Vừa qua, CMC đã ký hợp tác chiến lược với tập đoàn TIME của Malaysia. Việc hợp tác với đối tác nước ngoài đã tác động thế nào đối với CMC?

Khi có đối tác nước ngoài tham gia đã tác động đến rất nhiều hoạt động của CMC. Điều đầu tiên, bản thân mình phải chuẩn hóa công ty của mình theo tiêu chuẩn nước ngoài. Các hoạt động của công ty phải minh bạch và hoạt động của mình phải đạt được chuẩn mực quốc tế để hợp tác quốc tế. Tôi thấy may mắn là CMC chọn được đối tác chiến lược là TIME của Malaysia mà không phải đầu tư tài chính, bản thân đối tác cũng hoạt động trong lĩnh vực này nên họ đã bổ sung cho chiến lược của CMC tốt hơn và giúp mình phát triển tốt hơn.

Nếu như 3 năm trước đây thì hoạt động của CMC Telecom cũng chưa định hình rõ nét, thậm chí chúng tôi cảm thấy rất khó trong cạnh tranh với các đối thủ lớn. Rõ ràng CMC Telecom ra đời sau và chưa có nhiều kinh nghiệm. Nếu nhìn đơn thuần như thế thì rõ ràng mình chẳng có năng lực gì để cạnh tranh với các đối thủ cả. Thế nhưng, từ khi chúng tôi hợp tác với TIME đã hoạch định chiến lược tốt hơn và đối tác bản thân họ cũng tạo dựng từ một công ty viễn thông nhỏ không có danh tiếng, trở thành công ty số 2 của Malaysia nên họ chia sẻ với chúng tôi nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ xây dựng chiến lược CMC Telecom phát triển. Bên cạnh đó, TIME cũng hỗ trợ nhiều cho chúng tôi trong quá trình tổ chức quản lý từ kỹ thuật, công nghệ, quản trị, tài chính, kinh doanh… Quá trình làm việc thì người của bên mình được sang bên họ để học tập, trao đổi, bàn bạc, hợp tác.

Trong quá trình hợp tác với TIME, đây là công ty lớn trong khu vực và trên thế giới nên đã hỗ trợ tốt cho chúng tôi về cơ hội và vị thế để giành được lợi thế trong đàm phán hợp đồng với đối tác nước ngoài. Nếu như trước kia đi đàm phán quốc tế thì chỉ quan tâm đến 2 "ông" VNPT và Viettel thôi, nhưng khi chúng tôi hợp tác với TIME thì tự nhiên được ngồi ngang hàng. Đây là lợi thế vô cùng quan trọng đối cới CMC.

Định hướng của CMC sẽ có những màng kinh doanh nào trong bổi cảnh ngành ICT đang có những thay đổi nhanh chóng?

Bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới có quá nhiều đổi thay. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của kinh tế tri thức, các bạn đang chứng kiến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, công nghệ đang phát triển như vũ bão với: IOT, SMAC, trí tuệ nhân tạo, robotic... đang tác động đến mọi mặt của đời sống.
Cũng trong 10 năm qua chúng ta đã chứng kiến có không ít công ty tên tuổi lớn trong ngành CNTT đã “ra đi”. CMC nhận thức được rõ rằng: nếu không thay đổi, không tự làm mới mình, không tự trẻ lại và tự thích ứng,  sẽ già và không còn tồn tại như nhiều công ty CNTT khác. 

