ASEAN 19 và EAS 6 đã để lại dấu ấn như một chuỗi Hội nghị Cấp cao của hành động: định hình được cấu trúc khu vực về kinh tế/an ninh, đạt nhất trí cao về Biển Đông. Các nước vừa và nhỏ (như Việt Nam) có cơ hy vọng vào một tương lai ít xáo trộn hơn?

TIN LIÊN QUAN:

Các nhà lãnh đạo của 10 nước ASEAN và 18 thành viên Cấp cao Đông Á vừa kết thúc một loạt hội nghị cấp cao trong hai ngày cuối tuần qua. Các thượng đỉnh: ASEAN lần thứ 19 (ASEAN 19), ASEAN+3 (APT), ASEAN+Hoa Kỳ (AU), ASEAN+Trung Quốc (AC) và Đông Á lần thứ 6 (EAS 6) năm nay thật sôi động.

Tuyên bố EAS 6 nhấn mạnh tầm nhìn chung về những vấn đề chiến lược, những nội dung chính trị, kinh tế và an ninh cùng quan tâm nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở Đông Á, đồng thời xác định ASEAN là lực lượng hướng lái trong EAS.

Các nước tham gia EAS 6 đã nhất trí một số nguyên tắc, đặc biệt nguyên tắc không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực chống lại nước khác; giải quyết khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế...

Tuyên bố về kết nối ASEAN nhấn mạnh các nước ủng hộ và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại Đông Á về huy động nguồn lực và chuyên môn, chia sẻ thông tin...

Hai khối thương mại

Kết quả nổi bật nhất nhất của chuỗi cấp cao Bali, bao gồm cả các nhà lãnh đạo của hai diễn đàn ASEAN và Đông Á, là sự tái khẳng định trên thực tế hai khối mậu dịch tự do sẽ song hành: APT (ASEAN+3) và TPP (Đối tác xuyên Thái Bình Dương).

Lãnh đạo Mỹ - Trung gặp gỡ song phương. Ảnh: THX

APT vốn được thai nghén cách đây 10 năm, khi Trung Quốc đề nghị ký hiệp ước mậu dịch tự do với cả 10 quốc gia ASEAN. Năm ngoái, hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực. Tại Cấp cao ASEAN - Trung Quốc (AC) lần này, Việt Nam với tư cách là nước điều phối, đề nghị nâng thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD vào năm 2015.

Lần lượt, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham dự vào câu lạc bộ này. “ASEAN Plus Three” thành tên gọi quen thuộc, mặc dù sau đó, đã có thêm ba nước Ấn Độ, Australia và New Zealand ký hiệp ước mậu dịch tự do với các nước ASEAN. ASEAN+3 thành ASEAN+6.

Tại Cấp cao APT, các bên đều đánh giá cao hiệu quả hợp tác ASEAN+3, trong đó nhấn mạnh thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai và hàng loạt các chương trình khác. APT sẽ triển khai Kế hoạch công tác 2007-2017 trên cơ sở kế hoạch tổng thể và kết nối ASEAN.

Tại APEC 19 trước đấy, Hoa Kỳ và các thành viên của Đối tác xuyên Thái Bình dương trong tương lai (TPP) nhất trí sang năm sẽ hoàn tất văn bản hiệp định xuyên thế kỷ 21 này. Vừa qua, TPP 9 đã mở rộng thành TPP 12.

Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua hiệp ước tự do mậu dịch với Hàn Quốc. Nay mai Quốc hội Hàn Quốc sẽ phê chuẩn hiệp ước trên, lúc đó quốc gia này đương nhiên sẽ là thành viên của TPP.

Các nước châu Á từ nay có một “thực đơn” gồm hai khối mậu dịch ATP và TPP. Các nước có thể tham gia cả hai, như Việt Nam đang tiến hành, chứ không chỉ có một lựa chọn.

Dự án TPP ràng buộc các quốc gia hai bờ Thái Bình Dương bằng các thỏa ước thương mại tự do. Ràng buộc này có thể sẽ chặt chẽ và bền bỉ hơn các hiệp ước liên minh quân sự, vì nó được bảo vệ bằng các quyền lợi kinh tế cụ thể. Kinh tế chứ không phải các liên minh quân sự sẽ kết nối các quốc gia một cách lâu dài.

Nhất trí cao về Biển Đông


Cái định kiến cố hữu cho rằng ASEAN là một Hiệp hội chỉ nói và nói (talk and talk), còn kẻ khác thì nói và chiếm đoạt (talk and take) hẳn sẽ phần nào phai nhạt sau chuỗi cấp cao ASEAN 19 vừa diễn ra.

Trước khi diễn ra hội nghị, Trung Quốc phản đối việc thảo luận về chủ quyền Biển Đông tại các hội nghị thượng đỉnh. Trung Quốc chủ trương đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp biển đảo trong vùng.

