Ngày 27/12/2016, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2016 - 2020.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp than phiền họ không cạnh tranh được với hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc tràn sang. Đại diện khối doanh nghiệp dệt may cho biết, nếu như ở thành thị hàng Việt Nam còn có chỗ đứng thì ở vùng nông thôn hầu hết là hàng Trung Quốc, hàng giả, hàng nhái. Thậm chí, hàng giả được đưa về đến tận địa phương sau đó thích dán nhãn mác gì cũng được. Đại diện khối doanh nghiệp dệt may cho biết, với giá bán các sản phẩm dệt may đến từ Trung Quốc thì hàng trong nước không có “cửa” để cạnh tranh.

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Nam Trà - Chủ tịch MobiFone cho rằng, ý thức chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nên MobiFone đã xúc tiến ký kết và bán chéo sản phẩm dịch vụ với các doanh nghiệp trong khối. MobiFone cam kết đưa sản phẩm dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng. Chiến lược của MobiFone là kết hợp các dịch vụ Viễn thông - CNTT và truyền hình để cung cấp cho khách hàng.

Ông Lê Nam Trà cho biết, một trong những điểm khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam là quảng bá sản phẩm. Tuy giá quảng cáo trong khung giờ vàng quá đắt nhưng MobiFone có thể giảm 50% để quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam.

“MobiFone có lợi thế là sở hữu tập khách hàng lớn, MobiFone dùg Big data phân tích tập khách hàng để thấy được tính cách và khả năng tiêu thụ của mỗi cá nhân giúp các ngành như y tế, may mặc… có được thông tin để thiết kế sản phẩm phù hợp với người dùng Việt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong khối cần có lòng tin sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau, tạo điều kiện cho nhau bằng cách ra đầu bài yêu cầu sản phẩm dịch vụ cho nhau để đôi bên cùng có lợi. Ví dụ nếu các doanh nghiệp Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chỉ sử dụng gói cước ngoài sẽ đắt nhưng MobiFone có thể đưa ra gói cước cho các doanh nghiệp trong cùng khối với giá cước ưu đãi”, ông Lê Nam Trà nói.

Trước than phiền nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành, ông Lê Nam Trà cho rằng, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần phải phát huy tính liên kết mạnh giữa các doanh nghiệp trong khối. Việc chống hàng giả, hàng nhái vào thị trường Việt Nam có thể tham khảo bài học các nhà mạng cùng ký cam kết thu hồi SIM đã kích hoạt nhằm dẹp loạn thị trường SIM rác, tin nhắn rác dưới sự giám sát của Bộ TT&TT mới đây.

Ngay tại hội nghị, 32 doanh nghiệp là các tổng công ty, tập đoàn, ngân hàng trong Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã cùng nhau ký bản hợp tác cam kết sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau. Các bên cam kết sẽ có những ưu đãi, thậm chí có thể thiết kế dịch vụ dành riêng cho nhau.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ghi nhận, biểu dương những kết quả Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đạt được trong thời gian qua. Đánh giá cao sự sáng tạo của Đảng ủy Khối trong việc cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động bằng chủ trương “Các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau”, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Đảng bộ Khối tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp và của đội ngũ cán bộ đảng viên nhằm tạo sự đồng thuận của tập thể, tập hợp đoàn kết và phát huy sức mạnh của doanh nghiệp và của các đoàn thể trong thực hiện Cuộc vận động. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, ngân hàng tích cực đầu tư, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành và xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm.

Theo ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy Khối, trong điều kiện hội nhập quốc tế và mở cửa thị trường nội địa Việt Nam, toàn Khối với gần 1,3 triệu lao động, từng doanh nghiệp, ngân hàng phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp, thay đổi quản trị, thay đổi hệ thống sản xuất để tăng năng suất lao động, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, đầu tư, hướng đến thay đổi công nghệ, hiệu quả, nâng cao thương hiệu. Ông Phạm Viết Thanh đề nghị các doanh nghiệp tiếp thị mở rộng kênh phân phối, mở rộng thị phần bằng hàng hóa, dịch vụ với giá cả cạnh tranh, chất lượng ngày càng cao. Đây là con đường và mục tiêu duy nhất để nâng cao uy tín, niềm tin và sự lựa chọn của gần 100 triệu người dân Việt Nam.