Thông tin nêu trên vừa được ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) chia sẻ tại phiên tọa đàm về kinh nghiệm phát triển sản phẩm xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 do Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức hôm nay, ngày 20/4/2017 tại Hà Nội.
Giá trị gia tăng nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam còn thấp
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà nghiên cứu kinh tế trao đổi thông tin, đánh giá cơ hội thị trường cho xuất khẩu; thảo luận về các biện pháp xúc tiến xuất khẩu, phát triển sản xuất, phát triển thị trường nhằm mục tiêu phát huy năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời đề xuất chính sách xúc tiến xuất khẩu, các giải pháp để nâng cao vị thế của Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy, bền vững.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2017 được tổ chức với chủ đề “Nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho xuất khẩu Việt Nam” thu hút đông đảo các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý tham dự, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Cũng tại Diễn đàn này, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý phân tích, đánh giá những cơ hội thị trường, trao đổi các vấn đề còn tồn tại và nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp làm cơ sở đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần phát triển xuất khẩu ổn định, bền vững.
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, xuất khẩu là động lực cho tiến trình phát triển của Việt Nam. Nền kinh tế chuyển qua những bước ngoặt quan trọng và xuất khẩu là một trong những động lực chính góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng: “Bối cảnh đã thay đổi và chúng ta phải xuất khẩu theo cách khác, nâng cao giá trị gia tăng trong từng đồng chúng ta xuất khẩu”.
Theo số liệu của Cục Xúc tiến Thương mại, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cả nước có 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2015. Tỷ lệ nội địa hóa một số ngành, trong đó có điện thoại di động đã được nâng cao. Kết quả xuất khẩu năm 2016 tương đối khả quan so với các năm trước tuy nhiên giá trị gia tăng nhiều nhóm ngành hàng như điện tử gia dụng, điện tử công nghệ cao… vẫn còn thấp.
Nhấn mạnh việc cần nhìn lại hoạt động xuất khẩu để có giải pháp nâng cao giá trị cho xuất khẩu Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập nhận định con số hơn 176 tỷ USD doanh số xuất khẩu mà Việt Nam đạt được năm 2016 (tăng trưởng 9%) là hết sức cố gắng, được coi là tăng trưởng “nóng” của xuất khẩu; tuy nhiên mới chỉ dựa trên việc tăng số lượng, sản lượng chưa chưa sâu về chất lượng.
Đơn cử như, với sản phẩm công nghiệp, theo ông Hải, chủ yếu vẫn là gia công, tức là nhập khẩu các nguyên phụ liệu từ nước ngoài về và lắp ráp, khâu vá để đưa ra sản phẩm. “Chúng ta cũng đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu như giầy dép, điện thoại…, có yếu tố Made in Vietnam nhưng phần giá trị tạo ra ở Việt Nam còn rất thấp”, ông Hải nói.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng nhận định: “Việt Nam muốn chen chân vào giá trị gia tăng cao ở khâu công nghệ khó khăn lớn hơn rất nhiều so với bên phân phối, thương hiệu, marketing. Tăng giá trị gia tăng dựa vào R&D là việc khó và hiện có FPT, Viettel “mon men” thực hiện”.
"Giá trị gia tăng của ngành phần mềm rất ổn!"
Đáng chú ý, trao đổi tại phiên tọa đàm chuyên đề tại Diễn đàn, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ những bài học thành công của doanh nghiệp đã có 17 năm xuất khẩu phần mềm. “Chúng tôi có hơn 10.000 kỹ sư, lập trình viên. Trung bình mỗi cán bộ, nhân viên FPT Software làm ra khoảng 550 triệu đồng/năm. Nếu so với các ngành xuất khẩu của Việt Nam thì trừ xuất khẩu dầu khí, than đá, ngành phần mềm có giá trị xuất khẩu trên đầu người cao nhất”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, điều đáng khoe nhiều hơn chính là giá trị gia tăng cao của ngành phần mềm. Ông Tiến phân tích: “Xuất khẩu hơn 30 tỷ USD điện thoại thì nhập khẩu cũng 25 tỷ USD (tức là trong 100 USD giá trị xuất khẩu thì chỉ có khoảng 20 - 30 USD do người Việt làm ra), phần giá trị gia tăng Việt Nam làm được rất ít. Ngành chúng ta làm chính như lúa gạo thì hóa ra giá trị gia tăng của nông dân làm ra là 50% còn lại là nhập phân bón thuốc trừ sâu. Với ngành phần mềm chúng tôi, cứ 100 USD xuất khẩu thì có 84 - 86 USD do người Việt Nam làm ra. Như vậy, giá trị gia tăng của ngành phần mềm rất ổn”.
Vị Chủ tịch FPT Software cũng lưu ý đến điểm đặc biệt thị trường phần mềm - một thị trường không giới hạn. “Thị trường phần mềm có doanh số 994 tỷ USD. Năm ngoái, chúng tôi mới chỉ làm được 230 triệu USD trong tổng số 944 tỷ USD giá trị của thị trường. Đây là thị trường không giới hạn, vấn đề giới hạn là năng lực của chúng ta mà thôi. Hàng triệu kỹ sư phần mềm của cả thế giới đang chưa đáp ứng đủ nhu cầu công việc. Ngành này sẽ luôn luôn thiếu người”, ông Tiến cho biết.
Đề cập đến năng lực của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, ông Tiến tự tin: “Khách hàng của chúng ta hiện là những nước giàu nhất thế giới và họ đều cần đến những kỹ sư học ở Việt Nam, làm ở Việt Nam nhưng làm cho khắp thế giới. Chúng ta có một lực lượng trẻ, khỏe vì học cần làm việc từ 10 - 14 tiếng/ngày”.
Nhấn mạnh cơ hội lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ xu hướng chuyển dịch số, ông Tiến cho rằng, cả thế giới đang chuyển dịch nhu cầu ngày càng cao, ít nhất là trong 15 năm tới; vì vậy việc nghiên cứu vào phần mềm là hướng đi hoàn toàn có thể lựa chọn.
Người đứng đầu FPT Software cho biết thêm, doanh số của FPT Software năm 2016 là 230 triệu USD nhưng mục tiêu công ty đặt ra là đến năm 2020 sẽ đạt doanh số 1 tỷ USD. “Tôi không biết có bao nhiêu doanh nghiệp dám đặt tốc độ tăng trưởng cao như vậy. Chúng tôi chỉ thiếu người, còn mục tiêu 1 tỷ USD hoàn toàn không xa xôi”, ông Tiến nói.