- Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) Việt Nam sập bẫy vì sự hào nhoáng, sự nổi tiếng và uy tín mà đối tác cố tình phô trương trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Để rồi, chỉ vì tin vào sự hào nhoáng mà bị mất tiền thật.
Tranh chấp triệu USD
Tuần qua, những thông tin ông Otto De Jager - Tổng giám đốc Công ty Global Home S.R.O (trụ sở tại Cộng hòa Séc), được biết đến là chồng ca sĩ nổi tiếng Thu Minh - bị nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai và Đà Nẵng tố lừa đảo tiền tỷ liên tiếp xuất hiện.
Cụ thể, theo cáo buộc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Gia Hân ở Đồng Nai, tính tới hết đơn hàng tháng 7/2015, Global Home không thanh toán, nợ hơn 490 ngàn USD (khoảng hơn 11 tỉ đồng).
Dù không thanh toán nhưng Global Home sau đó vẫn đặt tiếp một lượng hàng lớn trị giá 280 ngàn USD. Lô hàng đã được nhân viên quản lý và đồng ý cho xuất khẩu của Global Home kiểm tra, đóng dấu nhưng không nhận hàng và cho đến giờ vẫn còn để trong kho của Gia Hân, gây thiệt hại lớn cho DN này.
Rất nhiều doanh nghiệp tố cáo công ty của chồng ca sĩ Thu Minh lừa đảo. |
Tổng cộng số tiền chưa thanh toán giữa 2 bên lên tới hơn 770 ngàn USD, tương đương gần 20 tỷ đồng.
Đã hơn 1 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa đi tới đâu cho dù Gia Hân đã làm đơn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an - từ rất lâu. Chính C46 và Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã vào làm việc nhiều lần, triệu tập Otto nhưng nhiều lần ông này không đến, có lần do Thu Minh đến thay, có lần luật sư của Otto đến.
Không chỉ có Gia Hân, đã có ít nhất 3 DN gửi đơn tố cáo ông Otto đến C46 và PC46. Tuy nhiên, theo đại diện một công ty luật, con số DN “dính” vào Golbal Home lên tới 15 đơn vị, bao gồm cả DN ở phía Bắc, chứ không chỉ miền Nam và Trung.
Công ty TNHH sản xuất - xuất nhập khẩu gỗ Việt Mỹ (Đồng Nai) cũng đã làm đơn nhờ cơ quan chức năng can thiệp đòi tiền từ ông Otto với cáo buộc công ty của ông Otto đã “bùng” một khoản tiền mua hàng của Việt Mỹ lên đến 66 ngàn USD.
Chi nhánh Công ty cổ phần Vinafor Đà Nẵng cũng đã gửi đơn tố cáo ông Otto đến Cục C46 - Bộ công an - cáo buộc ông Otto trở chứng không nhận hàng khiến Vinafor thiệt lớn khi ôm lô hàng đồ gỗ trị giá hơn 200 ngàn USD…
Luật sư: Có dấu hiệu gian dối?
Đại diện công ty luật của Gia Hân cho rằng, đã có dấu hiệu của sự gian dối ngay từ đầu. DN chịu thiệt ngay từ khi ký hợp đồng với những điều khoản bất cập.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc - đại diện Gia Hân thừa nhận điều này khi cho biết, thị trường xuất khẩu gỗ rất cạnh tranh, để giành được một hợp đồng không hề đơn giản. Do vậy, ngay khi ký hợp đồng với Global Home, Gia Hân dựa trên uy tín là chính chứ chưa tham khảo luật sư về hợp đồng.
Vợ chồng ca sĩ Thu Minh. |
Trên thực tế, sự nổi tiếng của Thu Minh thì không phải bàn cãi khi mà tiếng tăm và sự giàu có của vợ chồng ca sĩ này xuất hiện dày đặc trên mặt báo. Trong nhiều năm gần đây, Thu Minh được biết đến là một nữ ca sĩ rất thành công tại Việt Nam và lấy một người chồng rất giàu có.
