Sáng nay (13/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách TƯ giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, ngành TƯ và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho các bộ, ngành địa phương thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (50.000 tỷ đồng); Chương trình giảm nghèo bền vững 18.000 tỷ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới 27.000 tỷ đồng.

Chủ nhiệm UB Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Quốc hội

Với 50.000 tỷ đồng của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ đề nghị phân bổ 2.942 tỷ cho các bộ, cơ quan TƯ thực hiện một số nhiệm vụ; 47.057 tỷ cho các địa phương thực hiện các tiểu dự án thành phần thuộc chương trình.

Với 18.000 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo bền vững, Chính phủ đề nghị phân bổ 96 tỷ đồng cho Bộ LĐ-TB-XH thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin; 17.904 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện các nội dung của chương trình.

Với 27.000 tỷ đồng của Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ phân bổ hết cho các địa phương.

Còn lại 5.000 tỷ đồng, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lại cho Chính phủ phân bổ chi tiết.

Trong năm 2022, Chính phủ đề xuất chỉ phân bổ 33.384 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách TƯ, còn lại 665 tỷ đồng giao Chính phủ quyết định.

Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm UB Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, về phân bổ vốn cho các địa phương, đa số ý kiến UB cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu này.

Đa số ý kiến UB nhất trí với Chính phủ về phân bổ vốn cho các bộ, cơ quan TƯ để thực hiện đồng bộ với các địa phương khẩn trương triển khai chương trình, tránh kéo dài sự chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Về kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quyết định phân bổ chi tiết số vốn 5.000 tỷ đồng chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương, UB Tài chính, Ngân sách cho rằng, thẩm quyền phân bổ dự toán NSNN thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do tình hình dịch bệnh và tính chất cấp bách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội đã ủy quyền giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ sở pháp lý để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Cho ý kiến, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu, các Nghị quyết của Quốc hội đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được ban hành cách đây 1,5 năm nhưng tới nay Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành vẫn loay hoay chưa giải ngân được.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quốc hội

Ông cho rằng, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá giải trình nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan liên quan việc này.

“Chậm ở đâu, bộ ngành nào, phải có báo cáo Quốc hội. Bây giờ không nói chung mà phải có địa chỉ”, ông Mẫn nói.

Ông Mẫn cũng đề nghị, việc phân bổ chi tiết cho các dự án thuộc chương trình phải trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải.

“Dự án có vài tỷ, vài chục tỷ thì không giải quyết vấn đề gì. Chỗ nào thực sự khó khăn, cần thiết phải đầu tư”, ông Mẫn lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm khi chỉ có 5 năm để thực hiện nhưng hiện nay đã hết 1,5 năm vẫn loay hoay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội

Theo ông Huệ, đây cũng là lý do mà tại kỳ họp thứ 3 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chọn vấn đề thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia để giám sát tối cao trong năm 2023.

Đối với các đề xuất phân bổ vốn của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay đã chậm thì phải làm nhanh hơn, song cũng phải đúng mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng tình với đề nghị để lại 5.000 tỷ đồng để Chính phủ tự phân bổ.

“Đề nghị Chính phủ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo nghị quyết, không có phân cấp, ủy quyền”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng không đồng tình việc phân bổ 2.942 tỷ cho các bộ, cơ quan TƯ thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vì nội hàm chưa rõ và chưa được giải thích đầy đủ.

“Vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu địa phương, còn các bộ, ngành thì chức năng quản lý nhà nước đã được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên, vốn đầu tư công cũng đã bố trí. Không thể lấy đầu tư công cho chương trình mục tiêu quốc gia này làm đầu tư công cho các bộ, ngành, trừ trường hợp đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.  

Với phân bổ vốn Chương trình giảm nghèo bền vững 18.000 tỷ, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ vì sao việc phân bổ chỉ tập trung vào vào dự án 1 (Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo) và dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững) trong khi có đến 7 tiểu dự án.

Đối với việc phân bổ số vốn 2022, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cái nào rõ thì chấp nhận, cái nào chưa rõ, chưa đúng tinh thần Nghị quyết thì đề nghị Chính phủ rà soát lại và có thể xem xét sau.

“Không vì tiến độ mà quyết định những cái không đúng với nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội thì ra Quốc hội sẽ bị phê bình là Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm không hết trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Hương Quỳnh

Phân bổ nguồn vốn đảm bảo công bằng nhưng không cào bằng

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc phân bổ nguồn vốn sẽ hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng.