LTS: Chiến lược chống dịch Covid-19 của Việt Nam đang có những thay đổi so với giai đoạn trước. Dưới đây là những phân tích và đề xuất của TSKH Nguyễn Hùng Phong (Boristo Nguyen), một nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nga.
Bài viết đã được đăng trên trang cá nhân và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam hiện rất căng thẳng, diễn biến theo chiều hướng xấu, không như trước. Là con dân Việt, người Việt Nam sống xa quê cũng rất lo lắng, quan tâm đến tình hình dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam.
Tôi xin trình bày một vài suy nghĩ, hy vọng sẽ có ích cho việc tổ chức phòng dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Để có những phương án, chiến lược chống dịch được tốt, theo tôi phải có cách nhìn hệ thống, xuất phát từ việc đánh giá hiện trạng, khả năng của hệ thống y tế - xã hội, xác định thật đúng mục tiêu rồi mới đưa ra các phương án, kịch bản chống dịch cho thích hợp.
Đặc thù của Covid-19: Lây nhanh nhưng chưa có thuốc đặc trị
Virus corona có tỷ lệ tử vong trên tổng số người bệnh tương đối thấp, tùy từng nước dao động trong khoảng 1-3%. Tỷ lệ này ít hơn nhiều so với một số virus khác, chẳng hạn như Ebola hơn 70%. Tỷ lệ người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ rất lớn, nhất là ở người trẻ tuổi và trẻ em.
Hơn 1.000 người được tiêm thử nghiệm mũi thứ 2 vắc xin Nanocovax |
Có thể nói, virus corona là loại virus yếu, khả năng gây tử vong hay bệnh nặng không lớn. Nhưng đây lại chính là điều nguy hiểm, gây tác động rất lớn cho xã hội. Vì nhiều người bị mắc bệnh mà không biết nên chủ quan trong việc giãn cách, hạn chế tiếp xúc, và họ biến thành nguồn phát tán, lây bệnh. Kết quả là tổng số người mắc bệnh rất lớn và số tử vong cũng vậy.
Cũng vì nhiều người bệnh không có triệu chứng nên việc xác định chính xác số người dính Covid-19 là khó. Sai số của việc xét nghiệm khá cao (theo ý kiến của các chuyên gia Nga thì sai số có thể lên tới 35%, trên thực tế không ít người test 2 thậm chí 3 lần cho kết quả âm tính, lần sau đó lại dương tính).
Do đó, khả năng bỏ sót, không phát hiện hết người bệnh là rất lớn. Khi số người mắc bệnh lọt ra cộng đồng quá lớn thì việc truy vết để cách ly sẽ không còn hiệu quả.
Qua những gì tôi được chứng kiến tại Nga thì diễn biến dịch bệnh, việc lây lan, mắc bệnh rất khó lường. Tất nhiên, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm chỉnh và tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan y tế sẽ giảm rủi ro lây bệnh.
Nhưng, có những trường hợp người sống cùng, giao tiếp trực tiếp với người bệnh lại không bị nhiễm bệnh. Ngược lại, có người rất cẩn thận, cả tháng tự cách ly trong nhà, chỉ một lần xuống cửa hàng mua hoa quả thì bị lây bệnh rồi tử vong.
Trong quá trình lây truyền, virus corona phát sinh ra nhiều biến chủng mới, ngày càng mạnh và nguy hiểm, triệu chứng thay đổi. Điều này làm cho các phương pháp chữa bệnh cũ hay vắc xin sẽ không còn hiệu quả như trước.
Cho tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị Covid-19. Các nước vẫn đang nghiên cứu và gần đây, đã có công bố về thử nghiệm khả quan thuốc kháng virus corona, nhưng sẽ cần một thời gian lâu nữa để khẳng định hiệu quả của các loại thuốc này.
Trong bối cảnh đó, vắc xin đang là kỳ vọng lớn nhất trong việc tìm lối ra thoát khỏi dịch bệnh. Sau 18 tháng dịch Covid-19 khởi phát, thế giới đã có nhiều loại vắc xin khác nhau được nghiên cứu, sản xuất và đi vào ứng dụng tiêm chủng rộng rãi ở nhiều nước. Tình hình này khác hẳn một năm trước và hiện tại, mức độ khan hiếm vắc xin không còn quá căng thẳng như trước.
Tôi cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi vô cùng quan trọng để chúng ta nhìn nhận, chiến lược chống dịch ở Việt Nam cần được hoạch định như thế nào cho phù hợp.
Đặc thù của Việt Nam: Hạ tầng y tế còn yếu
Trước tiên, cần thẳng thắn nhìn nhận về đặc thù ở Việt Nam đang có ưu điểm hay hạn chế gì cho công tác chống dịch.
Việt Nam có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Người dân có xu hướng sống tập trung, có sở thích, thói quen tụ tập đông người. Nhiều khu vực công cộng có môi trường vệ sinh còn kém. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc lây lan, mắc nhiễm dịch bệnh.
Hạ tầng y tế còn yếu, cả về mặt cơ sở vật chất và thậm chí là mặt bằng chung đội ngũ nhân viên y tế. So với các nước châu Âu, Mỹ, chúng ta vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về trình độ. Việt Nam không phải không có bác sĩ giỏi nhưng đứng về mặt hệ thống thì y tế là tương đối yếu.
Như vậy, có 2 nhược điểm khá rõ: Thứ nhất, đó là sự chênh lệch quá lớn giữa trung ương, các thành phố lớn với các địa phương. Yếu kém thứ hai là hệ thống nhân viên phục vụ y tế, điều dưỡng viên.
Ở Việt Nam, bệnh viện không là một thể khép kín, vẫn phải dùng người nhà, người ngoài vào phục vụ, đưa cơm nước, chăm sóc bệnh nhân thì khó tránh khỏi lây dịch bệnh ra ngoài.
Khi số lượng bệnh nhân Covid-19 còn ít, các bệnh viện có thể giải quyết tạm thời nhưng khi số lượng bệnh nhân rất nhiều thì đây sẽ là một vấn đề không đơn giản.
Bù lại, ý thức người dân chấp hành các qui định của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh khá tốt so với các nước châu Âu. Nhà nước có thể tiến hành các biện pháp chống dịch mạnh mà ít bị phản kháng.
Bài toán dịch tễ và bài toán quản lý kinh tế xã hội
Điều quan trọng tiếp theo để chiến thắng dịch bệnh là cần xác định đúng mục tiêu. Mục tiêu có thể chỉ là chống và dập tắt dịch bằng mọi giá, các vấn đề khác kể cả kinh tế đều là thứ yếu, hoặc là mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phải duy trì ổn định xã hội, phát triển kinh tế.
Đại dịch Covid-19 không chỉ gây tổn thất về người mà còn gây tác hại rất lớn đến nền kinh tế. Hầu hết các nước châu Âu và Mỹ coi cả việc chống dịch và giữ vững kinh tế khỏi rơi vào khủng hoảng đều quan trọng như nhau.
Một bên là bài toán một mục tiêu, bên kia là bài toán hai mục tiêu, cách chống dịch sẽ rất khác nhau.
Một bên sẽ thực hiện những biện pháp siết chặt, chấp nhận những thiệt hại cho nền kinh tế nói chung hay cho một nhóm đối tượng nói riêng. Bên kia là điều tiết các mức độ siết vào hay mở ra tùy theo mức độ dịch bệnh, thực hiện biện pháp mạnh chỉ trong tình huống đỉnh điểm của dịch, không những vậy còn đưa ra rất nhiều các biện pháp để trợ giúp các doanh nghiệp và người dân.
Xác định mục tiêu đúng thì mới tìm được cách đi phù hợp.
Ở các nước, nhận thức được việc dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng là khó tránh khỏi, đồng thời, coi mục tiêu kinh tế cũng quan trọng không kém việc dập dịch.
Tôi cho rằng, chiến dịch chống Covid-19 ở giai đoạn này của Việt Nam cần có những cách tiếp cận mới, cần sự thay đổi lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, ra các quyết sách.
Để chống dịch Covid-19, cần có cách nhìn hệ thống. Đây là bài toán phức tạp với nhiều tham số, nhiều mục tiêu và nhiều bài toán con cần giải quyết một cách đồng bộ. Nếu không nhận thức được điều này, không lường được độ phức tạp của bài toán, không dự báo được các tình huống sẽ xảy ra và không có chiến lược thích hợp, qui trình giải quyết, không có sự chuẩn bị trước mà luôn chạy theo tình huống thì dễ dẫn tới rối loạn trong điều hành.
Cần hiểu chống Covid-19 không chỉ đơn thuần là bài toán dịch tễ mà còn là bài toán kinh tế và quản lý hệ thống xã hội trong điều kiện rất phức tạp mà không thể giải quyết bởi tư duy phong trào hay theo thói quen cháy nhà mới lo dập lửa.
Phải có tư duy hệ thống, xác định chính xác bài toán, chỉ ra được những vấn đề cần giải quyết để bố trí nguồn lực thực hiện và tìm hướng giải quyết, một cách đồng bộ.
Bốn đề xuất cần làm ngay
Về chiến lược chống dịch ở Việt Nam, tôi xin nêu ra vài điểm ở những mảng công việc không thể không được lưu tâm. Đây chỉ là vài ví dụ minh hoạ cho cách tiếp cận xây dựng chính sách để tham khảo.
Thứ nhất: Củng cố, nâng cấp hệ thống y tế để sẵn sàng chống dịch: Xây bệnh viện dã chiến; nâng cấp, chuyển đổi công năng một số bệnh viện; mua sắm trang bị các thiết bị y tế cần thiết và đặc biệt là huy động hết nguồn nhân lực, bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ nhân viên y tế.
Trang thiết bị y tế có thể mua sắm, bệnh viện có thể nâng cấp, số giường bệnh có thể tăng nhưng nguồn lực nhân viên y tế là có hạn. Đây là điều đáng lo nhất của nhiều quốc gia. Việc nâng cao năng lực, chuyển đổi công năng, sử dụng nguồn lực của hệ thống y tế, cả về vật chất lẫn nguồn nhân lực, cũng phải có tính toán, cân nhắc hợp lý chứ không thể dựa vào cảm tính.
Những việc này cần được tiến hành sớm chứ không phải khi tình hình phức tạp mới bắt đầu lo.
Thứ hai: Đánh giá đúng tình hình dịch bệnh thông qua việc tiến hành test đại trà. Việc test đại trà ở các nước theo tôi có mục đích hơi khác với Việt Nam. Việt Nam thực hiện test nhằm truy đuổi tìm dấu vết người bệnh rồi thực hiện cách ly, phong tỏa, cô lập với cộng đồng.
Các nước test là để nắm rõ bức tranh lây nhiễm trong cộng đồng và từ đó có các chính sách, phương án chống dịch: Điều tiết việc tăng giảm mức độ dãn cách xã hội, tăng cường thêm bệnh viện, số giường bệnh nếu cần thiết, tiến hành các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp và các đối tượng người dân…
Nhân đây, xin kể lại một ví dụ. Năm ngoái, khi làn sóng dịch lần thứ nhất bùng phát ở Nga, người ta làm một bản đồ online các địa chỉ (tòa nhà) tại Moscow có người bệnh nặng phải đi cấp cứu. Mọi người xem để biết mà đề phòng trong giao tiếp.
Tuy nhiên, sau một thời gian thì bản đồ khắp nơi đều dày đặc các điểm bị đánh dấu đến mức trở thành vô nghĩa và người ta dừng cập nhật thông tin.
Thứ ba: Điều lo ngại nhất đối với các nước là khi dịch bệnh bùng phát quá mạnh, số người bệnh quá nhiều thì hệ thống y tế sẽ bị quá tải và có nguy cơ sụp đổ. Do vậy, các nước đều phân loại người bệnh (F0) nếu bị nhẹ thì chữa ở nhà (bác sĩ của phòng khám khu vực khám, cho đơn thuốc và theo dõi qua điện thoại). Chỉ có những trường hợp nặng (xác định qua các triệu chứng) mới được đưa đi bệnh viện.
Các đối tượng cần cách ly (ví dụ, người đến từ các nước có tình hình dịch bệnh phức tạp, người sống chung với người bị bệnh...) đều tự cách ly tại nhà. Để theo dõi, quản lý việc thực hiện cách ly có thể có nhiều cách khác nhau, tùy theo mỗi nước.
Thứ tư: Cuộc sống và các hoạt động của xã hội trong đại dịch Covid-19 khác rất nhiều với lúc bình thường. Mọi cái đều thay đổi, khó khăn rất nhiều, không chỉ là tính mạng và sức khỏe của người dân mà còn với cả kinh tế, giáo dục, văn hóa thể thao và nhiều thứ khác.
Dịch bệnh càng bùng phát thì càng phải siết chặt nhưng ngược lại vẫn phải lo làm sao để hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế, không để rơi vào khủng hoảng trầm trọng, doanh nghiệp phá sản, dân nghèo vào chốn đường cùng không còn kế sinh nhai. Làm được điều này khó hơn rất nhiều với việc chỉ dập tắt dịch bằng mọi giá.
