày dép, phụ kiện… Nhiều tiểu thương chia sẻ, giờ bán được hôm nào thì hay hôm đấy.
“Ngày xưa người dân còn thường xuyên đi chợ, dì cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng dạo này vắng khách nên cũng ế ẩm hơn trước nhiều. Khách người ta mua hàng trên internet hoặc vào các “shop” bán quần áo, chẳng ai mua trong chợ nữa”, bà Trần Thị Đông Thư, tiểu thương chợ An Cựu cho biết.
Tình trạng vắng khách cũng diễn ra tại chợ Đông Ba, đặc biệt tại các gian hàng quần áo, giày dép, phụ kiện…, mặc cho các tiểu thương cũng thường xuyên cập nhật những mẫu mã mới, giá cả cũng ở mức phải chăng nhưng khách hàng cứ ngày một thưa thớt.
“Bữa ni các bạn trẻ bán hàng online nhiều, khách hàng cũng mua online nhiều nên chợ truyền thống không được đông khách như ngày xưa”, bà Lê Thị Kim Chi, tiểu thương chợ Đông Ba bộc bạch.
Dù biết thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi, biết rằng việc bán hàng trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử có thể đem đến lợi nhuận và thu hút khách hàng hơn, nhưng nhiều tiểu thương lớn tuổi, không theo kịp được công nghệ nên họ đành bất lực với sự dịch chuyển thói quen của người tiêu dùng và vẫn chưa thể thay đổi cách thức buôn bán để cải thiện tình hình.
Cần nỗ lực thích nghi
Dẫu biết có khó khăn trong việc thích nghi với một cách làm mới, một phương thức kinh doanh mới, nhưng nếu như giữ mãi phương thức kinh doanh truyền thống thì chắc chắn sẽ bị đào thải. Trước tình hình buôn bán ế ẩm của nhiều ngành hàng, cũng như hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương, Ban Quản lý chợ Đông Ba ấp ủ ý định triển khai các gian hàng trực tuyến để hỗ trợ cho các tiểu thương trong việc bán hàng. Trong giai đoạn đầu triển khai các gian hàng trực tuyến, Ban Quản lý chợ sẽ bố trí nhân lực, phương tiện để hỗ trợ về cách thức, công nghệ cho tiểu thương.
“Bên cạnh việc triển khai các lớp tập huấn bán hàng trực tuyến, Ban Quản lý chợ đã làm việc với Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế để hỗ trợ cho các tiểu thương lớn tuổi trong thời gian sắp tới”, bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Ba chia sẻ.
Trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình thương mại khác, hi vọng các tiểu thương tại những ngôi chợ truyền thống sẽ kịp thời thay đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động để đảm bảo sự tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới.
Theo Đăng Trình (Báo Thừa Thiên Huế)