“Dư luận đang có đánh giá là chúng tôi xây mới hoàn toàn một khu trong Vườn quốc gia Ba Vì. Cái này hoàn toàn là hiểu oan cho chúng tôi. Chúng tôi không xây mới. Chúng tôi chỉ tôn tạo những công trình cũ của người Pháp” – ông Lương Ngọc Anh - Giám đốc Cty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD), chủ đầu tư dự án Le Mont Bavi Resort & Spa nói.
Liên quan đến vụ xây resort không phép giữa Vườn quốc gia Ba Vì, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Lương Ngọc Anh - Giám đốc Cty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD), chủ đầu tư dự án Le Mont Bavi Resort & Spa.
Dự án Le Mont Bavi Resort & Spa xây trái phép trên vườn quốc gia Ba Vì |
Dư luận hiểu oan cho chúng tôi
PV: Những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm tới Dự án Le Mont Bavi Resort & Spa do CFTD làm chủ đầu tư. Đây là dự án trong Vườn quốc gia Ba Vì đến nay dự án gần như hoàn thiện và cũng đã đưa vào khai thác sử dụng tuy nhiên lại chưa được cấp phép. Xin ông cho biết cụ thể vấn đề này, thưa ông?
Ông Lương Ngọc Anh:
Năm 2008, Vườn quốc gia Ba Vì và Công ty TNHH phát triển công nghệ (CFTD) đã ký hợp đồng liên kết trong đó quy định mục đích của hoạt động liên doanh liên kết có các hoạt động bao gồm du lịch và nghỉ dưỡng, dịch vụ ăn uống…Thời hạn liên doanh liên kết là 50 năm.
Năm 2010 có quyết định phê duyệt quy hoạch chung trong đó phân khu dịch vụ hành chính là 340ha trong đó công ty thuê là 60ha.
Sau khi có quy hoạch chi tiết thì cần đánh giá tác động môi trường việc này công ty cũng đã thực hiện. PCCC cũng đã có là đủ toàn bộ hồ sơ đầu tư. Hồ sơ còn thiếu bước cuối cùng phê duyệt dự án đầu tư là xong trong đó mấu chốt nhất là quy hoạch chi tiết Bộ NN&PTNN phê duyệt thì tất cả các công trình đều đúng quy hoạch. Hồ sơ chúng tôi đã nộp lên Bộ NN&PTNT từ tháng 6/2015. Do chậm quá nên công ty có làm hồ sơ báo cáo gửi lên Thủ tướng. Sau đó VPCP đã có văn phòng chính phủ giao Bộ NN&PTNN hướng dẫn công ty thực hiện. Sau một thời gian chưa có hướng dẫn công ty lại làm báo cáo Thủ tướng, trong đó Thủ tướng đã có ý kiến yêu cầu Bộ NN&PTNN có ý kiến bằng văn bản gửi Thủ tướng.
Là nhà đầu tư có rất nhiều áp lực. Chúng tôi ký hợp đồng từ năm 2008 trách nhiệm là nhà đầu tư cũng phải làm cái gì đó. Nếu không triển khai thì có thể trở thành nhà đầu tư ma không có thực lực. Mình mà làm thì thực ra cũng là quá trình tiếp tục đầu tư của mình. Trong giai đoạn đầu phía chủ đầu tư cũng đã làm nhiều việc gia cố lại đường xá, đưa điện nước vào để chuẩn bị những thứ đó thôi cũng rất nhiều rồi. Nhưng thời gian lâu quá. Từ năm 2008 đến năm 2014 mới được duyệt quá trình triển khai điện nước hạ tầng để phục hồi lại những di tích công trình cũ của Pháp phải có một lực lượng do đó chúng tôi đã tận dụng những công trình cũ của Pháp còn tương đối sửa sang lại thành nhà ở cho cán bộ công nhân viên và nhà điều hành của dự án. Chúng tôi có xin phép vườn đầy đủ.
PV: Như ý kiến trao đổi của ông, công ty đã tận dụng những công trình cũ của Pháp còn tương đối sửa sang lại thành nhà ở cho cán bộ công nhân viên và nhà điều hành của dự án. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã có 13 công trình với khoảng hơn 50 phòng đã đi vào hoạt động và kinh doanh?
Ông Lương Ngọc Anh:
Việc tận dụng những công trình cũ của Pháp còn tương đối sửa sang lại thành nhà ở cho cán bộ công nhân viên và nhà điều hành của dự án. Chúng tôi có xin phép vườn đầy đủ.
