Từ 500 nghìn đồng đi chợ cho cả 3 người ăn 5 ngày nhưng mấy tuần trở lại đây số tiền này chỉ đủ cho chị Loan lo được 3 ngày ăn. Áp lực tăng giá khiến những người nội trợ giờ đây đều đắn đo mỗi lần xách giỏ ra chợ.

TIN BÀI KHÁC


Đắn đo

Đứng tần ngần lựa chọn các món thực phẩm sắp mua, chị Loan, ở quận 12 đang đi làm thuê tại quận 1 (TPHCM), cho biết: Mỗi ngày đi chợ là mỗi ngày căng thẳng. Giá cả cái gì cũng tăng gấp đôi, gấp ba. Nhà chủ đưa cho 500.000 đồng hồi trước đi chợ được cả tuần, bây giờ chỉ còn đi được 3 ngày.

Đắn đo, tính toán mỗi lần ra chợ.

Chị Loan chỉ các túi thịt heo, cá, đậu que treo trên xe: “Hôm nay hết 200.000 đồng mà cũng chỉ ăn được mấy món ăn hơn một ngày là hết”. Theo chị Loan, vợ chồng ông chủ không biết chuyện chợ búa, cứ tưởng chị bớt xén.

Chị Phạm Thị Huệ, ngụ quận Bình Thạnh lật qua, hất lại mấy miếng thịt heo, nói: “Đi chợ như cực hình, đầu óc khi nào cũng phải tính toán, mua cái gì, bỏ cái gì. Mệt lắm”. Theo chị Huệ, ngày trước chỉ 40.000 đồng là có thể có bữa cơm, nhưng bây giờ cầm 100.000 đồng ra chợ mua gì cũng khó do giá cả tăng vèo vèo.

Tại chợ nông sản Thủ Đức TPHCM giá các mặt hàng như bầu, bí, cà chua, bó xôi, cải thảo Đà Lạt… cũng tăng giá từ 1.000-4.000 đồng/loại. Tuy nhiên, sau khi các mặt hàng rau củ quả này được phân phối về các chợ lẻ trên địa bàn và các tỉnh, giá tăng lên từ 10.000-1.5000 đồng/kg tùy loại.
Theo các tiểu thương chợ vẫn đông đúc nhưng khách mua hàng không còn thoải mái như trước. Ai cũng dè dặt, hỏi dò giá cả rồi mới quyết định mua.

Chị Mỹ, tiểu thương bán cá ở chợ Tân Định, quận 1, cho biết: “Giá cả món nào cũng tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy trong một tuần trở lại đây, khiến việc buôn bán gặp khó khăn”.

Tại chợ Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cuối giờ chiều, nhiều sạp thịt lợn vẫn còn nguyên con. Chị Minh Hoa - tiểu thương tại chợ cho biết: Giá thịt nhập cao quá nên bán ra phải cao. Chưa bao giờ giá lợn hơi lại lên 65.000 - 70.000 đồng/cân như hiện nay. Bán giá cao nên ít người mua. Mới tháng trước chị bán được 2 con/ngày nay một con bán cũng không hết. “Tình hình giá cứ tăng thế này chắc tôi nghỉ bán luôn”.

Khảo sát tại chợ Bách Khoa, giá thịt lợn tăng 25% so với tháng trước: thịt thăn 150.000 đồng/cân, thịt ba chỉ 125.000 đồng/cân, thịt mông 120.000 đồng/cân, sườn 130.000 đồng/cân. Nhiều tiểu thương tại chợ Bách Khoa cho hay, cũng chả hiểu lý do vì sao thịt lại tăng từng ngày như thế.

Bà Ngọc Toán (Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng) cho hay: “Cả tháng nay gia đình tôi chả dám ăn thịt thường xuyên vì giá cao. Hôm nào thèm lắm thì mua 2 lạng thịt ba chỉ trộn với đậu phụ làm chả viên ăn cho có chất”.

Không chỉ thịt lợn, giá rau xanh tại các chợ Hà Nội cũng khiến nhiều người nội trợ giật mình. Tại chợ Kim Liên (Hà Nội) giá rau, củ, quả đều tăng 30% so với tháng trước như: rau muống 6.000 đồng/mớ, bắp cải 12.000 đồng/cân, khoai tây 11.000 đồng/cân, mồng tơi 5.000 đồng/mớ, cà chua: 10.000 đồng/cân, rau cải: 9.000 đồng/cân…

Một tiểu thương tại chợ Kim Liên (Hà Nội) cho biết: Thời tiết nắng mưa thất thường nên lượng cung rau cho thành phố giảm, giá cả theo đó tăng lên. Tháng 7 là tháng mưa bão nhiều nên giá rau xanh còn có khả năng tăng nữa.

Theo khảo sát của PV tại một số chợ nội thành Hà Nội như: Chợ Hôm, Lê Thanh Nghị, Châu Long… giá các thực phẩm từ gạo, đường, tôm cá, gà ta, thịt bò… đều tăng từ 20 - 60%. Cụ thể, thịt bò: 220.000 đồng/cân (tăng 30.000 đồng/cân), gà ta: 150.000 đồng/cân (tăng 40.000 đồng/cân)…

Phân phối vòng vèo

TS. Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, hiện tượng giá cả lương thực, thực phẩm phi mã như hiện nay là do cung, cầu đang mất cân đối. Hiện nguồn cung về gia súc, gia cầm ảnh hưởng đáng kể do dịch bệnh, giá đầu vào thức ăn chăn nuôi, chi phí vận chuyển cao góp phần đẩy giá thành tăng cao.

“Các địa phương cần kiểm soát chặn chẽ hơn nữa tình trạng phòng chống dịch bệnh. Các cơ quan quản lý phải có biện pháp ngăn chặn sự mất cân đối này để giá lương thực, thực phẩm trở về đúng giá trị thực” - TS. Phong nói.

Theo ông Vũ Minh Phú - Chủ tịch Hiệp Hội siêu thị Hà Nội, hệ thống phân phối ở Hà Nội đang vòng vèo khiến giá bị đẩy lên quá cao. “Các cơ quan chức năng phải kiểm soát được giá rau thương lái mua tại vườn. Tránh để tình trạng rau tại vườn thì quá rẻ nhưng khi ra chợ bị đẩy lên một cách bất thường” - ông Phú nói.

Không để khan hàng cục bộ, đẩy giá cao

Ngày 22-7, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát có công điện yêu cầu các địa phương theo dõi sát thị trường, tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông, điều hòa nguồn hàng, không để tình trạng khan hiếm cục bộ, đẩy giá cao; cơ quan thú y cần giám sát chặt chẽ và công khai tình hình dịch bệnh để người dân nắm rõ.

Các địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá lại tình hình chăn nuôi, phục hồi nhanh hiệu quả đàn lợn, gia cầm.

Cần tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi ổn định và mở rộng sản xuất, đảm bảo nguồn giống, thức ăn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, phòng chống gian lận thương mại; tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho người chăn nuôi vay đủ vốn để duy trì, mở rộng sản xuất.


(Theo Tiền phong)