Thông tin từ Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, ngày 10/3/2016, đã diễn ra lễ công bố Quyết định thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu, có quyền quyết nghị các vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng liên quan tới các hoạt động và sự phát triển của trường. Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng trường  Đại học Bách khoa Hà Nội gồm có 19 thành viên. PGS. Lê Minh Thắng, Giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học kiêm Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Đáng chú ý, bên cạnh 14 thành viên là cán bộ, viên chức đồng thời là giảng viên của trường, Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn có sự tham gia của một số lãnh đạo cấp Vụ thuộc Bộ GD&ĐT và các doanh nghiệp lớn. Cụ thể, Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 5 thành viên bên ngoài, không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của trường, bao gồm: ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT; ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và ông Lê Tiến Trường, Tổng giámđốc Tập đoàn Dệt - May Việt Nam.

Theo Điều lệ trường Đại học được ban hành ngày 10/2/2014 và có hiệu lực từ ngày 30/1/2015, Hội đồng trường được thành lập theo quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục đại học, với các nhiệm vụ và quyền hạn như: Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo, giải  trình với cơ quan trực tiếp quản lý trường, cơ quan quản lý nhà nước về các điều kiện dảm bảo chất lượng, các kết quả hoạt động, việc thực hiện các cam kết và tài chính của trường; Kiến nghị cơ quan có thẩm  quyền thông qua phương án bổ sung, miễn nhiệm hoặc thay thế các thành viên của Hội đồng trường; Thông qua các quy định về số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng của trường.

Bên cạnh đó, Hội đồng trường cũng có các nhiệm vụ, quyền hạn: giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định; thực hiện đánh giá hàng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết; yêu cầu hiệu trưởng giải trình về những vấn đề chưa thực hiện đúng, chưa được  thực hiện đầy đủ theo nghị quyết của hội đồng trường (nếu có). Nếu Hội đồng trường không đồng ý với giải trình của hiệu trường thì báo cáo cơ quan trực  tiếp quản lý trường.

Cũng theo Điều lệ trường đại học, số lượng thành viên bên ngoài, không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của trường phải chiếm không dưới 20% tổng số thành viên của Hội đồng trường. Thành viên bên ngoài phải đáp ứng các yêu cầu: đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của trường và không phải là người có quan hệ bố mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột với các thành viên khác trong Hội đồng trường.