Thế Giới Di Động đã mở được vài trăm cửa hàng Bách hoá Xanh ở các quận huyện vùng ven TP.HCM. Lĩnh vực kinh doanh này khá mới mẻ khi Thế Giới Di Động chỉ được biết đến nhiều trong lĩnh vực điện thoại, điện máy.
Trong cuộc họp với các nhà đầu tư và môi giới chứng khoán tại TP.HCM hôm 8/2, một nhà phân tích hỏi ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập và Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cách nào để giáo dục thị trường, định hướng người dùng làm quen với các chuỗi mua sắm hiện đại như Bách hoá Xanh. Cụm từ “giáo dục thị trường" được dùng rất nhiều khi một công ty muốn tung ra sản phẩm, dịch vụ mới mà người dùng chưa quen với việc sử dụng nó.
“Người tiêu dùng không phải là một đối tượng mà mình có thể định hướng, có thể giáo dục”, ông Tài đáp.
“Mình chỉ làm được một việc thôi, đó là lắng nghe nhu cầu người dùng và thị trường. Giỏi hơn một chút là đón đầu được nhu cầu sẽ dịch chuyển về hướng nào và làm mọi thứ để bắt nhịp được với nó. Đó là một nỗ lực không tưởng. Còn chuyện thay đổi thị trường tôi không tin rằng mình làm được", ông Tài tiếp tục.
Thế Giới Di Động bắt đầu mở Bách hoá Xanh từ cuối năm 2015, chuỗi cửa hàng trái ngành đầu tiên của công ty. Ban đầu các cửa hàng được mở ở Bình Tân, Tân Phú - những quận vùng ven TP.HCM để thử nghiệm. Đến nay chuỗi này có 321 cửa hàng, dự kiến mở khoảng 1.000 cửa hàng trong năm nay với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Bách hoá Xanh, tương tự các cửa hàng như Co.op Foods hay Satrafoods, chuyên bán rau củ quả, đồ tươi sống, đồ khô, nước giải khát,...
Để thu hút người mua đến Bách hoá Xanh, nhà phân tích nói trên cho rằng cần có chiến dịch giáo dục người dùng.
“Bách hoá Xanh không có ý định giáo dục người tiêu dùng mà sẽ nỗ lực tạo ta một môi trường mua sắm, một phương thức mua sắm hiện đại hơn chợ truyền thống, thú vị hơn cửa hàng bách hoá”, ông Tài lý giải.
Bách hoá Xanh, theo ông Tài, mở ra không phải để thay thế chợ truyền thống hay cửa hàng bách hoá mà chỉ cung cấp phương thức mua sắm bổ sung.
“Tôi cho rằng Bách hóa Xanh hiện nay chưa hoàn hảo nhưng đã thực hiện được mục tiêu trên. So với một cửa hàng truyền thống có khoảng 100 đến 150 mặt hàng thì Bách hóa Xanh có khoảng 1.500 mặt hàng, đa dạng hơn nhiều. Cửa hàng tạp hóa không có đồ tươi sống nhưng Bách hoá Xanh thì có. Hàng hoá bài trí khoa học cho khách tự chọn lựa, máy lạnh mát mẻ. Như vậy khi khách hàng so sánh Bách hóa Xanh với một tiệm tạp hóa truyền thống thì họ thấy rằng đi Bách hóa Xanh sẽ sướng hơn, hàng phong phú hơn, thậm chí có nhiều mặt hàng rẻ hơn”.
“So với chợ truyền thống thì mặt hàng tươi sống của Bách hóa Xanh không bao giờ bằng. Bạn muốn mua món đặc biệt như móng heo hoặc tai heo thì phải ra chợ, nhưng nếu muốn mua thịt ba chỉ, thịt sườn thì Bách hoá Xanh có. Nói chung những mặt hàng mang lại 80% doanh thu thì Bách hóa Xanh đều có”, ông Tài khẳng định.
“Chúng tôi mở chuỗi này với mong muốn một tháng 20 ngày bạn mua đồ ở đây vẫn đảm bảo đồ ăn đa dạng, 10 ngày còn lại có thể đi chợ hay siêu thị", ông Tài nói.
Mở cửa hàng đầu tiên vào cuối năm 2015, năm 2016 Thế Giới Di Động vẫn khá dè dặt khi mở mới chuỗi này, vì phải đi tìm “công thức thành công" - như lời ông Tài và ông Trần Kinh Doanh - CEO Thế Giới Di Động trực tiếp chịu trách nhiệm Bách hoá Xanh hay nói. Các cửa hàng bắt đầu mở nhiều hơn trong năm 2017, mở rộng từ Bình Tân, Tân Phú sang Tân Bình, Hóc Môn,... đến nay đạt 321 cửa hàng. Mục tiêu Thế Giới Di Động mở khoảng 1.000 cửa hàng trong năm nay và mở 5.000-6.000 cửa hàng trong 5 năm tới.
Trong bối cảnh hàng điện máy và điện thoại đã bão hoà, chuỗi Bách hoá Xanh đóng vai trò động lực tăng trưởng cho Thế Giới Di Động những năm tiếp theo.
“Năm 2018 Thế Giới Di Động sẽ tập trung phát triển chuỗi Bách hoá Xanh", ông Tài phát biểu.
Hiện chỉ một số ít cửa hàng bách hóa này hoà vốn, phần còn lại vẫn đang được hai “đàn anh” Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh bơm vốn. Tuy vậy, trong 5 năm tới chuỗi này có thể góp tới 50% doanh thu của cả tập đoàn.
Các cửa hàng Bách hoá Xanh hiện mở theo quy tắc mỗi cửa hàng cách nhau 800 mét, bề ngang rộng khoảng 12 mét. Sau khi mở thành công tại TP.HCM, ông Tài cho biết chuỗi này sẽ mở ở các thành phố có môi trường kinh doanh tương tự như Hà Nội, Đà Nẵng trước khi nghĩ đến việc mở rộng ra toàn quốc. Mục tiêu Bách hoá Xanh có thể chiếm 40% thị phần ở mảng kinh doanh của họ.