Tiếp tục chương trình công tác tại Bến Tre, chiều nay, 1/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre. Nêu một số thế mạnh phát triển của Bến Tre, Chủ tịch nước mong muốn Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Cùng dự có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, kinh tế 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng 4,18 %. Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng là đã và đang có một số nhà đầu tư lớn quan tâm đầu tư vào tỉnh. Bến Tre cũng đang tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực thông qua kinh tế tập thể và hợp tác xã. Tỉnh có 104 tổ hợp tác, 55 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như chuỗi dừa, chuỗi bưởi da xanh. Đời sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nêu một số khó khăn, tồn tại với Bến Tre hiện nay như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; quy mô kinh tế nhỏ, sản xuất manh mún; tỷ lệ hộ nghèo cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bến Tre cần phải khai thác các thế mạnh để tạo bứt phá phát triển. Cơ hội lớn của Bến Tre là nhiều dự án lớn đã và sẽ triển khai, trong có các dự án điện gió, một tiềm năng lớn đối với tỉnh có 65km bờ biển như Bến Tre.
"Tỉnh phải thúc đẩy tinh thần “Đồng Khởi” anh hùng, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của người dân Bến Tre trong phát triển kinh tế và phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa của người dân Bến Tre. Đây là quê hương cách mạng, quê hương Đồng Khởi anh hùng, chúng ta cần có sự chuyển biến chỉ đạo, điều hành; cần sát dân, có phong trào cách mạng cụ thể, hiệu quả hơn. Bến Tre phải là tỉnh khá của ĐBSCL, không thể đứng tốp cuối. Các tỉnh trong vùng đều vươn lên mạnh mẽ. Tỉnh cần “nóng ruột” và có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn. Tại sao Sóc Trăng lại trở thành tỉnh nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lại là địa phương sản xuất tôm lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Do đó khát vọng là rất quan trọng. Chúng ta phát triển nhanh nhưng bền vững", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Lưu ý Bến Tre tăng trưởng xanh gắn với chiến lược phát triển quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và các chiến lược khác, đảm bảo phát triển hài hòa kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, Chủ tịch nước tán thành việc tỉnh mở rộng không gian phát triển về hướng Đông, trọng tâm là cơ sở hạ tầng ven biển, các ngành kinh tế biển, thủy sản, năng lượng sạch, đô thị, du lịch. Phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả là nền tảng gắn với phát triển công nghiệp chế biến; phát triển, năng lượng và xây dựng đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển thương mại, du lịch là mũi nhọn.
Bến Tre cũng cần tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó chú ý đẩy mạnh nông thôn mới, chuỗi giá trị nông sản nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung cho vùng nuôi tôm biển nổi tiếng; trung tâm cây trồng cho cả nước; nghiên cứu bảo tồn phát triển giống dừa chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm dừa, phấn đấu đưa Bến Tre trở thành “thủ phủ dừa” như chiến lược với giá trị gia tăng cao ngang tầm khu vực Đông Nam á và châu Á; phát triển hợp tác xã dừa. Nỗ lực thực hiện mục tiêu là cơ bản “ngọt hóa” tỉnh Bến Tre vào năm 2023.
Đối với công nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng sạch như gió, mặt trời, điện khí, sinh khối; công nghiệp dược - y sinh và các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn không gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, tỉnh cần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của với các sản phẩm du lịch phong phú, sáng tạo. Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, chú trọng đưa Bến Tre trở thành vùng nuôi tôm biển nổi tiếng. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thuận lợi, tránh chia cắt. Cần quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống địa phương.
Trước đó trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Nhà máy Điện gió số 5 Thạnh Hải, giai đoạn 1 tại ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Dự án Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải do Công ty Cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre làm chủ đầu tư. Dự án có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất 30MW khánh thành hôm nay. Giai đoạn 2 có công suất 90MW. Nhà máy điện gió số 5 bao gồm 4 nhà máy với tổng số 28 tua bin, mỗi nhà máy 7 tua bin với công suất mỗi tua bin đạt 4,2-4,5MW. Trong số đó, nhà máy Thạnh Hải 1 và một phần của Thạnh Hải 2 đang đưa vào hoạt động. Các nhà máy Thạnh Hải 3 và Thạnh Hải 4 sẽ hoàn thành trong quý 3 và 4. Với tổng công suất của các nhà máy đạt 120MW, sản lượng điện năng là 425 triệu KWh/năm.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước tới thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao – bền vững Bảy An 3 tại Trang trại CPF – combine khu 3,2 ha của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam tại ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre./
Theo VOV