Cha mẹ vẫn là cha mẹ. Dù bạn có đoạt giải Nobel đi chăng nữa thì điều đó dường như vẫn "chưa đủ". Điều này xảy ra với chủ nhân giải Nobel Văn học Kenzaburo Oe.

Hứa một đằng, làm một nẻo

Tài khoản Twitter chính thức của giải Nobel đã chia sẻ câu chuyện khi Kenzaburo Oe còn nhỏ đã hứa với mẹ mình sẽ mang giải Nobel Vật lý về cho bà.

"Khi còn nhỏ, tôi đã hứa với mẹ là sẽ đoạt giải Nobel Vật lý. 50 năm sau, tôi nói với mẹ: "Mẹ thấy chưa, con đã giữ đúng lời hứa. Con đã đoạt giải Nobel". 

"Không", bà mẹ thẳng thừng nói: "Con đã hứa đó sẽ là Nobel Vật lý cơ mà!"

Truyền thông mạng xã hội đã nhanh chóng lan tỏa câu chuyện. Mọi người đồng cảm với nhà văn Oe và nói rằng đó là "câu chuyện của mọi người mẹ". 

"Đó là một bà mẹ châu Á điển hình", một người dùng mạng xã hội dí dỏm bình luận.

"Tôi cười rất nhiều. Giống trường hợp của tôi vậy, tôi luôn thích viết truyện ngắn trong khi bản thân chịu áp lực phải hoàn thành các bài kiểm tra về nhà”, một người khác trả lời.

"Đó là câu trả lời 'bình thường' của một người mẹ... Tôi không phải người châu Á. Tôi đạt 97% trong bài kiểm tra và luôn đứng đầu lớp. Chà, chuyện gì đã xảy ra với 3% điểm còn lại nhỉ, lẽ ra con có thể làm tốt hơn thế, mẹ tôi bảo", một người dùng mạng xã hội 'bất lực' chia sẻ.

Sức ảnh hưởng văn học lớn

Kenzaburo Oe là một nhà văn "với sức mạnh thi ca đã tạo ra một thế giới tưởng tượng, nơi cuộc sống và thần thoại cô đọng lại để tạo thành một bức tranh khó diễn giải về thực trạng khó khăn của con người ngày nay". 

Kenzaburo Oe theo học ngành văn học Pháp ở Đại học Tokyo. Ông bắt đầu sáng tác khi còn là sinh viên. Năm 23 tuổi, tiểu thuyết Nuôi thù của ông đã nhận được giải thưởng danh giá Akutagawa. Nghiệp viết lách của ông bắt đầu.

Con trai có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của Oe.

Cái khắc nghiệt và vô minh của cuộc sống gia đình đã có ảnh hưởng sâu sắc đến những sáng tác của Kenzaburo Oe. Năm 28 tuổi, ông kết hôn và sinh được một người con trai. Tuy nhiên, cậu này lại có hình dạng bất thường: đầu to quá mức, không có khả năng nhận biết và không biết nói.

Quá tuyệt vọng, Oe đã tìm đến rượu để trốn tránh thực tại. Và cũng từ những cơn say bí tỉ ấy, năng lực sáng tác 'thần sầu' của ông khởi phát và sự nghiệp văn chương bắt đầu phát triển.

“Tôi bao giờ cũng khước từ những cảm xúc trực tiếp của chính mình và đặt chúng trong mối tương quan với xã hội, với đất nước, với thế giới”. Con đường văn học của Oe, vì vậy, đậm chất nhân sinh sâu sắc.

Sau hơn 40 năm cầm bút, Oe đã sở hữu hơn 60 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài. 

Kenzaburo Oe được đánh giá là một trong những nhà văn nổi bật nhất Nhật Bản và thế giới thế kỷ XX.

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến: tiểu thuyết Tuổi mười bảy (1961) kể về việc một thanh niên thuộc tổ chức phát xít mới 17 tuổi đã ám sát thủ lĩnh Đảng Dân chủ trong một cuộc mít tinh; sổ tay Hiroshima (1965) viết về nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật; Hãy dạy chúng tôi thoát khỏi bệnh điên rồ của mình (1969); Nước ngập tận tâm hồn tôi (1973) nói về một thế giới phi lý của hận thù, sai lầm và hiểm họa nguyên tử. 

Năm 1994, Kenzaburo Oe là nhà văn thứ hai (sau Kawabata) được trao giải Nobel Văn học vì đã tạo nên “một thế giới giàu hình ảnh tưởng tượng, nơi đó cuộc sống và những câu chuyện tưởng tượng hòa quyện lại để tạo nên một bức tranh đảo lộn về con người trong tình trạng khó khăn hiện nay”. 

Ông được đánh giá là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật và thế giới vào thế kỷ XX.

Bảo Huy