- Mỗi ngày, hàng chục em học sinh thôn Hương Canh, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) phải chen chúc, bám víu nhau trên chiếc đò ngang nhỏ bé...
Đối mặt với... “hà bá”
Phải thức giấc từ khi trời chưa kịp sáng, những đứa trẻ gầy gò, đen đúa ở thôn Hương Canh trên vai nặng trĩu cặp sách, đứa thì áo mưa, đứa thì che dù, ngồi run rẩy bên bờ sông chờ cho chiếc đò duy nhất của thôn chở các em qua sông đến trường cho kịp giờ học.
Khi ông chủ đò đến, bọn trẻ reo lên “ông gặp đến rồi”. Thế là như đã quen thuộc từ bao giờ. Bọn trẻ nhanh nhẹn trèo lên đò mà không cần phải chờ sự sắp xếp của chủ đò.
Trên chiếc đò nhỏ, có gần 20 em ngồi chật ních thành một hàng dài, không thể quay trở nổi mình.
Chiếc đò từ từ rời bờ rồi tiến ra giữa dòng nước lớn chảy xiết, đục ngầu mà mưa lớn từ thượng nguồn mới đổ về.
Con đò chở quá sức, lâu lâu lại có một cơn gió mạnh thổc vào khiến đò cứ lắc lư, chao nghiêng, nhiều phen làm bọn trẻ hú vía. Dòng nước chảy xiết đang chực chờ. Chỉ cần một chút mất bình tĩnh của chủ đò thì “hà bá” sẽ không bỏ qua cho bọn trẻ.
“Nước giữ quá, lại gió mạnh nữa. Lúc nãy mà không bình tĩnh, tay chèo không vững thì nguy rồi, lạy trời...”, ông Phan Văn Gặp, chủ đò vẫn chưa hết lo sợ.
Đò đã kín người, nhưng chủ đò vẫn gắng để cho các em tiếp tục bước lên cho hết người. |
Qua được bên kia sông, bọn trẻ vẫn chưa hết sợ hãi. Một em học sinh tên Lê Thanh Ban nói: “Bọn em cũng sợ lắm, nước chảy xiết quá. Nhưng không đi đò thì không có cách mô đến trường được nữa”. Nói rồi cả bọn vội vã chạy vù đi cho kịp giờ vào học.
Bên kia sông còn có một nhóm học sinh đang nóng lòng ngồi chờ đò. Ông chủ đò lại vội vã chèo mạnh tay vượt qua dòng nước xiết để tiếp tục một chuyến khác.
Con đò nhỏ, chất lên gần 20 người, lại không trang bị áo phao, rủi ro là khó tránh khỏi |
Anh Trần Bồng, một người dân sống gần đó kể: “Cách đây gần một năm, có một vụ lật đò tại đây. Nghe tiếng gào cứu, tui cùng mấy người dân xung quanh đã vội bơi ra vớt bọn trẻ lên, trong đó có hai cháu uống quá nhiều nước, ngất lịm. Bọn tui phải nhồi cho nước ra hết rồi vội vã đưa đi cấp cứu. May mà vẫn còn kịp nên cả hai đã được cứu sống.”
“Không thể yên tâm”
Hàng ngày các em học sinh nơi đây phải đi qua dòng sông rộng gần 30 m này ít nhất hai lần. Mỗi lần đi là một lần các em phải đối mặt với hiểm họa rình rập khi đò luôn chở quá tải và không có áo phao.
Điều đáng lo ngại là không chỉ các em tiểu học phải đi đò qua sông đến trường, mà với các em mẫu giáo cũng chung số phận.
Nhiều em khi bố mẹ đưa đến bờ sông sợ hãi, không chịu lên đò, cứ khóc đòi về. Thương con quá, nhiều người không đành lòng ép con trẻ đến trường, đành đưa chúng về.
Con đò quá tải, lắc lư, ì ạch giữa dòng nước mênh mông |
Trước tình trạng tính mạng của con em mình luôn bị đe dọa bởi miệng hà bá. Nhiều phụ huynh thật sự rất lo lắng.
“Vào mùa mưa này, chúng tôi không thể yên tâm công việc được. Cứ nghĩ đến mấy đứa trẻ không biết qua sông có an toàn không. Chẳng may có mệnh hệ gì thì khổ. Nhiều khi tui đang nấu cơm dở, thấy gần trưa mà bọn trẻ chưa về là phải thả đó, chạy ra sông xem thế nào” - chị Nguyễn Thị Mai, một phụ huynh có 2 đứa trẻ đang học Trường tiểu học Thuận Hóa tâm sự.
Qua được sông, nhiều em học sinh vẫn chưa hết sợ hãi. |
Ông Lê Mạnh Hùng một phụ huynh ở thôn Hương Canh cho biết: “Trước đây tại thôn có lớp mầm non, nhưng không hiểu sao sau đó đã đóng cửa. Hiện nhiều em mẫu giáo, tiểu học... phải vượt sông đến trường. Để con có cái chữ, cha mẹ phải chấp nhận cho con qua đò đến trường. Nhưng thật sự bọn tui không thể yên tâm tí nào”.
“Hiện nay số lượng các em ở Hương Canh vượt sông đi học tương đối đông, vào mua mưa rất nguy hiểm. Chúng tôi cũng hết sức lo lắng. Để đảm bảo an toàn cho học sinh vào mua mưa lũ, đã chỉ đạo cho các trường nếu mưa lớn thì cho các em nghỉ học để đảm bảo an toàn”, bà Hồ Thị Bích Hà - Phó Phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa cho biết.
Ông Phùng Ngọc Anh Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa kiên quyết: “Việc chủ đò chở quá số người và không được trang bị áo phao mà gặp sự cố thì chủ đò phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu chủ đò chấp hành đúng quy định để bảo đảm tính mạng của các cháu”.
Rời thôn Hương Canh khi trời đã xế chiều, cũng là lúc các em học sinh sắp tan buổi học, chúng tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi dòng nước đục ngầu, chảy xiết. Mùa mưa lũ mới chỉ bắt đầu, mong sao nó qua thật nhanh để dòng nước hung hãn đừng đe dọa con đò bé nhỏ, đe dọa những đứa trẻ đang trên hành trình tìm chữ, xóa mù.
Trần Văn – Duy Tuấn