CMC đặt mục tiêu không chỉ trở thành công ty số mà còn là công ty cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số cho khách hàng, tổ chức khác. |
CMC dùng hình ảnh con bướm lột xác để quyết tâm chuyển đổi số
Năm 2017, CMC bắt đầu tuyên bố chiến lược chuyển đổi số. Thời điểm đó, CMC là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tuyên bố chiến lược này. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC chia sẻ: “Chúng tôi đã dùng hình ảnh con bướm minh họa cho tinh thần quyết tâm lột xác để chuyển đổi số và đưa ra nhận diện thương hiệu mới. Thật ra, quá trình chuẩn bị cho chuyển đổi số đã được CMC nghiên cứu rất kỹ, bản thân tôi đã đi đến nhiều quốc gia, gặp nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu để nghe họ chia sẻ”.
Trong dòng chảy chung của thế giới, CMC là doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số. CMC đặt mục tiêu trở thành công ty số hàng đầu tại Việt Nam. Sở dĩ CMC đặt mục tiêu này vì tập đoàn có những điều kiện thuận lợi hơn so với một số công ty khác khi nằm trong nhóm ngành có nhiều lợi thế và liên quan kinh tế số. CMC đặt mục tiêu không chỉ trở thành công ty số mà còn là công ty cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số cho khách hàng, tổ chức khác.
Để dẫn đầu xu hướng chuyển đổi số quy mô toàn cầu ngay tại Việt Nam, CMC đã tung ra hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp và tổ chức có tên C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise). Là một hệ thống kiến trúc mở, tích hợp tất cả thế mạnh công nghệ của CMC như nền tảng đa đám mây (Multi-Cloud), nền tảng dữ liệu (Data Lake), trí tuệ nhân tạo(AI) và nền tảng ứng dụng, hệ sinh thái C.OPE2N cho phép các cơ quan, doanh nghiệp và khách hàng của CMC có thể liên kết và chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số.
Sau 3 năm nghiên cứu, CMC đã chính thức ra mắt C.OPE2N là hệ sinh thái mở khai phóng tiềm năng cho các doanh nghiệp số. CMC mở năng lực, mở tri thức của mình với tất cả mọi người. Với hệ thống C.OPE2N, các vấn đề về trí tuệ, tốc độ, năng suất, kết nối sẽ được giải quyết. Hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPE2N sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nền kinh tế số.
Giải thích lí do xây dựng hệ sinh thái hạ tầng mở trong thời điểm đó, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính chia sẻ: “CMC hay bất kì công ty công nghệ nào nếu không thích ứng với thời đại mới thì đều đối mặt với hiểm nguy, như nhiều bài học từ những tên tuổi hàng đầu thế giới: Compaq, Nokia, Yahoo. Chúng tôi có nhận thức thay đổi và bắt buộc phải chuyển đổi số từ lâu, biến năng lực từ sản phẩm sang dịch vụ, từ dịch vụ sang Cloud, rồi xây dựng hệ sinh thái. Nếu không làm hệ sinh thái thì không thể tích hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ Cloud (điện toán đám mây) như Amazon, Google, Microsoft. Không làm hệ sinh thái thì làm sao “gõ cửa” được các thị trường trăm tỷ USD như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu? Nếu không phải bây giờ thì không bao giờ làm được”.
Hệ sinh thái hạ tầng mở là bước tiếp theo trong định hướng chiến lược 5 năm của Tập đoàn CMC. Hệ sinh thái C.OPE2N cho phép các doanh nghiệp, tổ chức có thể liên kết và chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số. Với hệ sinh thái này, CMC muốn đồng hành cùng xây dựng quốc gia số, đưa Việt Nam trở thành “Hub” về kết nối và lưu trữ dữ liệu, chia sẻ tri thức của thế giới về Việt Nam. Hệ sinh thái C.OPE2N có thể nhanh chóng tạo ra các dịch vụ hành chính công, Chính phủ điện tử nhanh, an toàn, hiệu quả, giảm chi phí đầu tư hạ tầng CNTT cho các tổ chức cơ quan nhà nước, bắt kịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới.
