Mới đây, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã có đợt thanh tra thực tế lần thứ 4 (từ ngày 10-18/10) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Đoàn thanh tra EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, đoàn cũng đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và sự chỉ đạo rất sát sao từ Trung ương của Việt Nam, đồng tình về việc Việt Nam chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm đã có sự chuyển biến tích cực.

Về khung pháp lý, cơ bản thống nhất với dự thảo 2 nghị định sửa đổi, bổ sung đối với: Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

W-khai-thac-iuu.jpg
Bộ NN-PTNT sẽ khẩn trương đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để kiểm soát tàu cá, sản phẩm thuỷ sản... (Ảnh: Diễm Phúc)

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc. 

Đoàn thanh tra EC đề nghị kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; không để tàu mất kết nối 10 ngày; không để tàu 3 không (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép); và tỷ lệ xử phạt còn rất thấp. 

Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra EC tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; các doanh nghiệp làm ăn phi pháp. 

Khuyến nghị các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá tạo sự chuyển biến trên thực tế; kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU. 

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sau đợt kiểm tra này, Đoàn thanh tra sẽ báo cáo với Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản của EC, lúc đó mới có kết luận về việc gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam.

Tuy nhiên, từ nay đến lần kiểm tra tiếp theo (dự kiến tháng 5-6/2024), Thứ trưởng Tiến yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thành ven biển phải tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục và đồng bộ các giải pháp thì Việt Nam mới có khả năng gỡ thẻ vàng IUU. 

Các tỉnh có hệ thống kết nối với thiết bị VMS phải trực 24/24 để phát hiện sớm tàu vượt ranh giới, mất kết nối. Đặc biệt, thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bộ NN-PTNT sẽ khẩn trương đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân còn thiếu trách nhiệm tại địa phương, Thứ trưởng cho hay.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, việc triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đối với nghề cá trong nước gồm các bên liên quan là ngư dân, cảng cá, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, cơ quan thẩm quyền tại địa phương và Trung ương.

Ở hệ thống này sẽ quản lý tàu xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu và thuyền viên; ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật ký điện tử; quản lý tàu vào cảng, cập nhật sản lượng khai thác; giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Thời gian qua, việc kiểm soát tàu cá cùng vấn đề truy xuất nguồn gốc hải sản còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến việc gỡ thẻ vàng IUU. Thế nên, với việc đưa vào sử dụng đồng bộ Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, các thông tin về sản phẩm thuỷ sản đều được minh bạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tâm An