Ngày 15/12, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

Với thông tin được công bố, dư luận rất quan tâm về kết quả lấy phiếu tín nhiệm với ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khi có số phiếu tín nhiệm thấp lên tới 53,19%, trong khi số phiếu tín nhiệm cao là 40,43% và số phiếu tín nhiệm là 4,26%.

Sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, khá nhiều ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong nhiệm kỳ ông Lê Duy Thành giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.

Về nội dung này, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, vào 10h30 sáng 14/12, ông Thành đã thay mặt UBND tỉnh báo cáo trước toàn thể đại biểu HĐND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và các mặt công tác của tỉnh Vĩnh Phúc. 

VietNamNet trích lược một số nội dung trong bài phát biểu của ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc:

Mở đầu bài phát biểu, ông Lê Duy Thành nhìn nhận: 2023 là năm rất khó khăn, khó khăn của cả nước và đặc biệt khó khăn đối với tỉnh Vĩnh Phúc. Khó khăn trên, theo người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sẽ kéo dài sang năm 2024. 

"Các doanh nghiệp chủ lực và những mặt hàng chủ lực của Vĩnh Phúc - điều đã từng tạo nên thay đổi của Vĩnh Phúc trong 25 năm qua hiện nay đang giảm một cách đáng kể. Cụ thể, sản lượng ô tô thì giảm tới 34%, sản lượng xe máy giảm tới 23%", ông Thành viện dẫn số liệu.

Mặc dù vậy, theo ông Thành, việc sụt giảm nêu trên là tình trạng chung và Vĩnh Phúc không phải là trường hợp cá biệt, thậm chí so với một số tỉnh có điểm tương đồng thì tỉnh Vĩnh Phúc có tăng ở mức nhẹ còn các tỉnh giảm sâu.

Ông Thành dẫn chứng: Năm 2023 các tỉnh lân cận như Bắc Ninh sản xuất linh kiện điện tử giảm sâu dẫn đến tăng trưởng giảm gần 10%, tuy nhiên tỉnh Vĩnh Phúc vẫn có tăng trưởng ở khu vực này, nhưng mức tăng thấp, chỉ đạt hơn 7%; chính vì các ngành mũi nhọn gặp khó khăn dẫn đến tăng trưởng chung của tỉnh chưa đạt kỳ vọng.

Mặc dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, ông Lê Duy Thành khẳng định trước các đại biểu HĐND rằng: "Tỉnh Vĩnh Phúc vẫn giữ được một vị thế của một tỉnh phát triển. Trong đó có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt".

0b4b16249123397d6032-1.jpg
Ông Lê Duy Thành phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh sáng 14/12. Ảnh: Vinhphuc.gov.vn 

Trong bài phát biểu, ông Thành đặc biệt lưu ý đến việc Vĩnh Phúc là một trong 30 tỉnh không đạt dự toán thu ngân sách năm. Mặc dù vậy, Vĩnh Phúc là một trong tám tỉnh có số ngân sách cao nhất, đồng thời cơ cấu thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm trên 80% tổng thu của tỉnh, khẳng định nguồn thu rất ổn định và bền vững.

"Từ nay (14/12-PV) cho đến 31/12 chúng tôi vẫn đang dồn hết sức để tập trung khai thác hết tất cả các nguồn thu từ đất, từ hải quan, từ đấu giá và các nguồn thu khác... dù khó khăn nhưng UBND tỉnh sẽ cố gắng cao nhất hoàn thành được chỉ tiêu thu ngân sách, đảm bảo cân đối cho năm 2024", ông Thành nêu. 

Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung, người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thu nhập bình quân đầu người thì tỉnh vẫn cao hơn 1,3 - 1,4 lần so với bình quân của chung của cả nước. Từ một tỉnh nghèo, sau 26 năm tái lập tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo của Vĩnh Phúc đến nay ở mức 0,61%.

Đề cập đến ba chỉ số phản ánh chất lượng điều hành của UBND tỉnh, ông Thành cho biết, chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh), PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công), PaRindex (cải cách hành chính) đều nằm trong tốp 10 toàn quốc. Đặc biệt chỉ số về phòng, chống tham nhũng của Vĩnh Phúc được các cơ quan chức năng xếp thứ 1. 

Đề cập đến nội dung thu hút đầu tư, năm 2023 tỉnh thu hút được trên nửa tỷ USD trong bối cảnh rất khó khăn (tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch). Theo ông Thành, "Vĩnh Phúc chính thức hoàn thành chỉ tiêu cả nhiệm kỳ về thu hút đầu tư (mục tiêu của nhiệm kỳ là từ 2 đến 2,5 tỷ USD, đến nay đã đạt 2,2 tỷ USD". Về thu hút đầu tư trong nước, năm 2023 tỉnh đạt 20,65 nghìn tỷ đồng (tăng 67% so với năm 2022). 