Theo thống kê của CMC, hiện cộng đồng CNTT ở Việt Nam còn chưa lớn khi mới chỉ có khoảng 40.000-50.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hạ tầng nền tảng số sẽ giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp mới khi hỗ trợ các startup tiếp cận nhanh hơn với trải nghiệm tốt hơn. “Nếu như trước đây, để có hệ thống máy chủ thì các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều, còn hiện nay hạ tầng nền tảng số đã giúp giảm thiểu chi phí”, ông Chính dẫn chứng.
CMC mong muốn đưa Việt Nam trở thành “Digital Hub” của châu Á - Thái Bình Dương, cùng kết nối dữ liệu và chia sẻ tri thức với toàn cầu. Với chiến lược công nghệ như vậy, mục tiêu kinh doanh của Tập đoàn CMC đến năm 2023 đạt doanh thu 1 tỷ USD và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số và trung tâm cung cấp dịch vụ chuyển đổi số trên toàn cầu. “1 tỷ USD là con số đầy thách thức, nếu chúng tôi không xây dựng chiến lược chuyển đổi số thì không thể đạt được mục tiêu này. Rất may, chúng tôi đang đi đúng hướng và mục tiêu đó đang trở thành hiện thực. CMC thấy rằng, chuyển đổi số không còn là xu hướng mà nó chính là sự tồn vong của CMC bởi thế giới đã chuyển sang kinh tế số và doanh nghiệp nào có năng lực tham gia vào nền kinh tế này thì sẽ thành công”, Chủ tịch CMC nói.
Việt Nam cũng đang nằm trong khu vực có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, lợi thế hạ tầng cực kỳ quan trọng để đưa Việt Nam trở thành một Digital Hub của khu vực. |
Việt Nam có lợi thế để xây dựng thương hiệu quốc gia về chuyển đổi số
Chủ tịch CMC phân tích, kinh tế số đang mở ra cơ hội rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà ở cả trên toàn cầu, trong khi đó, Việt Nam lại có năng lực để cung cấp nền tảng số cho các tổ chức, doanh nghiệp. Việt Nam đang có lợi thế rất lớn là dân số trẻ và đam mê lĩnh vực công nghệ. Người Việt Nam có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên, đây là lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được để xây dựng nguồn nhân lực ICT chất lượng cao. Một điều khá may mắn trong một thập kỷ vừa qua, các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có CMC đã có những bước chuẩn bị tốt về năng lực cung cấp các dịch vụ hạ tầng về CNTT. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia có năng lực về cung cấp dịch vụ số cho khu vực và trên toàn cầu.
Về vị trí địa lý, Việt Nam cũng nằm trong khu vực có nhiều thuận lợi với bờ biển dài và là nơi đi qua của nhiều tuyến cáp quang biển, đấy là một điểm lợi thế hạ tầng cực kỳ quan trọng để đưa Việt Nam trở thành một Digital Hub của khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường khá lớn trong khu vực khi quy mô tới gần 100 triệu dân, đây cũng là lợi thế cạnh tranh. “Samsung SDS, một thành viên của Tập đoàn Samsung, là công ty CNTT hàng đầu của Hàn Quốc cũng đặt cược vào chiến lược số và hiện đã trở thành công ty cung cấp dịch vụ số toàn cầu. Họ nhìn thấy sự đồng điệu trong chiến lược của CMC và tiềm năng con người của đất nước Việt Nam. Chính vì thế, họ lựa chọn đầu tư chiến lược vào CMC và cùng CMC thực hiện mục tiêu trở thành công ty số, cung cấp dịch vụ số trên phạm vi toàn cầu”, ông Chính nói.
Chủ tịch CMC kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện xây dựng Việt Nam thành Digital Hub khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong lộ trình xây dựng quốc gia số, phải có hạ tầng số thì mới xây dựng được Chính phủ số và kinh tế số, trong đó các thành phần xây dựng hạ tầng số gồm thiết bị kết nối, dữ liệu và ứng dụng, hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực. Chính phủ nên khuyến khích phát triển nhanh và bền vững trong xây dựng hạ tầng số, cụ thể là nền tảng hạ tầng điện toán đám mây, xây dựng trung tâm dữ liệu, hạ tầng viễn thông, thành phố thông minh tại nhiều vùng trên cả nước.