Chiều 21/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các nhân sỹ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, giới văn nghệ sỹ...
Cho biết, lần đầu tiên gần 30 ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cùng tiếp xúc cử tri Thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các đại biểu các giới của Thành phố nêu những vấn đề thẳng thắn, chân thành, đóng góp vào những vấn đề quan trọng của TP.HCM và đất nước.
Lắng nghe ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các cử tri nêu nhiều vấn đề quan trọng của TP.HCM và đất nước, bao trùm cả tôn giáo, giáo dục đào tạo, kinh tế, văn hóa, môi trường, phòng chống tham nhũng. Không chỉ nêu tình hình mà các đại biểu còn nêu nhiều biện pháp, đề xuất cụ thể về giải quyết các nút thắt cho tình tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất hạ tầng TP.HCM; khắc phục tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện hiện nay; vấn đề chuyển đổi số; phát triển năng lượng sạch; giải pháp phát triển văn học nghệ thuật tại TP.HCM; phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Thành phố để phát triển; nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp…
Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mục tiêu 2045 đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển thu nhập cao là rất thách thức lớn, đòi hỏi sự chung tay, đoàn kết đóng góp từ mọi tầng lớp xã hội, từ nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo cũng như toàn thể đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, những đóng góp của “hiền tài” là đội ngũ sỹ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, văn nghệ sỹ, các dân tộc lại càng có ý nghĩa thiết thực. Gần đây nhất là thời điểm cao trào của Đại dịch Covid-19, nhiều cá nhân và tổ chức, những tình nguyện viên, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, những người thuộc các tôn giáo khác nhau,... đã đóng tiền bạc, thời gian, công sức, kinh nghiệm, hoạt động thiện nguyện và những sáng kiến thiết thực, kể cả những tác phẩm, những lời ca, tiếng hát, những phần cơm yêu thương, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho xã hội, bảo đảm công tác chống dịch, hỗ trợ người dân khó khăn. Những việc làm đó thể hiện tình thương yêu, lòng nhân ái, tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” đối với xã hội, đối với cộng đồng. Chúng ta đang đứng trước bước ngoặt phát triển, thời cơ, vận hội và những thách thức đều rất lớn, đan xen nhau, giai đoạn phát triển mới cần mô hình tăng trưởng mới, trí tuệ và chất xám và cả đồng thuận trong phát triển."
Về một số vấn đề cụ thể được nêu tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Đông A bày tỏ đồng tình với việc Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm minh các sai phạm trong lĩnh vực y tế, nhưng cũng nêu vấn đề nóng của ngành y tế hiện nay: "Nhân dân rất hoan nghênh cách xử lý nhanh và quyết đoán nên rất tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực mà Đảng đang tiến hành và cho thấy ko có vùng cấm. Mặt khác cử tri rất quan tâm tác động của vụ việc này đến ngành y, nhiều bệnh viện cơ sở y tế không dám mua trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm. Vấn đề xã hội hóa đã có quy định nhưng nay không còn phù hợp, không được sửa đổi kịp thời, do đó dễ dẫn đến sai phạm và ai cũng có thể dính đến sai phạm. Hệ quả là bệnh nhân và nhân dân bị chịu thiệt thòi. Vì vậy, việc xây dựng chính sách là quan trọng nhất cần bắt tay vào làm ngay."
Cho biết đây là nội dung cử tri Thành phố và cả nước quan tâm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Ngay bây giờ, đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế giáo dục, ổn định giá cả, khơi thông bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc, giải bài toán thiếu thuốc và các vật tư tiêu hao. Chính phủ phải nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc bất cập để triển khai đấu thầu, xây dựng hệ thống đấu thầu các sản phẩm liên quan sức khỏe, không để những thủ tục, mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Những tờ báo gần đây đã đăng, viện Pasteur của chúng ta không còn những vật phẩm y tế cần thiết để đảm bảo chuyên môn, nhiều bệnh viện thiếu thuốc thiếu vật tư y tế cần thiết để phục vụ cho người bệnh. Chúng tôi nghĩ rằng trong phạm vi trách nhiệm của mình, Thành phố Hồ Chí Minh chủ động tháo gỡ, bảo vệ sức khỏe nhân dân thành phố nói chung và rất nhiều tỉnh có bệnh nhân ở đây."
Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi cùng một số nghệ sĩ khác thì mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hơn đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật: "Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, văn học nghệ thuật là đầu tàu về kinh tế của cả nước với quy mô dân số lớn nhất nước nhưng nhưng thiết chế để làm nền tảng phát triển văn học nghệ thuật gần như vô cùng thiếu, yếu. Kiến nghị Đảng, Nhà nước tập trung đầu tư công là cơ bản đồng thời có chính sách kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước nhằm xây dựng thiết chế văn hóa xứng tầm, biểu tượng văn hóa của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có những ưu đãi về giá thuê đất, thuế. Có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát huy bảo vệ giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc, truyền thống."
Trao đổi về các nội dung này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm phát triển khoa học công nghệ, quan tâm đến phát triển văn học nghệ thuật: "Tiếp tục quan tâm đến nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo, cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thực hiện tốt tư tưởng, chủ trương đại đoàn kết dân tộc, phát huy khơi dậy mọi nguồn lực, phục vụ mục tiêu phát triển. Trong đó cần xây dựng một nền nghệ thuật vị nhân sinh, hiện diện rõ nét hơn, hiệu ứng tốt hơn trong việc phản ánh phục vụ tốt hơn đời sống người dân hiện nay. Làm sao trong cơ chế thị trường, bên cạnh đời sống văn hóa giải trí, giới văn nghệ sỹ chúng ta tiếp tục có tác phẩm lớn, tên tuổi văn nghệ sỹ lớn, đóng góp vào nền văn hóa nước nhà.
Vấn đề nuôi dưỡng tài năng, bảo vệ và tôn vinh tài năng phải được làm tốt hơn, sự bảo trợ cùa nhà nước phải được chuyển hóa thành đặt hàng, giá trị tương xứng, minh bạch, để vừa tạo thăng hoa, vừa tạo sức hút lan tỏa. Từ giáo sư cho đến nghệ sỹ ưu tú phát biểu đều nói mong muốn nhà nước có một cái xoay chuyển tình thế để văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ phục vụ thiết thực đời sống nhân dân."
Trước đó, trong sáng 21/6, tại TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ ĐBQH Đơn vị số 2 TP. HCM tiếp xúc cử tri Quận 1. Sau khi lắng nghe gần 20 ý kiến với hàng chục vấn đề quan tâm, Chủ tịch nước đã trực tiếp giải đáp và trao đổi với cử tri về các nội dung này. Chủ tịch nước yêu cầu Đoàn ĐBQH TP. HCM và UBND TP. HCM tiếp thu ý kiến cử tri, kịp thời giải quyết và kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng chính đáng của cử tri.
(Theo VOV.VN)