Ở đây, chúng tôi tập trung rất nhiều làm cảnh quan đường xá, cây cối… riêng việc trồng thêm cây cũng đã tốn chi phí rất lớn chưa kể trong khu lõi. Cơ bản chỉ là sửa sang những công trình cũ để thành nhà ở. Đến năm 2011 thì xong những nhà đó và chờ đợi các thủ tục. Đến năm 2014 quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì tất cả các công trình hiện có đều phù hợp với quy hoạch chi tiết rồi cho nên không cần điều chỉnh gì cả. Đến năm 2015 sau khi có phê duyệt về đánh giá tác động môi trường chúng tôi đã sửa sang, tôn tạo nâng cấp những nhà trước đây dành cho cán bộ công nhân viên trở thành nhà nghỉ hiện nay. Trên đó đẹp nhất là cảnh quan môi trường còn nhà không phải gì lớn. Dư luận đang có đánh giá là chúng tôi xây mới hoàn toàn một khu trong Vườn quốc gia Ba Vì. Cái này hoàn toàn là hiểu oan cho chúng tôi. Chúng tôi không xây mới. Mặc dù là chưa có xin phép nhưng chúng tôi cũng không xây mới mà chỉ sửa sang những công trình cũ của người Pháp tôn tạo lên thành công năng sử dụng như hiện nay.
Tôi thực sự cũng chưa bao giờ làm dịch vụ như này nên cần phải học phải vận hành thử. Nhân viên cũng có nhiều người dân địa phương thuê chuyên gia về đào tạo nhân viên. Chứ chưa có hoạt động kinh doanh ở đây cả tôi chỉ vận hành thử để đào tạo cán bộ công nhân viên của mình.
Chúng tôi không động chạm đến 1m2 rừng nào
PV: Một trong những vấn đề dư luận đặt ra hiện nay là có được làm resrot tại cốt 600m? Đây là vấn đề mà mọi người đang đặt câu hỏi nhiều nhất.
Ông Lương Ngọc Anh:
Từ quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định năm 2012 về đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển rừng đặc dụng đều quy định trong rừng đặc dụng có 3 phân khu trong đó có phân khu dịch vụ hành chính. Trong phân khu dịch vụ hành chính thì chỉ nêu chức năng cho mấy hoạt động: du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và hoạt động về bảo vệ môi trường chứ không hề nói bất kỳ một ý nào về an ninh quốc phòng. Và cũng như trao đổi của Vườn quốc gia Ba Vì là từ ngày thành lập Vườn Quốc gia (1991) đến nay, tất cả công trình xây dựng của vườn đều chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng.. Theo tôi biết thì ngày 2/3 đại diện Bộ NN&PTNN đã khẳng định khu vực này không phải khu vực an ninh quốc phòng. Nhưng mặt khác đối với chúng tôi là nhà đầu tư đi thuê đất và liên kết liên doanh thì trách nhiệm đất là gì là trách nhiệm của cơ quan quản lý của Vườn quốc gia Ba Vì còn tôi đến tôi là liên doanh liên kết tôi chỉ quan tâm đến là tôi góp công góp sức để vào đó xây dựng.
Rừng quốc gia Ba Vì trong phân khu dịch vụ hành chính khác với khu vực bảo tồn là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Phân khu thứ hai là phân khu phục vụ sinh thái phân khu đó rừng tự nhiên không còn được trồng lên. Còn phân khu dịch vụ hành chính chức năng chính là dịch vụ du lịch và nghiên cứu khoa học và được xây dựng với quy mô 20% đất theo quy định. Ở đây, phế tích của Pháp nhà đầu tư làm hết trên phế tích của Pháp cũng là nhiều lắm rồi không đủ sức để làm gần 100 công trình. Trong đề án chúng tôi chỉ xin làm 22 công trình cũng không thể làm hơn. Và mặt khác khi mình đã làm phục hồi những nhà của Pháp thì không động chạm đến rừng trên nền công trình cũ của Pháp chỉ có cỏ mọc thôi còn có những công trình có cây to mọc thì chủ trương giữ lại. Như vậy, chúng tôi không động chạm đến 1m2 rừng nào mà tôn tạo, duy trì bảo vệ nâng niu từng cây rừng.
Xin cảm ơn ông!
Thu Lý- Hồng Khanh