"Đánh" vào FDI là đúng đối tượng

Ngày 5/11/2020, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-cP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017) với một số điểm thay đổi đáng lưu ý.

Đó là nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế...

Nghị định này cũng có thay đổi lớn khi cơ quan soạn thảo thêm vào chi tiết: các hoạt động sản xuất kinh doanh được xem là giao dịch liên kết gồm: mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao... máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính,...

“Như vậy, lần này cơ quan soạn thảo đã quy định quá rõ ràng để chặn lại các lỗ hổng pháp lý/ các tranh cãi nảy lửa thời gian qua. Cụ thể, thay vì cho vay phải có lãi suất, có phát sinh nghĩa vụ thuế thì các bên liên quan 'cho mượn', nay vay hay mượn đều phải chịu sự điều chỉnh của Nghị định mới”, một chuyên gia kế toán bình luận.

{keywords}
Nghị định 20, giờ là Nghị định 132, nếu nhằm đến doanh nghiệp FDI là đúng đối tượng.

Đặc biệt, một lỗ hổng rất lớn khác mà các công ty đa quốc gia “lách thuế” bao năm nay cũng được “trám” lại chỉ với cụm từ mới thêm vào "chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết”.

Ví dụ, trước đây, công ty con A tại Việt Nam đang áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất phổ thông (20%) có phát sinh thu nhập chịu thuế với số tiền là 10 tỷ. Để “cân” khoản thuế này, công ty mẹ B ở nước ngoài sẽ “ấn” cho công ty con A tại Việt Nam một khoản chi phí quản lý bằng 10 tỷ dẫn đến thu nhập chịu thuế của công ty A tại Việt Nam bằng 0, thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0, thay vì là 10 tỷ x 20% = 2 tỷ đồng.

Sau khi dùng thủ thuật này, nghĩa vụ thuế từ A chuyển sang B và khi đấy, B chỉ phải nộp thuế nhà thầu với thuế suất tối đa 10%, số thuế phải nộp là 10 tỷ x 10% = 1 tỷ. Giờ đây, nội dung thêm vào này sẽ khiến công ty đa quốc gia không còn đơn giản để việc lập kế hoạch thuế trót lọt như trước đây nữa.

Phân tích vậy để thấy rằng Tổng cục Thuế đã có những biện pháp để ngăn chặn phần nào hiện tượng chuyển giá ở các doanh nghiệp đa quốc gia. Thế nhưng, những ý nghĩa của việc này lại gần như bị lu mờ khi Nghị định 132 áp chung cho cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp “nội”, gây ra sự lo ngại của một bộ phận doanh nghiệp.

Thực tế từ khi Nghị định 20 ban hành, số lượng doanh nghiệp bị tác động nhiều nhất là doanh nghiệp FDI lại không hề có bất cứ phàn nàn nào. Đại diện Tổng cục Thuế lý giải rằng do trong quá trình xây dựng Nghị định 20, các doanh nghiệp FDI thông qua đội ngũ tư vấn hùng hậu của mình đã sớm có ý kiến, góp ý về dự thảo qua nhiều kênh khác nhau. Cho nên khi áp dụng, họ không gặp vướng mắc gì.

Song, còn một vấn đề khác chưa được nhắc đến. Doanh nghiệp FDI không kêu bởi ở mặt nào đó Tổng cục Thuế đã “đánh trúng đối tượng”. Áp quy định khống chế lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo khuyến cáo của OECD là đúng và doanh nghiệp FDI biết phải như thế nên họ không kêu. Trong khi đó, áp dụng vào doanh nghiệp Việt Nam lại là sự “khập khiễng” nên những tiếng kêu không dứt.

Băn khoăn việc áp dụng với doanh nghiệp trong nước

“Vốn mỏng có xấu không?”. Đem câu hỏi này nói với một chuyên gia về kế toán sau khi Tổng cục Thuế họp báo về Nghị định 132 quy định giao dịch liên kết, trong đó có mục đích là hạn chế tình trạng vốn mỏng, vị này trả lời: Có hay không còn tuỳ trường hợp cụ thể, tùy sức mạnh của từng nền kinh tế cụ thể.

Theo vị chuyên gia, với nền kinh tế yếu như Việt Nam, nếu tập trung đánh vốn mỏng thì các DN nhỏ và vừa sống kiểu gì? Trong khi đó, hơn 98% DN tại Việt Nam là đối tượng này, có doanh nghiệp nào vốn dầy đâu.

“Bê nguyên OECD áp cho các quốc gia phát triển vào Việt Nam thì... ”, ông bỏ lửng câu nói với sự thất vọng.

Chính Tổng cục Thuế cũng hiểu rằng, quy định về khống chế chi phí lãi vay lần đầu được áp dụng tại Việt Nam nên không tránh khỏi khó khăn trong quá trình triển khai, mà nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Việt Nam có vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay, vốn chủ sở hữu thấp.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm các quy định và thông lệ quốc tế, đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn cho các mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù điển hình như hình thức huy động vốn thông qua mô hình công ty mẹ - con vì mục đích phát huy hiệu quả các hoạt động kinh tế hợp pháp của tập đoàn, hoặc đối với các công ty phải sử dụng nguồn vốn rất lớn như lĩnh vực bất động sản. Việc áp dụng nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS, thực tiễn áp dụng ở các nước để quy định mang tính khả thi và thực sự đi vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp.

Nghị định 20/NĐ-CP rồi đến Nghị định 132 tiếp cận với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế trong việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, trong đó có cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn BEPS của OECD.

Trước tình hình xói mòn cơ sở thuế nội địa và chuyển lợi nhuận là việc các doanh nghiệp đa quốc gia, lợi dụng các lỗ hổng và sự không đồng bộ của hệ thống thuế của các quốc gia khác nhau để tránh thuế, các thành viên của OECD đã cùng nhau thống nhất Kế hoạch hành động về Chống xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận nhằm loại trừ việc các doanh nghiệp đa quốc gia lạm dụng các lỗ hổng về thuế này.

Song, chuyên gia kế toán trên bình luận: OECD không khuyến cáo áp dụng biện pháp chống chuyển giá này cho các công ty trong nước.

“Thật ra là do cả thời gian quá dài chúng ta ưu đãi vô tội vạ làm thất thu ngân sách nên ngành thuế buộc phải tìm cách trám lại. Nếu xét vĩ mô hơn, các đối tượng trong nước không làm chuyển dịch quyền lợi quốc gia, vì vậy không đáng để chịu các điều quy định tại Nghị định 20, nay là Nghị định 132”, vị này kết luận.

H.Nam

Khống chế chi phí lãi vay được trừ, Tổng cục Thuế nói gì?

Khống chế chi phí lãi vay được trừ, Tổng cục Thuế nói gì?

Quy định về khống chế chi phí lãi vay lần đầu được áp dụng tại Việt Nam nên không tránh khỏi những khó khăn do doanh nghiệp Việt Nam có vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay.