Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/8, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự kiến chương trình kỳ họp 2 Quốc hội khóa XV với 2 phương án tổ chức kỳ họp.

3 phương án cho kỳ họp

Theo đó, phương án 1 là họp trực tuyến cả kỳ nếu tình hình dịch bệnh phức tạp. Phương án 2 họp trực tuyến kết hợp họp tập trung tại nhà Quốc hội. Cả 2 phương án kỳ họp kéo dài 17 ngày, khai mạc 20/10 và bế mạc vào ngày 10/11.

{keywords}
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì nên họp trực tuyến cả kỳ như phương án 2 đưa ra.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị chọn phương án kết hợp để đại biểu có cơ hội thảo luận, phát biểu chính kiến về các vấn đề quan trọng như Nghị quyết về dầu khí.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì cho rằng, cần phải xây dựng 3 phương án, tùy theo tình hình dịch bệnh chứ không nên đưa phương án 1 - 2 như dự kiến.

Theo ông Định, phương án 1 là phấn đấu kiểm soát tốt dịch bệnh và họp Quốc hội như bình thường, tập trung tại nhà Quốc hội, có khai mạc, chất vấn, truyền hình trực tiếp như bình thường.

Phương án 2 là khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn, một số địa phương đã tốt, thì kết hợp, vừa trực tuyến, vừa trực tiếp. Trong đó, phần họp trực tiếp sẽ dành cho các nội dung mật và chất vấn.

Phương án 3 theo ông Định là trong trường hợp tình hình dịch bệnh như hiện nay, thậm chí trầm trọng hơn thì họp trực tuyến toàn bộ.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Quang Thuấn cho biết, từ nay tới thời điểm khai mạc kỳ họp (20/10), Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh và sẽ tham mưu các biện pháp phòng chống dịch và có đề xuất cụ thể vào thời điểm gần sát kỳ họp.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Kết luận thảo luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, kỳ họp thứ 2 phải tốt hơn kỳ họp thứ nhất. Nội dung kỳ họp tập trung vào công tác lập pháp, xây dựng thể chế, phải hết sức coi trọng công tác này, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác này.

Về tổ chức, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc xây dựng vài phương án vừa bảo đảm thích nghi với điều kiện phòng chống dịch, vừa một bước cải tiến.

Trong đó, phương án 1 là kết họp họp trực tuyến và tập trung; phương án 2 là họp trực tuyến cả kỳ nếu dịch diễn biến phức tạp; phương án 3 là họp tập trung nếu dịch được kiểm soát tốt.

“Như vậy là chuẩn bị 3 phương án, trong đó phương án kết hợp được đưa lên hàng đầu”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chất vấn phải tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất là chống dịch

Góp ý về việc chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 2, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn, nếu dịch bệnh phức tạp thì để cho các bộ trưởng, cơ quan đầu ngành tập trung vào chống dịch.

"Bây giờ chất vấn thì các bộ trưởng cũng rất quan ngại về nội dung này. Tùy theo diễn biến của dịch bệnh thì nội dung chất vấn thì chúng ta cũng cân nhắc để ưu tiên cho chống dịch nhiều hơn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, nếu Bộ trưởng Y tế bận chống dịch thì có thể chọn các bộ trưởng "không bận" để chất vấn.

{keywords}
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lại nhấn mạnh, chất vấn cần phải tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất hiện nay là chống dịch.

"Tôi nghĩ các Bộ trưởng Y tế, Công an, Quốc phòng đang tập trung chống dịch cũng có thể được chất vấn. Nhất là trong bối cảnh Quốc hội vừa có Nghị quyết 30 giao quyền cho Chính phủ thì chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo ông, việc chọn những bộ trưởng không bận để chất vấn thì sẽ không đáp ứng được những vấn đề bức xúc nhất hiện nay.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tính toán thêm, nội dung thế nào, ai là người trả lời chất vấn.

“Đây là hoạt động bình thường của Quốc hội, chúng ta cần tích cực chuẩn bị, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, bức xúc hiện nay, những vấn đề đại sự mà cử tri nhân dân quan tâm… Bất kể ai cũng thế, không lấy lý do bận thế nọ, thế kia để không chất vấn thì không phải”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nội dung này sẽ quyết định sau vì còn liên quan đến kiến nghị, đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đánh giá về kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Kỳ họp rất thành công tốt đẹp, trên nhiều phương diện, cử tri nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá cao; khởi động tốt đẹp cho nhiệm kỳ mới”
Ông Huệ cũng khẳng định đến bây giờ có thể khẳng định kỳ họp an toàn tuyệt đối rồi.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc lại bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam và khẳng định, việc Quốc hội quyết định họp ngày 20 - 31/7 là kịp thời. Nếu sau ngày 31/7 thì không thể nào họp trực tiếp an toàn được.
“Đây là một quyết định rất đúng đắn được sự đồng ý của Bộ Chính trị. Dư luận xã hội rất hoan nghênh khi lúc đầu Quốc hội quyết định rút ngắn 5 ngày, trong kỳ họp rút thêm 3 ngày và chỉ diễn ra trong 9 ngày làm việc cả thứ 7, CN. Nhiều đồng chí nói là lịch sử chưa bao giờ Quốc hội họp ngày Chủ Nhật, đúng là tôi tham gia Quốc hội 2 khóa XIII, XIV chưa thấy khóa nào Quốc hội làm việc cả ngày Chủ Nhật”, ông Mẫn nhấn mạnh.
Ông dẫn lại báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương về dư luận xã hội đánh giá 91% đánh giá về thành công của bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp và riêng kỳ họp kiện toàn nhân sự đánh giá 72% cũng là tỉ lệ rất cao. Điều đó cho thấy sự đồng thuận của nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định chất lượng kỳ họp rất thành công, công tác nhân sự tập trung rất là cao. “Ít có kỳ họp nào nhân sự chủ chốt có 2 đồng chí 100%, thấp nhất cũng là 84%. Có thể nói nhân sự Quốc hội bầu trong kỳ họp thứ nhất rất tập trung”, ông Mẫn nói.
Nhắc đến Nghị quyết 30 của kỳ họp thứ Nhất đưa vào nội dung phòng chống dịch Covid-19, mở ra cơ chế cho Chính phủ điều hành trong hiện tại và tương lai, ông Trần Thanh Mẫn khẳng định đó cũng thành công của kỳ họp.
“Trong nhiều nguyên nhân thành công thì có sự phối hợp của Quốc hội với Chính phủ ngày càng tốt hơn, thể hiện chính kiến rõ ràng như Chủ tịch Quốc hội nói: “Càng phức tạp, càng khó khăn, càng công khai minh bạch”. Đồng thuận nhưng phải nói là có chính kiến, có thể hiện được nguyên tắc của Quốc hội”,  Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Thu Hằng 

Quyết định chưa có tiền lệ của Quốc hội, Chính phủ trong phòng chống dịch

Quyết định chưa có tiền lệ của Quốc hội, Chính phủ trong phòng chống dịch

Các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 nếu chậm một ngày là có thể sẽ có thêm rất nhiều người dân bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.