Chiều ngày 27/6/2018, ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á đã đến thăm Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES).

Chuyến thăm là sự kiện bên lề của Hội nghị Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 diễn ra tại Đà Nẵng (từ 23-29/6/2018) và Hội nghị Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng lần thứ 3 (SURF 2018) vào ngày 29/6.

Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch DNES cho biết: DNES là Vườn ươm đầu tiên của cả nước có mô hình hợp tác công tư ra đời từ cuối năm 2015 đến nay đang hoạt động hiệu quả. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng được ghi tên vào bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á.

"Trong những năm qua, ADB thông qua Chương trình sáng kiến kinh doanh Mekong (MBI) do Chính phủ Úc (DFAT) tài trợ, đang hỗ trợ cho Hội đồng điều phối khởi nghiệp Đà Nẵng và DNES triển khai nhiều hoạt động giúp các công ty khởi nghiệp địa phương phát triển, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội", ông Võ Duy Khương nhấn mạnh.

Theo ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, ông đến thăm Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng vì muốn chứng kiến tận mắt những dự án của các Startup Đà Nẵng cũng như các hoạt động của DNES.

Ông Takehiko Nakao chia sẻ: “Theo quan sát của tôi, thời gian trước đây, các sinh viên tốt nghiệp Đại học đều muốn “đầu quân” làm việc cho các Tập đoàn lớn hơn là bắt đầu triển khai các ý tưởng, dự án kinh doanh của chính mình. Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi đã chứng kiến sự thành công của giới trẻ ở các dự án Startup, điều này chứng tỏ sự thay đổi tư duy cũng như sự đổi mới sáng tạo của các Startup Việt Nam cũng như Startup Đà Nẵng ”.

Ông Takehiko Nakao cho rằng tinh thần kinh doanh và đổi mới sẽ trở thành động lực chính để tăng trưởng và thích ứng với công nghệ mới để cải thiện sản xuất. Vì vậy, ông khuyến khích các bạn sinh viên tốt nghiệp đại học trẻ hãy cố nắm bắt lấy các công nghệ mới, chấp nhận rủi ro tìm ra giải pháp mới để phát triển doanh nghiệp. Các bạn trẻ là nguồn lực quan trọng trong sứ mệnh của Đà Nẵng để trở thành một nền kinh tế đổi mới.

Về phía Ngân hàng phát triển châu Á sẽ tiếp tục tham gia vào hệ sinh thái đổi mới kinh doanh của Việt Nam tại Đà Nẵng. Điều này sẽ bao gồm hỗ trợ cho các vườn ươm doanh nghiệp địa phương và các chương trình tăng tốc giúp các nhà cung cấp giải pháp công nghệ toàn cầu kết nối với các đối tác địa phương để triển khai và mở rộng quy mô công nghệ, ông Takehiko Nakao cho biết thêm.

Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của ADB năm 1966. Kể từ khi hoạt động vào năm 1993, ADB đã tài trợ khoảng 16 tỷ đô la cho Việt Nam. Trong quá trình hợp tác này, ADB đã hợp tác với Việt Nam đào tạo khoảng 35.000 giáo viên, xây dựng hơn 5.000km đường quốc lộ và tỉnh, và lắp đặt 1.400 MW công suất năng lượng tái tạo. Đồng thời, ADB đã giúp nâng cấp gần 2.000km đường dây truyền tải điện quốc gia, cung cấp nước sạch cho hơn 265.000 hộ gia đình, và cải thiện thực hành quản lý nông nghiệp và lũ lụt trên 200.000 ha đất dễ bị tổn thương.

Chiến lược Đối tác Quốc gia của ADB trong giai đoạn 2016-2020 đưa ra một số lĩnh vực mà kiến thức và tài nguyên của ADB có thể có tác động nhiều nhất. ADB đã mở rộng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân bằng cách đầu tư vào các hoạt động nâng cao môi trường pháp lý kinh doanh, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân và hỗ trợ các chương trình huấn luyện và đào tạo nghề; Tiếp tục hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị quan trọng, bao gồm hỗ trợ tư vấn cho quản lý chất thải rắn ở Đà Nẵng; Tiếp tục tham gia vào hệ sinh thái đổi mới kinh doanh của Việt Nam tại Đà Nẵng.