- Là viên chức nhà nước, đảng viên hẳn hoi nhưng hễ về nhà, chị lại phải răm rắp nghe lời chồng. Nếu cự cãi, hai vợ chồng lại to tiếng, xô xát mà phần thiệt thòi luôn về chị. Lắng nghe bi kịch của người vợ lấy phải chồng gia trưởng nhiều người không khỏi đắng lòng.

Bi kịch chuyên đời "cơm sôi bớt lửa”

Ngày lấy chồng, chị Hà Thị Thanh (Vĩnh Phúc) đươc mẹ dặn dò rất nhiều, trong đó có câu đại ý bảo chị phải biết mềm mỏng, nhường nhịn chồng để tránh xung đột trong nhà. “Cơm sôi bớt lửa” – chị ngẫm nghĩ nhiều năm và đau khổ tự vấn, lẽ nào vì cứ quen “bớt lửa”, nhường nhịn mà cuộc sống của chị mới ra nông nỗi này? Có hai con học cấp hai rồi, mà chị chẳng bao giờ có tiếng nói trong gia đình. Ở nhà chị, nhất chồng, số một cũng là chồng, không có số 2, số 3…

Chị chia sẻ, chồng chị vốn là là công chức nhà nước, vị trí cũng có chút tiếng tăm tại một cơ quan của tỉnh. Trước lúc lấy chồng, chị làm ở đơn vị khác, sau đó, anh đưa chị về làm cùng cơ quan. 

“Anh và tôi lấy nhau khi kinh tế anh đã vững vàng nên bố mẹ, họ hàng đều mừng tôi “có phúc”, lấy được người vừa có chức tước, vừa có tiền. Không ai hiểu cho cái “tiếng” ấy hại tôi điêu đứng đến mức nào. Tôi cũng là người có trình độ, có năng lực nhưng từ ngày về đây làm, tôi chỉ loanh quanh giấy tờ ở phòng hành chính, không được làm việc đúng chuyên môn vì anh muốn thế. Ở cơ quan quen “chỉ tay năm ngón” chưa đủ, về nhà, anh đối xử với tôi không khác gì một nhân viên, kể cả khi trên giường!” – chị ấm ức kể.

{keywords}
Chồng trí thức cũng dạy dỗ vợ bằng vũ lực. (ảnh minh họa)

Những lúc uất ức, chị phân tích để anh hiểu, to nhỏ đều có nhưng anh gạt đi. “Anh thường đe tôi: “Nói nhiều là ăn tát. Đảng viên cũng ăn tát!” và hả hê thấy vợ sợ mình. Tôi uất ức nhưng không dám phản ứng vì anh nói là làm…” – chị Thanh buồn rầu nói.

Thực ra, chị từng phản ứng lại chồng nhiều lần, thậm chí anh chị nhiều lần xô xát. Anh sợ hàng xóm biết nên toàn áp dụng những chiêu đánh đập rất thâm hiểm, tàn bạo. Anh đè nghiến chị xuống rồi bịt mồm đánh, tát. Chị yếu ớt không phản kháng được, cũng không kêu được một tiếng. Đau đớn, uất ức chỉ muốn tự tử nhưng nghĩ đến hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn thì không biết phải làm sao. Bởi: “Các con biết tôi thường bị bố chúng đánh. Hai cháu cũng đã hiểu biết phần nào, giận bố lắm và nhiều lần khuyên tôi ly dị nhưng tôi không thể nào làm như vậy được. Nếu gia đình tan vỡ, thì đời tôi cũng dở dang, các con càng khổ, bố mẹ tôi cũng khổ..”

Khinh thường vợ, khinh cả gia đình vợ

Một trong những điều làm chị Thanh dằn vặt nhất, đó là sự khinh miệt của chồng đối với gia đình chị, bố mẹ ruột của chị. Nhà chị làm ruộng, bố mẹ đều là nông dân, thật thà, chất phác. Thương con, hai ông bà đã cho chị ăn học đầy đủ, không tiếc công tiếc của để nuôi nấng chị nên người. Gửi gắm được cô con gái duy nhất cho người có chút công danh, địa vị, bố mẹ chị đều tự hào và thành thật thể hiện điều đó. 

“Vậy mà tôi chưa báo đáp được gì cho bố mẹ. Lấy chồng, theo chồng, chồng như vậy nên tôi không có cơ hội đỡ đần gì cho bố mẹ. Thỉnh thoảng tiền lương của mình, tôi muốn trích gửi bố mẹ vài trăm nghìn cũng không qua mắt được chồng. Còn nếu thẳng thắn nói với anh, anh gạt phắt ngay. Sống với nhau lâu, có lẽ vì thấy tôi sợ sệt, vì “quản” được tôi mà anh đâm ra khinh khổ tôi mất rồi. Cũng từ đó, anh rất “thái độ” với gia đình bên ngoại, có những lúc còn tỏ ý khinh khi không che giấu”.

Bởi thái độ ấy của chồng, chị hầu như rất ít về thăm bố mẹ. Gia đình bên vợ có việc gì, chồng chị cũng chẳng quan tâm. Anh tuyệt đối không bao giờ chủ động về nhà vợ, nếu về thì cũng rất chóng vánh. Nhiều lần, chồng khiến chị Thanh bẽ mặt khi quát, chửi chị trước mặt bố mẹ vợ và em vợ, vậy mà chị vẫn cố nín nhịn.

“Có lần bố mẹ có việc đột xuất, tiện ghé qua nhà thăm tôi đúng hôm hai vợ chồng vừa cãi nhau. Anh ta rảnh rang, nằm nhà đọc báo, để mặc tôi ra đón cả bố lẫn mẹ, phải thuê cả xe ôm cùng chở ông bà vào nhà. Vậy mà, về đến cổng tôi mới chết trân vì chồng đã bỏ đi lúc nào, khóa cửa ngoài không một lời nhắn gửi. Tôi phải kiếm lý do giải thích để bố mẹ không buồn lòng. Hôm ấy giữa trưa nắng, bố mẹ tôi lại lặn lội về quê ngay. Tôi trông theo, hai hàng nước mắt chứa chan” – chị khổ tâm bộc bạch…

Minh Tâm