Nhưng tại ASEAN 19 cũng như EAS 6, và đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ (AU 3) tất cả các quốc gia đều nhất trí cao về vấn đề Biển Đông, trừ Trung Quốc.

Tổng thống Obama chính thức nêu vấn đề Biển Đông ra trước Hội nghị EAS 6, nhấn mạnh thêm tính chất quốc tế của hồ sơ này. Hội nghị đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc về Biển Đông. Ông Obama nhắc lại là các bên phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với thông lệ quốc tế, áp dụng đúng Công ước LHQ về Luật Biển.

Bên lề EAS 6 , Tổng thống Obama và Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng có một cuộc gặp riêng hơn một tiếng đồng hồ. Tổng thống Hoa Kỳ cũng lại nêu lên các vấn đề xung khắc trong thương mại và hồ sơ Biển Đông với Thủ tướng Trung Quốc.

Trong nhiều hội nghị song phương/đa phương khác, kể cả trong Hội nghị cấp cao với Trung Quốc (AC), vấn đề Biển Đông đều được đề cập và đi đến cùng một kết luận: tranh chấp phải được giải quyết trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda có hai cuộc họp với 10 nhà lãnh đạo ASEAN và 5 nhà lãnh đạo các nước vùng Mekong. Thông cáo chung về các cuộc họp nêu rõ vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Ngay cả một nước xa lạ với Biển Đông như Ấn Độ cũng tỏ thái độ bất bình với đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong cuộc gặp song phương với đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Manmohan Singh đã thông báo là New Delhi vẫn xúc tiến công việc thăm dò dầu khí ngoài Biển Đông.

Trung Quốc nhận cam kết thực thi bản Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông DOC, và hứa cố gắng tiến tới việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử COC. Mặt khác, Trung Quốc cũng đồng ý sẽ hợp tác để tăng cường việc bảo đảm quyền tự do hàng hải theo tinh thần Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Tại các diễn đàn quốc tế nói trên, Bắc Kinh bị đẩy vào thế thủ, do quan điểm đòi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông dựa trên yếu tố lịch sử. Trung Quốc hoàn toàn bị đơn độc vì không có một nước nào khác lên tiếng ủng hộ quan điểm chủ quyền của họ.

Trật tự liên khu vực đang định hình

Các nước ASEAN không hề “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”! Có thể rồi đây, nhiều nước sẽ chọn cả hai khối thương mại tự do.

Hai khối nhưng thật ra là một trật tự, trật tự châu Á - Thái Bình Dương. Theo Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa, biện pháp giải quyết căng thẳng trong khu vực không phải là mời gọi Hoa Kỳ giúp cân bằng thế lực quân sự với Trung Quốc, mà là tìm cách phát triển quan hệ mọi mặt với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc.

Thế giới đang trải qua cuộc tổng đảo lộn. Các hồ sơ về an ninh và kinh tế hòa quyện. Sau một năm phấn đấu, chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu” càng tô đậm ý thức của ASEAN về vận mệnh của Hiệp hội gắn với vận mệnh của trật tự khu vực!

Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trước đây luôn được coi là hai thế giới độc lập với nhau. Những diễn biến gần đây trong khu vực bắt đầu củng cố sự thống nhất hơn giữa hai khu vực. Tăng trưởng cao của Đông Á đã tạo ra những mối liên kết kinh tế vững chắc hơn giữa hai khu vực này.

Những khác biệt trước đây giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đang bắt đầu mờ dần. Trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương luôn có những tiểu vùng nhỏ, mỗi vùng lại có những vấn đề an ninh đặc trưng, thì sự trở lại châu Á của Mỹ, trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ đã mang đến sự chuyển dịch địa - chính trị rõ ràng.

Trong chuyến công du châu Á vừa qua, tổng thống Obama lần lượt khởi động dự án TPP, thông báo gởi một chiến đoàn thủy quân lục chiến sang đóng tại Bắc Australia nhìn ra Biển Đông. Quyết định này làm Bắc Kinh không vui, cho là “không thích đáng”. Nhân dân Nhật báo cảnh cáo Ốtxtrâylia coi chừng “kẹt giữa hai làn đạn”.

Nhận định về thế trận mới, các chuyên gia địa - chính trị cho rằng Hoa Kỳ áp dụng một chiến lược “cương nhu phối triển”. Vừa củng cố quan hệ với các đồng minh trong vùng bằng hợp tác quốc phòng. Vừa xây dựng khu vực thương mại tự do theo “đồng thuận Washington”.

Cho dù nói về khối thương mại nào thì tuân thủ cải cách nội bộ sâu rộng, thao tác theo luật chơi quốc tế là đòi hỏi khách quan đối với bất cứ quốc gia nào muốn tham gia.

Hải Đăng