"Chính Thu Minh là người tới tận xưởng, xem xét rồi đặt luôn 10 ngàn USD. Trong 1-2 chuyến hàng đầu, việc thanh toán đều đúng như cam kết, thậm chí còn rất nhanh. Các đơn hàng sau lớn dần và bắt đầu xuất hiện câu chuyện trả chậm. Chậm trả rồi nhưng vẫn tiếp tục đặt đơn hàng mới, thanh toán nhỏ giọt, thời gian thanh toán lung tung”, đại diện Gia Hân cho biết.
Thông thường, trong hợp đồng, theo điều khoản FOB, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ được thực hiện ở mạn tàu, ở đây được hiểu chính là cổng của kho ngoại quan. Khi hàng đã vào kho ngoại quan không còn của Việt Nam nữa mà là hàng xuất đi. Nhà nhập khẩu chỉ chờ gom đủ hàng từ các nhà sản xuất cho vào container là mang về.
Khi đó, hàng được coi là đã chuyển sang tay và khách hàng phải trả tiền. Tuy nhiên, trong hợp đồng ký 1 lần duy nhất giữa Gia Hân và Global Home năm 2012 thì điều khoản lại là: trả chậm trong vòng 30-37 ngày.
Sau khi xem xét hợp đồng, một luật sư tại Hà Nội cho biết, đây là hợp đồng 1 chiều, tức là các điều khoản đều theo hướng có lợi cho 1 bên. Chỉ có điều khoản thanh toán sau 30 ngày tưởng chừng là có lợi cho DN Việt nhưng lại là điều khoản “giết người”. Đáng ra phải thanh toán luôn, hoặc phải có bảo lãnh, theo nguyên tắc buôn bán quốc tế. Cụ thể, phải có chứng thư bảo lãnh hoặc áp dụng hình thức thanh toán luôn là: có tiền có hàng.
Theo luật sư này, DN Việt Nam sang Trung Quốc cũng không bao giờ mua được theo kiểu này. Mua 10 tỷ cũng bán nhưng phải “tiền trao cháo múc”. Không thì ít nhất cũng phải đặt tiền trước, tối thiểu là bằng chi phí làm hàng.
Còn với hợp đồng Gia Hân ký, trong khoảng 30 ngày đó, khách hàng có thể thanh toán 1 phần nhỏ giọt, gối đầu nợ lại với nhiều lý do như: chưa bán được hàng, chưa thu được.
Hợp đồng cũng chỉ có phiên bản tiếng Anh, ký một lần duy nhất sau đó mỗi đợt sản xuất từng lô hàng được thông báo qua thư điện tử. DN sản xuất ở Việt Nam, người nhập hàng ở Séc nhưng tranh chấp xảy ra được quy định được giải quyết tại Tòa trọng tài ở Hong Kong và vận dụng pháp luật của Anh quốc. Đây là một khó khăn rất lớn.
Cũng theo luật sư này, với những giấy tờ mà Gia Hân đưa ra, kiện là thắng. Tuy nhiên, câu chuyện thực thi phán quyết của trọng tài là một vấn đề. Nó còn phụ thuộc vào việc các bên ký tương trợ tư pháp hay chưa, rồi còn phải tuân theo nguyên tắc quy chế ngoại giao có đi có lại. Chẳng hạn, Hong Kong công nhận và thi hành bản án của Việt Nam vài lần rồi thì bây giờ khi phán quyết của Hồng Kông chuyển sang thi hành ở Việt Nam buộc phải thi hành. Nhưng bản án của Việt Nam chuyển sang Hồng Kông có đâu.
Trên thực tế, nếu giải quyết ở tòa trọng tài Singapore thì thuận lợi hơn, vì nằm trong ASEAN, tương trợ trong khối tốt hơn. Chưa kể, Việt Nam kiện DN Séc xong, bản án tại Hồng Kông phải chuyển về Séc sau đó phải chạy sang Séc làm ủy thác tư pháp về Việt Nam. Quy trình ủy thác tư pháp nghe đơn giản nhưng thực tế vô cùng phức tạp và không hề dễ dàng cho DN đi đòi tiền.
H. Tú