Tôi xin đưa một vài ví dụ:
Kể cả khi một thành phố bị siết chặt hay buộc phải phong tỏa thì các hoạt động quan trọng vẫn phải hoạt động: các hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, hệ thống an ninh, giao thông, vệ sinh… vẫn phải hoạt động.
Để người dân vẫn được cung cấp hàng hoá thiết yếu đầy đủ, ví dụ như thực phẩm, thì phải có sự chuẩn bị về nguồn thực phẩm, logistic, hệ thống cung cấp và phân phối, hệ thống mua, đặt hàng online và ship hàng. Đấy là chưa nói đến nhiều người dân chưa có kĩ năng, điều kiện để mua bán hàng online…
Để làm được những điều này, chúng ta cần một sự chuẩn bị công phu chứ không phải tự nhiên mà có.
Vì dịch bệnh, ở những giai đoạn nhất định, nhiều hoạt động sẽ phải chuyển sang online, chẳng hạn các hoạt động giáo dục như dạy và học. Để làm được việc này, chắc cũng phải có một sự chuẩn bị và thay đổi rất lớn chứ không đơn thuần là ra chỉ thị, công bố quyết định.
Đảm bảo cơ sở vật chất (máy tính, mạng, phần mềm) ở nhiều nơi chắc không phải đơn giản? Rồi kĩ năng, phương pháp dạy và học của thày và trò, các vấn đề về tổ chức… cũng phải thay đổi.
Một khi thành phố bị phong tỏa, nhóm đối tượng là dân nghèo không còn kế sinh nhai, Nhà nước sẽ trợ giúp họ thế nào? Để họ tự đối phó hay trông chờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm? Nhà nước trợ giúp thì giúp bao nhiêu, theo cách nào để có hiệu quả?
Một ví dụ khác là về ngành du lịch: Du lịch (nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành…) là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Vậy thì nhà nước giúp đỡ bằng cách nào?
Tình hình dịch bệnh lúc tăng, lúc giảm, vậy thì khi nào đóng, khi nào mở, điều tiết mức độ đóng mở ra sao? Khi mở thì cần những biện pháp gì để giảm thiểu khả năng lây lan rồi bùng phát trở lại? Cảnh người dân chen chúc tại chùa Tam Chúc, tại lễ hội Đền Hùng hay bãi biển Vũng Tàu ngay trước đợt bùng phát lần này ở Việt Nam chắc nói lên nhiều điều.
Đó là những câu hỏi căn cơ mà tôi nghĩ, những người ra quyết sách chống dịch phải tính toán đầy đủ, căn kẽ, toàn diện và đồng bộ.
Bây giờ, điều quan trọng hàng đầu là vắc xin. Hiện, chính phủ Việt Nam nỗ lực hết sức để có được vắc xin tiêm phòng cho người dân, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đó là điều rất tốt. Lẽ ra, còn tốt hơn nhiều nếu Việt Nam bắt đầu việc tìm kiếm và đặt mua vắc xin từ sớm chứ không phải bây giờ, khi dịch bệnh bùng phát.
Chính phủ cũng đã bắt đầu có những thay đổi quan trọng và khác biệt trong chiến lược chống dịch Covid-19 so với giai đoạn trước như thí điểm cách ly F1 và điều trị chăm sóc F0 tại nhà...
Kể mà, chúng ta có nhiều thời gian thì cần thiết kế các mô hình về tình huống, hiện trạng, nhiệm vụ, chức năng, các kịch bản và cách giải quyết… để nhìn thấy toàn bộ bức tranh thì sẽ giúp ích nhiều trong việc ra các quyết sách cụ thể.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn khôn lường, có lúc lắng xuống rồi lại bùng phát, đợt sau mạnh hơn đợt trước với các biến thể ngày càng nguy hiểm. Do đó, thời gian không cho phép. Việc đầu tiên luôn là phải nhận thức đúng vấn đề, xác định chính xác bài toán và tìm hướng tiếp cận cho đúng.
Boristo Nguyen (Moscow, Nga)
Các bài viết trao đổi thêm về quan điểm của tác giả gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Chống dịch trong tình huống quá tải F0
Không chỉ ngành y tế đang cố tìm ra cách chống dịch Covid hiệu quả nhất. Người dân bình thường cũng đang tham gia vào các biện pháp mà Chính phủ, chính quyền sở tại triển khai.