Trong bối cảnh đó, CMC sẽ tập trung vào 3 trụ cột chiến lược là: viễn thông, phần mềm và tích hợp hệ thống. Thực chất thì phần mềm và tích hợp hệ thống chúng tôi gọi chung là CNTT, phần còn lại là viễn thông. Mảng viễn thông năm 2016 đã có doanh thu khoảng hơn nghìn tỷ đồng và lợi nhuận vượt qua mảng CNTT. Có thể nói là trong năm 2016 mảng viễn thông đã trở thành lĩnh vực chủ đạo và trong tương lai vẫn là hàng đầu của CMC. Mảng CNTT thì có giá trị của nó. Giá trị đầu tiên là nền tảng, vì CMC gốc là CNTT, nhờ sự hợp tác giữa viễn thông và CNTT một cách nhuần nhuyễn chúng tôi tin tưởng chiến lược CNTT sẽ bứt phá theo. Ở mảng Tích hợp Hệ thống, chúng tôi phát triển các giải pháp công nghệ chuyên ngành hướng tới từng nhóm khách hàng tổ chức, hướng tới mục tiêu số 1 về giải pháp hạ tầng, giải pháp an ninh bảo mật, giải pháp dữ liệu lớn (Big Data). Với Phần mềm, CMC tập trung vào các ứng dụng phục vụ cho nhu cầu vừa có tính chuyên biệt, vừa có tính đại chúng, ngoài phương thức cung cấp truyền thống sẽ chuyển dịch mạnh mẽ theo phương thức mới Cloud, SaaS… đón đầu xu hướng ứng dụng IoT các sản phẩm tạo ra phải sáng tạo hơn, khác biệt so với những sản phẩm có trên thị trường.

CMC có rất nhiều mảng như: phần mềm, bảo mật, viễn thông, vậy CMC có thể cung cấp giải pháp tổng thể như vậy cho khách hàng của mình hay chưa?

Hiện nay, chúng tôi đã triển khai những dịch vụ như vậy. Một khách hàng sử dụng dịch vụ kết nối Internet của CMC Telecom nhưng có thể sử dụng nhiều dịch vụ của hệ thống CMC, hay như data center của CMC cung cấp dịch vụ hosting, máy chủ… cho khách hàng thì bây giờ mình cung cấp cả dịch vụ kết nối Internet... CMC sẽ cung cấp tất cả những dịch vụ gì mà khách hàng cần một cách linh hoạt. Tất nhiên chúng tôi cung cấp cả các dịch vụ không chỉ đến từ CMC mà của các đối tác hợp tác như IBM, Microsoft...

Như vậy hình ảnh truyền thông sẽ phải thay đổi theo chiến lược của mình?

Đúng vậy, chúng tôi sẽ thay đổi thương hiệu và nhận diện thương hiệu, bên cạnh đó còn có toàn bộ chiến lược truyền thông thay đổi, triết lý truyền thông thay đổi. CMC đưa ra quan điểm là truyền thông theo cảm xúc, người ta phải quý CMC thì mới dùng dịch vụ của CMC được. Tất nhiên để được như thế thì sản phẩm, dịch vụ của mình phải thật tốt. Trước đây mình nói về mình nhiều hơn, bây giờ mình nói về khách hàng nhiều hơn, hiểu được nhu cầu của họ. Từ hiểu được nhu cầu của khách hàng thì chúng ta sẽ đem lại những giá trị mà họ cần, thay vì như trước đây chỉ nói theo cách kinh doanh.

Thứ hai nữa là CMC sẽ cam kết mang lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng. Từ trong nội bộ của chúng tôi cũng nhấn mạnh có 3 yếu tố giá trị cốt lõi là sáng tạo, chuyên nghiệp và đồng đội, làm thế nào truyền được tình yêu cảm xúc từ mình đến khách hàng và từ khách hàng đến với mình. Slogan của CMC cũng có những thay đổi. May mắn là 10 năm trước CMC đã lấy slogan “Hướng tới tương lai số” và đến bây giờ vẫn còn giá trị. Nhưng bây giờ làm thế nào để hướng tới tương lai số thì mình làm rõ ràng hơn, đưa ra triết lý cụ thể hơn.

Chiến lược phát triển giai đoạn từ nay cho đến 2020 và chiến lược nhận diện thương hiệu mới của CMC có ý nghĩa to lớn với chúng tôi. Đây là cột mốc đánh dấu một bước đột phá mạnh mẽ, khẳng định vững chắc vị trí thương hiệu Tập đoàn CNTT hàng đầu Việt Nam. 

Xin cảm ơn ông!