Hồi đầu năm, ông bày tỏ khát vọng đưa VNPT về vị trí số 1? Vậy khát vọng đó khả thi hay không thưa ông?

Các chỉ số kinh doanh của VNPT đang tăng trưởng tốt, tại nhiều tỉnh, thành phố, chỉ số kinh tế vượt 30% so với cùng kỳ mặc dù trong bối cảnh mạng lưới đang ở giai đoạn mở rộng. Vậy khi mạng lưới đủ thì tăng trưởng rất nhanh, với tốc độ thế này thì những mục tiêu chiến lược mà VNPT đặt ra sẽ khả thi. Chúng tôi nghĩ là với đà tăng trưởng và phát triển như vậy thì chỉ khoảng 1 năm nữa thôi, VinaPhone sẽ là nhà mạng số 2.

Quan điểm của VNPT là trước tiên cần nhìn vào tồn tại, yếu kém của mình để khắc phục, nhìn ra thế giới để học hỏi và phát triển - đi tắt đón đầu các công nghệ mới nhằm tạo sự đột phá về năng lực cạnh tranh - và quan trọng nhất là phải phát triển bền vững.

Trong việc thực hiện các chiến lược đó của VNPT, Tổng công ty VNPT-VinaPhone sẽ đóng vai trò gì trong Tập đoàn?

VNPT-VinaPhone là Tổng công ty của gần 1,5 vạn “chiến binh”, là đơn vị chủ lực của VNPT. Đằng sau những “chiến binh” này là một đội quân hạ tầng có trách nhiệm yểm trợ tối đa. Các "chiến binh" được tổ chức thành một đội quân thông suốt từ Trung ương đến địa phương và việc thắng trận phụ thuộc vào họ. Hiện nay, VNPT đã thay đổi quan điểm là bán hàng phải đi trước, kỹ thuật theo sau, kỹ thuật phải phục vụ kinh doanh.

Tái cơ cấu là một cuộc cách mạng chưa từng có đối với VNPT và việc này cũng gây áp lực lên những người cầm lái "con thuyền VNPT". Vậy áp lực đã đặt lên vai người đứng đầu VNPT như thế nào thưa ông?

Áp lực lớn đối với tôi khi tiến hành tái cơ cấu VNPT là làm sao thuyết phục được 4,2 vạn người lao động hiểu được tầm quan trọng của tái cơ cấu. Rất may mắn là trong sâu thẳm của mỗi người VNPT đều muốn thay đổi. vậy phải làm sao để họ nhìn thấy được lãnh đạo quyết tâm thay đổi toàn diện triệt để. Nếu lãnh đạo có niềm tin và quyết tâm thì người lao động sẽ nghe theo, nhưng nếu người lãnh đạo không dành tâm huyết và quyết tâm tái cơ cấu thì người lao động cũng không yên tâm.

Khi tái cơ cấu thì Tập đoàn có thay đổi chiến lược rất rõ ràng, ưu tiên thay đổi tại 63 tỉnh, thành phố trước sau đó mới đến các công ty dọc và Tập đoàn, tránh thay đổi cùng một lúc cả hai cấp dễ rối loạn hệ thống điều hành, ảnh hưởng đến khách hàng. Tập đoàn đã ban hành cơ chế quản trị doanh nghiệp hiện đại, tạo quyền tự chủ cho cấp dưới đảm bảo sự thống nhất trong các hoạt động, không bị chồng chéo.

Mới đây, VNPT đã thành lập 3 Tổng công ty là VNPT VinaPhone, VNPT Net và VNPT Media để thực hiện chiến lược “chuyên biệt”. Thế nhưng, làm sao để 3 Tổng công ty này có thế phối hợp với nhau, phát huy sức mạnh?

Thứ nhất tôi phải khẳng định, việc thành lập 3 Tổng công ty chuyên biệt thì năng suất lao động bao giờ cũng cao hơn. Nhưng khi chuyên biệt hóa càng cao thì câu chuyện phối hợp giữa các công đoạn là rất quan trọng.

Mô hình mới của VNPT được thiết kế các mối liên kết trực tiếp các lớp với nhau: theo địa bàn và theo khu vực, theo Tổng công ty của 2 khối Kinh doanh và Kỹ thuật để giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian cung cấp dịch vụ. Tập đoàn giám sát toàn bộ quy trình đó thông qua hệ thống CNTT kiểm soát toàn bộ hệ thống SX-KD của Tập đoàn. Hệ thống CNTT sẽ đưa ra các thông số KPI đánh giá chất lượng công việc của nhân viên 2 khối Kinh doanh và Kỹ thuật. Thông số KPI được dùng để xác định kết quả, phân phối thu nhập của nhân viên 2 khối. Tại một địa bàn tỉnh, thành phố, các chỉ tiêu kinh tế: doanh thu, phát triển thuê bao được giao chung cho cả 2 khối. Như vậy, tại các địa phương khối kinh doanh và kỹ thuật sẽ “ngồi chung một thuyền” cùng mục tiêu phấn đấu để phát triển thuê bao và doanh thu.

Với vai trò người đứng đầu VNPT, ông có lời hiệu triệu nhắn nhủ gì đối với cán bộ, nhân viên của mình nhân dịp ngày truyền thống ngành Bưu điện?

Tôi muốn nói đơn giản thế này thôi vì VNPT có slogan là “Cuộc sống đích thực” nên mình phải nói thật làm thật, đã hứa với khách hàng thì phải thực hiện cho bằng được. Nói thật làm thật để khách hàng hiểu mình, quý mến mình và sẽ gắn bó với mình hơn.

Cảm ơn ông!