Xác định mục tiêu là tỉnh công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tỉnh đã chuẩn bị hạ tầng từ sớm để đón đầu các doanh nghiệp lớn. Một trong số đó là phát triển hạ tầng khu công nghiệp. 

"Về phát triển khu, cụm công nghiệp, báo cáo các đại biểu HĐND, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Vĩnh Phúc hoàn thành và phê duyệt được nhiều khu công nghiệp nhất, đó là 7 khu công nghiệp với tổng diện tích là 1.250 ha (25 năm tái lập tỉnh tỉnh phê duyệt được 8 khu công nghiệp với diện tích 800ha). Từ năm 2021 đến nay đã giải phóng mặt bằng được 816 ha", ông Thành nêu.

Đáng chú ý, báo cáo tại kỳ họp, ông Lê Duy Thành cho rằng, trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc có tốc độ phát triển kinh tế vượt trội, tỉnh đã tập trung giải quyết vấn đề an sinh, đảm bảo quyền thụ hưởng của người dân từ thành quả của sự phát triển chung.

Đề cập đến nội dung "người dân thụ hưởng", ông Thành trình bày về việc đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nâng cao. Điều dễ nhận thấy nhất theo ông Thành là việc sinh hoạt văn hóa của người dân được hồi sinh và duy trì, phát triển mạnh mẽ.

"Từ 17h đến 22h tại các nhà văn hóa thôn hiện nay tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, ở đó người dân tham gia say sưa. Khi chứng kiến hình ảnh này, là người được dân bầu làm đại biểu HĐND chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc", ông Thành nói. 

Đề cập về các vấn đề an sinh xã hội, ông Lê Duy Thành cho biết, trong nhiệm kỳ này an sinh xã hội sẽ được chi và tăng rất cao. Năm 2022 và 2023 tổng chi sự nghiệp liên quan đến an sinh xã hội có mức tăng rõ rệt từ 9.108 tỷ đồng (năm 2022) lên 11.797 tỷ đồng (năm 2023). Đặc biệt, chi cho văn hóa năm 2023 tăng gấp đôi năm trước từ mốc 390 tỷ đồng lên 656 tỷ đồng. 

"Riêng chi cho an sinh xã hội, những năm của nhiệm kỳ trước Vĩnh Phúc bình quân chi khoảng 20 tỷ đồng/năm thì riêng năm 2022 tỉnh chi tới 743 tỷ đồng", ông Thành nói và cho biết, những mức chi nêu trên là "chi cho con người". 

Về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo trước HĐND tỉnh, ông Lê Duy Thành cho rằng, nhiệm kỳ này đã được giải quyết với tốc độ nhanh chóng. Thay vì "tiếp dân đến 21h đêm" như thời gian trước thì nay có thời điểm tiếp dân đến 10h sáng là hết các đoàn. 

"Trong 53 vụ việc lớn, tỉnh đã giải quyết được 44 vụ. Có vụ lớn nhất kéo dài 25 năm đã giải quyết được bằng cách hòa giải các bên với nhau", ông Thành nêu tại kỳ họp. 

Ngoài ra, khi đề cập đến các lĩnh vực giáo dục, du lịch, môi trường, y tế đời sống nông thôn... ông Lê Duy Thành nhắc đến những điểm khởi sắc và cũng chỉ ra những tồn tại nhất định cần tháo gỡ.

Trong bài phát biểu trước HĐND tỉnh, ông Thành đề cập đến các nguyên nhân của những tồn tại tỉnh đang đối mặt. Trong đó, ông đề cập nguyên nhân khách quan và chủ quan.

"Đầu tiên là nhận thức của các cấp, các ngành chưa thật sự tốt. Hai là sự đồng thuận của hệ thống chính trị chưa cao", ông Lê Duy Thành nêu 2 nguyên nhân và dẫn chứng những ví dụ cụ thể từ thực tiễn. 

Kết thúc bài phát biểu, ông Thành cho rằng, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Vĩnh Phúc đã đạt được thành tựu quan trọng và đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Theo ông Thành, "mang lại hạnh phúc cho dân" là điều "không có gì hạnh phúc hơn".  Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc kì vọng với sự đồng thuận trong nhân dân và bộ máy lãnh đạo sáng suốt sẽ giúp tỉnh vượt qua những khó khăn thời gian tới, đặc biệt là năm 2024.

Nhóm PV Thời sự