Sáng 16/10, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì Hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Mãi cho biết, phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM sau đại dịch là nhiệm vụ cấp bách và hết sức quan trọng.
Chủ tịch TP.HCM: Vừa kiểm soát dịch vừa phát triển kinh tế là hai vấn đề rất khó, cần nỗ lực để đạt được hiệu quả cao |
Theo ông Mãi, TP.HCM chưa bao giờ gặp khó khăn và gánh chịu sự tác động nặng nề của dịch bệnh như vừa qua.
Chủ tịch TP.HCM thông tin, tình hình dịch bệnh có thể nói đã cơ bản được kiểm soát, nhưng cũng đang diễn biến khá phức tạp. Do đó, TP vẫn phải nỗ lực nhiều hơn để phải vừa phòng, chống dịch vừa tính toán phục hồi kinh tế xã hội.
“Vừa phải kiểm soát dịch, vừa phải thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế là hai vấn đề quan trọng nhưng cũng rất khó. Do đó, UBND TP tổ chức hội thảo để các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học góp ý giúp TP có được những biện pháp, bước đi phù hợp”, ông Mãi chia sẻ.
Để làm được điều đó, Chủ tịch TP gợi ý hội thảo cần tập trung vào các vấn đề sau: Trước hết, cần đánh giá và nhận diện xu hướng dịch tác động thế nào đối với thế giới, với Việt Nam và với riêng TP.HCM.
Thứ hai, phải tính toán làm sao giữ vững được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vị trí của TP.HCM trong mối tương quan với khu vực và thế giới.
Thứ ba, thực hiện mục tiêu Nghị quyết mà đại hội Đảng bộ TP.HCM đề ra để giữ vững vị thế của TP.
Ông Mãi cũng nêu vấn đề, trong bối cảnh tác động của đại dịch, TP phải làm sao để thực hiện mục tiêu kép, phấn đấu đạt cao nhất. Trong đó, cần có điều chỉnh cần thiết, tận dụng thời cơ mới, động lực mới để phục hồi kinh tế.
Khôi phục những chuỗi sản xuất đổ gãy
Theo TS. Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM), tổng hợp từ các tham luận cho thấy, quy mô nền kinh tế thành phố chưa vận hành đến 50% trong tháng 9, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện, khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành so với tháng 8.
TP.HCM nỗ lực phục hồi kinh tế để lấy lại thương hiệu và danh tiếng của mình |
Đồng thời, các tham luận cũng nhận định tổn thất doanh nghiệp đang gặp phải làm họ rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản, nguy cơ nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Từ đó, trên cơ sở các dự báo xu hướng thương mại toàn cầu, định hướng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới để xác định những trụ cột cần có giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng, tập trung vào 2 mục tiêu:
Trước mắt là phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những đổ gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường.
Thứ hai, thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với Chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế. Trên cơ sở đó, đề ra những biện pháp trước mắt và những biện pháp căn cơ để giúp các doanh nghiệp tự phục hồi phát triển theo quan hệ thị trường và giúp người dân tự tạo ra sinh kế cho mình.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, cần tập trung vào nhóm giải pháp tức thời, ngắn hạn, giải pháp trung hạn cho giai đoạn 2022 - 2025; giải pháp cho giai đoạn sau 2025, trên cơ sở đánh giá tổng quan hiện trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa ở TP.HCM và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, danh tiếng và thương hiệu TP.HCM cũng đã bị tổn hại. Do vậy, một trong những giải pháp không thể không đề cập đến, đó là xây dựng thương hiệu thành phố trên cơ sở kết hợp các khía cạnh độc đáo của văn hóa và năng lực đổi mới, sáng tạo, văn minh, hiện đại, nghĩa tình để thu hút nhân tài và các nguồn lực đầu tư, tạo ra giá trị phù hợp với công chúng”, TS. Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Hồ Văn-Trần Chung
Chủ tịch Phan Văn Mãi: 'Tháng 11 TP.HCM vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường mới'
Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cho biết, tình hình cơ bản đang cải thiện, nhưng đến thời điểm này và cả tháng 11 cũng chưa thể nói TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới hoàn toàn.