Ông Trương Gia Bình – nhà sáng lập giàu tham vọng của tập đoàn công nghệ FPT - chia sẻ, điều đáng tiếc nhất cản trở các start-up Việt tiến ra nước ngoài là không có niềm tin, thiếu quyết tâm, sợ bị coi là “chém gió”.


Tại cuộc tọa đàm “Doanh nghiệp ICT Việt vươn ra thế giới” tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT cho rằng những người trẻ nên khởi nghiệp với nghị lực và quyết tâm lớn lao trong tâm thế hướng ra toàn cầu.

Từ câu chuyện của FPT

Cách đây 19 năm, khi FPT đã có chút của ăn của để, ông Trương Gia Bình bắt đầu nghĩ đến việc không tưởng nhưng chỉ mười năm sau đã biến FPT thành đế chế: xuất khẩu phần mềm. Nói không tưởng, bởi bấy giờ, kế hoạch của ông Bình đi trước rất xa và FPT đang không có đối thủ ở các lĩnh vực khác. Ông Bình thừa nhận, mặc dù rất quyết tâm, lên gân lên cốt với anh em nhưng trong lòng thì không tránh khỏi lo lắng.

{keywords}

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Trong một lần tiếp xúc với ông Narayana Murthy, sáng lập viên và là CEO của Tập đoàn Infosys, ông Bình ướm hỏi: “Này ông, liệu người Việt Nam có đủ khả năng xuất khẩu phần mềm không?”. Ông Narayana Murthy vặn: “Tại sao không?”.

Thực tế, ông Bình đã sớm nhìn ra cơ hội nhưng câu hỏi của người “đã thực hiện một cuộc cách mạng cho ngành công nghệ thông tin Ấn Độ” đã củng cố thêm quyết tâm của vị thuyền trưởng FPT lúc bấy giờ.

Nhưng ông Bình hiểu, có quyết tâm thôi chưa đủ. Thời điểm đó, FPT đang rầm rộ kỉ niệm 10 năm thành lập. Dù quyết định sẽ “toàn cầu hoá” nhưng lúc ấy, ngoài tấm băng-rôn đỏ chói ghi khẩu hiệu vắt từ tầng 4 xuống tầng 1 thì hầu như chẳng ai hiểu gì về toàn cầu hoá.

Đúng lúc đó ông Bình gặp gỡ một Tham tán Nhật Bản đang công tác tại Việt Nam. Ông này mách: “Các bạn phải làm phần mềm”. Ông Bình hỏi: “Làm sao để bắt đầu?”. Câu trả lời của vị chuyên gia là: “Sang Ấn Độ”. Ông Bình cùng các cộng sự bay sang Ấn Độ, đến thăm quan thung lũng phần mềm Bangalore. Những ngày ở Ấn Độ, những người FPT gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Tập đoàn Infosys, Tập đoàn Tata…

Đặc biệt, theo ông Bình, trong những ngày đầu chập chững “vượt sóng” hội nhập, FPT nhận được sự giúp đỡ và dẫn dắt không nhỏ từ phía tập đoàn Tata của Ấn Độ.

Ông Bình kể: “Phó Chủ tịch Tata cầm tay chỉ việc, bày vẽ rất kỹ cho FPT làm phần mềm xuất khẩu.” Việc này đã khiến cho nhiều người trong Tập đoàn Tata thấy khó hiểu, chất vấn.

Ông Bình kể tiếp: “Phó Chủ tịch Tata giải thích rằng nếu Tata không giúp sức thì Việt Nam cũng sẽ trở thành một nhà xuất khẩu phần mềm lớn. Tại sao ta không giúp để có một đối tác trong tương lai?”. Điều tiên đoán đó, theo ông Bình, đến giờ FPT đã có thể cạnh tranh trực tiếp với Tata và Infosys.

Không chỉ “đấu đá, cạnh tranh, chọn thầu” trực tiếp với Tata, sự dấn thân và thành công ngoài mong đợi của FPT còn lôi kéo được sự quan tâm của các nhà làm chính sách tại Việt Nam. Đồn thời, là sự kiện có sức thu hút đặc biệt đối với các start-up Việt.

Đến cảm hứng cho các start-up Việt

Trả lời câu hỏi “Việt Nam còn cơ hội đi hơn thế nữa không?”, ông Bình trả lời: “Còn rất nhiều”. Theo ông Bình, số lượng các công ty đi ra nước ngoài còn quá ít, mà cơ hội lại nhiều hơn nữa.

“Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư đang mở ra cơ hội chưa từng có, bởi điểm khác biệt của cuộc cách mạng này so với ba cuộc cách mạng hầu hết dựa trên những tiến bộ công nghệ trước đó,” ông Bình nói. “Nếu như trước đây, để làm phần mềm xuất khẩu, mỗi doanh nghiệp cần 50 kỹ sư tin học trở lên mới nói chuyện, nay chỉ cần 5 thôi là bắt đầu làm được rồi.” ông Bình nói thêm.

Từng nhìn thấy cơ hội trước nhiều năm và đã tận dụng rất tốt, không để cơ hội trôi qua lãng phí, ông Bình khẳng định “cơ hội là không thiếu” nếu doanh nghiệp công nghệ dám “bước ra khỏi luỹ tre làng”.

“Trí tuệ Việt Nam là vô hạn, thị trường phần mềm thế giới cũng là vô hạn. Thực tế chứng minh là đã có những thành quả vời cho những người dũng cảm dám bước tiếp, còn việc tiến ra hay không là của các bạn,” ông Bình nói.

Tất nhiên, không thể “hội nhập” kiểu cầu may, tay không bắt giặc. Theo người sáng lập FPT, có 2 thứ mà các start-up Việt cần là chứng chỉ về IoT và ý tưởng sáng tạo mới.

Cuối cùng, với quan điểm các Start-up sẽ góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp để thay đổi vị thế kinh tế và tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng Start-up thời gian qua chưa thành công như mong đợi, trong nhiều nguyên nhân thì có việc chúng ta quá tự ti, “choáng” trước ngưỡng cưa thế giới. “Tiếc nhất là không có niềm tin, chúng ta hầu hết là đã không tin, thiếu quyết tâm, đã coi là “chém gió”, ông Bình nói.

Khởi nghiệp năm 1988 cùng các đồng sự , ông Trương Gia Bình đã đưa Tập đoàn FPT chuyển mình trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam với doanh thu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Hiện, FPT đã cung cấp dịch vụ tới 63/63 tỉnh thành tại Việt Nam và không ngừng mở rộng hoạt động trên thị trường toàn cầu với sự hiện diện tại 19 quốc gia.

(Theo VTC News)