Tử vong do suy hô hấp

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng hoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, 4 tuần trở lại đây, khoa tiếp nhận 6 – 7 trường hợp nguy kịch dù chỉ mắc cúm mùa thông thường (cúm A/H1N1).

Nặng nhất là trường hợp thai phụ 31 tuổi tại Thanh Hoá, được BV đa khoa tỉnh chuyển ra BV Bạch Mai vào cuối tháng 1 vừa qua khi đang mang song thai 24 tuần tuổi.

Thai phụ ban đầu có các triệu chứng cúm thông thường như sổ mũi, hắt hơi nhưng bệnh nhanh chóng chuyển nặng. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu, thở máy, thậm chí chạy cả tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) nhưng sau 2 tuần, tình trạng vẫn không tiến triển. Thai phụ cùng 2 thai nhi tử vong do suy hô hấp, viêm phổi trắng xoá. 

{keywords}
Bệnh nhân 51 tuổi ở Ứng Hoà hiện vẫn đang điều trị tích cực tại BV Bạch Mai do suy đa phủ tạng


Trường hợp khác là nam bệnh nhân L.Đ.C., 64 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội. Ông C. vốn có tiền sử cao huyết áp, trước khi vào viện 6 ngày chỉ có biểu hiện sổ mũi, sốt, sau sốt cao, ho khan liên tục kèm theo tức ngực. Khi đi khám ở tuyến cơ sở, ông được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn dùng thuốc nhưng không cải thiện.

Ông C. được chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu ngày 25/1 khi đã khó thở do suy hô hấp, ý thức chậm, ngay lập tức được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus cúm A/H1N1.

Sau 1 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, tình trạng ông C. tiếp tục nặng thêm, bệnh nhân được lọc máu, thở ECMO. Đến nay, bệnh nhân tạm thời đã cai được ECMO nhưng vẫn đang phải thở máy và nằm hồi sức đặc biệt, tiên lượng hết sức dè dặt.

Vào ngày mùng 2 Tết, khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận trường hợp bị cúm nặng khác là nam bệnh nhân N.V.D., 51 tuổi ở Ứng Hoà, Hà Nội, vào viện khi đã suy hô hấp, thở máy. Bệnh nhân vốn to béo, có tiền sử đái tháo đường và thường xuyên uống rượu.

Gia đình cho biết, trong nhà trước đó có vài người bị cúm, trong đó có cháu nội. Khi bị hắt hơi, sổ mũi, ho, nhức mỏi toàn thân, ông D. chỉ nghĩ cúm thường nên chủ quan, khi vào viện đã nguy kịch do biến chứng suy đa phủ tạng.

Bệnh nhân được lọc máu liên tục, điều trị kháng sinh liều cao nhưng không đáp ứng, hiện vẫn đang dùng ECMO, tình trạng chưa cải thiện, tiên lượng khó qua khỏi.

Mới nhất vào mùng 4 Tết, khoa tiếp nhận nam bệnh nhân 40 tuổi từ Điện Biên chuyển xuống do biến chứng suy hô hấp nặng sau cúm thường 2-3 ngày.

Vì sao cúm thường cũng chết?

PGS Đào Xuân Cơ cho biết, cúm A/H1N1 là cúm mùa, ít gây nguy hiểm, ở người bình thường, bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày điều trị thông thường.

Cúm mùa chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp do hít phải giọt bắn từ nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp lây do tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng có dính nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại, cốc, bát đũa…)

Ở giai đoạn đầu, bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn ... Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng.

{keywords}
Tiêm vắc xin ngừa cúm là cách hiệu quả để tránh cúm mùa 


Sốt là triệu chứng quan trọng, thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4 - 8 ngày, nhiệt độ thường tăng nhanh, có thể lên tới 40 – 41 độ C.

Tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng: Sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do virus tấn công sâu vào phổi, suy đa phủ tạng và có thể gây tử vong.

Đặc biệt nguy cơ tử vong cao nhất trên các bệnh nhân tiền sử bệnh lý nền, các bệnh mãn tính gây suy giảm sức đề kháng như: Suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ...

Vì thế, khi có các biểu hiện ho tăng lên, sốt cao và liên tục, tức ngực, khó thở dù đã dùng các thuốc cảm cúm thông thường, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

PGS Cơ khuyến cáo, người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền bệnh cho những người xung quanh trong thời gian từ 1 ngày trước khi có triệu chứng cúm và kéo dài tới 7 ngày sau khi lui bệnh.

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là nên tiêm vắc xin ngừa cúm. Khi bị bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, sau đó rửa sạch tay.

Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc cúm. Với thuốc kháng virus như Tamiflu, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Thúy Hạnh

Hàng loạt dân văn phòng bị virus cúm ‘tấn công’ do thói quen của nhiều người Việt

Hàng loạt dân văn phòng bị virus cúm ‘tấn công’ do thói quen của nhiều người Việt

Cúm có khả năng lây lan cực mạnh nhưng nhiều người Việt vẫn rất “hồn nhiên” khiến bệnh lây lan khắp công sở.