Nghị định số 66 được Chính phủ ban hành năm 2021 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Nghị định quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và công trình đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng quan trọng.

Nghị định nêu rõ thẩm quyền và trình tự công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Chuyên gia Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Cục Địa chất Việt Nam) đến Đắk Nông tìm nguyên nhân sạt lở đất. Ảnh: Báo Đắk Nông

Rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp tăng dần về mức độ rủi ro.

Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ công bố tình huống khẩn cấp đối với công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp thiên tai nghiêm trọng diện rộng, vượt khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả của bộ ngành, địa phương, Thủ tướng sẽ xem xét, ban hành tình huống khẩn cấp.

Ở cấp độ 1, Chủ tịch UBND cấp xã được phân cấp, phân công trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền trong trường hợp thiên tai cấp độ 1 xảy ra trong phạm vi từ hai xã trở lên hoặc khi nhận được yêu cầu trợ giúp của Chủ tịch cấp xã.

Ở cấp độ 2, Chủ tịch UBND cấp tỉnh được phân cấp, phân công chỉ huy các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai ứng phó thiên tai.

Ở cấp độ 3, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai biện pháp ứng phó thiên tai.

Ở cấp độ 4, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương liên quan triển khai biện pháp ứng phó.

Trường hợp thiên tai vượt cấp độ 4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai báo cáo Thủ tướng đề nghị Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Tại Hà Nội, sáng 4/8, lũ quét tại xóm Ban Tiện, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Thế Bằng

UBND tỉnh Đắk Nông ngày 8/8 đã ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp, như vậy tình trạng rủi ro thiên tai ở Đắk Nông đang là cấp 2. Từ cuối tháng 7 đến 6/8, tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài. Hôm 1/8, thân đập và xung quanh hồ chứa nước Đăk N'Ting xuất hiện nhiều vết nứt và chưa dừng lại.

Mưa lũ cũng gây sạt trượt dài cho một số xã trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân.

Từ đầu tháng 7, sạt lở đất, lũ quét xảy ra tại nhiều nơi, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của người dân. Nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng hư hại, gây bất an trong nhân dân, nhất là ở Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, ĐBSCL.

Ngày 8/8, Thủ tướng cũng ra công điện yêu cầu chủ tịch tỉnh, thành khẩn trương có giải pháp cấp bách bảo vệ an toàn người dân tại khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.

Chủ tịch các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của người dân.

Thủ tướng đã giao Bộ TN&MT huy động nhà khoa học đánh giá cụ thể nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại Tây Nguyên. Bộ NN&PTNT kiểm tra hồ đập đã xảy ra sự cố trong mưa lũ vừa qua như hồ Đăk N'Ting.

Trần Văn Thường, Đào Văn Cảnh, Phùng Thu Thủy, Trần Thị Huệ