Trại cá của anh Phan Danh Định (SN 1986, trú thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) rộng hơn 3ha. Anh Định kể, năm 2009 anh xuất ngũ, trở về quê hương nối nghiệp bố mẹ tiếp tục làm kinh tế tổng hợp. Nhờ quỹ đất rộng lớn của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư hơn 120 triệu đồng để làm chuồng chăn nuôi và đào ao thả cá.
Cùng với việc nuôi cá trong ao, anh Định còn chú trọng nuôi lợn, quy mô 350 con/lứa, với 2,5 lứa/năm. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm bò, dê,... Nhờ chăn nuôi tốt, anh Định có nguồn thu nhập ổn định, mỗi năm lãi từ 200-300 triệu đồng.
Đầu năm 2018, khi giá lợn hơi sụt giảm, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện, anh chuyển đổi sang độc canh nuôi cá. Tận dụng hệ thống chuồng lợn, anh Định cải tạo thành 20 bể ươm cá giống, sửa sang lại ao hồ để thả cá giống và cá thịt nước ngọt.
Năm 2019, anh thành lập Công ty TNHH Thủy sản Thái Định. Mỗi năm, công ty xuất bán ra thị trường hàng chục tấn cá thịt như cá diêu hồng, cá lóc nhím và gần 60 vạn cá giống các loại. Tổng doanh thu lên tới vài tỷ đồng.
Ngỡ như thành công đã mỉm cười thì “đại nạn” ập đến. Trận lũ lụt lịch sử năm 2020 khiến anh trắng tay chỉ sau một đêm.
“Do chủ quan nên tôi không có biện pháp đề phòng, bảo vệ các ao cá. Khi mực nước dâng lên quá nhanh, hàng chục tấn cá chưa kịp thu hoạch tại các ao theo dòng lũ trôi hết. Gia đình gần như mất tất cả”, anh Định nhớ lại.
Những tháng cuối năm 2020, anh rơi vào bế tắc, mất phương hướng vì “bể trận” làm ăn. Nhờ sự động viên của gia đình, đầu năm 2021, anh Định bắt đầu hành trình tái lập nghiệp, gây dựng lại cơ đồ.
Với quyết tâm cao, anh cầm cố sổ đỏ, vay ngân hàng hơn 3 tỷ đồng làm các hạng mục nâng nền, sửa lại hệ thống ao hồ, mua sắm thêm hệ thống máy bơm, con giống để tiếp tục nuôi cá giống và cá thịt nước ngọt.
Trên diện tích hơn 3ha, anh đã chia thành 5 ao cá (4 ao cá giống, 1 ao cá thịt), diện tích mỗi ao từ 3.000m2 đến 1 hecta. Với cá giống, anh thả hơn 1 tấn cá/ao và cá thịt là 30 tấn cá/ao.
Rút kinh nghiệm từ lần trước, anh gia cố lại các ao, nâng cao hệ thống bờ, lắp đặt máy bơm thoát nước công suất lớn.
Để đạt năng suất cao, giống cá tại trang trại đều được tuyển chọn kĩ lưỡng; giống cá rô được nhập trứng từ miền Bắc và giống cá lóc, cá trắm,... được nhập từ miền Nam. Với những giống cá nhập trứng, anh Định cho ấp tại các bể ươm, sau 2 ngày trứng nở cho thả tại các hồ chăm sóc theo quy trình.
Anh Định chia sẻ, giống cá được thả tại ao đều là những dòng dễ nuôi, được người tiêu dùng ưa chuộng như cá trắm, cá trôi, cá mè, cá rô, cá lóc,...
Với cá giống, từ khi thả đến khi xuất bán chu kì khoảng một tháng, cân nặng dưới 500 gam tùy nhu cầu khách hàng. Còn với cá thịt chu kì dài hơn, từ 8-9 tháng, mỗi con khi thu hoạch nặng từ 1-4kg tùy loại.
Được khách hàng tin tưởng, anh Định đẩy mạnh phát triển cá giống với đa dạng chủng loại, cân nặng. Không chỉ cung cấp trong tỉnh, con giống của trang trại còn được khách hàng Quảng Bình đặt mua thường xuyên với số lượng lớn.
Mỗi năm, trang trại cá cho thu hoạch hơn 30 tấn cá thịt và hàng chục vạn con cá giống các loại. Với cá thịt, giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg và cá giống từ 1.000-3.000 đồng/con, trừ hết chi phí, anh thu về ước hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, trang trại còn tạo việc làm cho 4 nhân công địa phương, mức lương 9 triệu đồng/tháng mỗi người.
Thời gian này, anh Định đang tất bật chuẩn bị hơn 20 vạn cá giống theo đơn đặt hàng của các hộ dân địa phương và tiến hành tát cạn, vệ sinh một ao cá giống để thả nuôi ếch thử nghiệm. Nếu ếch mang lại thu nhập ổn định, anh sẽ triển khai thả nuôi trên ao lớn nhằm đa dạng hóa con giống.
“Mô hình của anh Phan Danh Định là một trong những mô hình kinh tế chủ lực của địa phương. Đây không chỉ là đơn vị cung cấp giống cá các loại cho bà con trên địa bàn, mà còn cung cấp cho thị trường ngoại tỉnh.
Thời gian tới, hội nông dân sẽ tìm các nguồn vay vốn lãi suất thấp để hỗ trợ, giúp mô hình mở rộng quy mô”, ông Võ Viết Quang, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nghèn, cho biết.