Hàng ngày người tiêu dùng đang tiếp xúc với quảng cáo từ mọi góc độ thông qua các thiết bị thông minh. Các doanh nghiệp gửi quảng cáo cho người tiêu dùng thông qua mạng xã hội, kênh YouTube, tin nhắn, email, tờ rơi…

Trong đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng phương pháp thuê người nổi tiếng chứng thực về sản phẩm của mình nhằm lừa đảo người tiêu dùng. Các quảng cáo này được thực hiện trên blog, trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook, truyền hình…

Biện pháp này được đánh giá dễ dàng lấy được lòng tin của người tiêu dùng nhất vì người tiêu dùng có xu hướng tin tưởng người nổi tiếng, chuyên gia và các blogger trên mạng.

Thế nhưng trên mạng Internet, truyền hình còn phổ biến tình trạng tung thông tin bán sản phẩm sai sự thật, sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, dụ dỗ và lừa đảo người tiêu dùng bằng chương trình trúng thưởng…

Cụ thể, sản phẩm thật thường khác so với hình ảnh quarng cáo, dù được tung hô có tính năng ưu việt, nổi tiếng trên thế giới nhưng thực tế lại là thương hiệu rất ít người biết đến, thậm chí nhiều trường hợp là hàng trôi nổi, lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ.

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý cạnh tranh, tại Việt Nam, quảng cáo và thương mại điện tử đang phát triển mạnh. Vì thế, người tiêu dùng Việt Nam nên đề cao cảnh giác với những vấn đề bao gồm quảng cáo về các ứng dụng, dụng cụ sức khỏe, quảng cáo có người nổi tiếng chứng thực…

Bên cạnh đó, để kiểm soát được các vấn đề quảng cáo gian dối, lừa đảo, bên cạnh sự chủ động từ phía các doanh nghiệp, vai trò quản lý của cơ quan nhà nước thực sự đóng vai trò then chốt. Để làm được điều này, các cơ quan liên quan trong lĩnh vực quảng cáo cần xúc tiến xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

Hiện nay, đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh cho thấy, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam còn chưa chặt chẽ, trong khi bảo vệ người tiêu dùng trong quảng cáo và dữ liệu trên mạng liên quan đến rất nhiều lĩnh vực và các cơ quan, ngành. Vì thế, việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan sẽ là nền tảng vững chắc, thúc đẩy hiệu quả và tiết kiệm thời gian cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho rằng cần phải rà soát, sửa đổi pháp luật và chính sách liên quan. Thương mại điện tử và quảng cáo sẽ phát triển với tốc độ rất nhanh và đa dạng, trong tương lai có xu hướng sẽ vượt quá các quy định của pháp luật. Do đó việc theo dõi, rà soát và sửa đổi các quy định pháp luật thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hoạt động quảng cáo.

Ngoài ra cần đẩy mạnh nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng và doanh nghiệp. Khi đối tượng doanh nghiệp hiểu được lợi ích của việc kinh doanh lành mạnh sẽ góp phần tạo ra môi trường tiêu dùng bền vững. Tương tự, khi nhận thức được nâng cao, người tiêu dùng cũng sẽ tự ngăn chặn được những nguy cơ mà quảng cáo lừa đảo có thể gây ra.