Tiếp tục thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2024, Bộ Tài chính đã và đang tham mưu các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây nền kinh tế, đây được xem là động lực giúp các doanh nghiệp có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Thời gian qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp khá nhịp nhàng với các bộ, ngành khác trong việc tham mưu và triển khai thực hiện các chính sách, phát huy tác dụng tương đối tốt trong việc hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Ứng phó với một số cuộc khủng hoảng, để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đã theo dõi chặt chẽ tình hình và chủ động đề xuất các biện pháp để tăng cường tác động của các chính sách tài khóa.

W-minhoa.png

Bên cạnh việc tham mưu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ngành tài chính còn phải tham mưu để đảm bảo nguồn thu, ngoài nhiệm vụ quản lý tốt nguồn thu như hiện nay, cần chú trọng những nguồn thu mà hiện nay chưa thu được hoặc những nguồn thu có thể tiếp tục khai thác được tốt hơn như thu kinh doanh trực tuyến, sàn giao dịch điện tử…

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ rất quan trọng là ngành Tài chính cần triển khai các giải pháp để hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các biện pháp như gia hạn thời hạn nộp thuế hay tiền thuê đất sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thanh khoản của các doanh nghiệp. Giảm thuế, phí, tiền thuê đất sẽ có tác động tích cực tới kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần nỗ lực hỗ trợ, đưa nguồn vốn đầu tư công được giải ngân nhanh và thuận lợi hơn. Mỗi một đồng vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế sớm ngày nào sẽ có khả năng quay vòng nhiều hơn ngày đấy, sẽ đến trực tiếp được các nhà thầu chính, rồi các nhà thầu phụ, đến người lao động sớm ngày đó, từ đó sẽ tạo ra tác động lan tỏa, hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Kinh tế phục hồi, doanh nghiệp phục hồi sẽ lại là nền tảng bền vững cho thu NSNN.

Ngành Tài chính cần phải thực hiện hài hoà các giải pháp để đảm bảo nguồn thu, các biện pháp hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ cho đầu tư phát triển có tác động trực tiếp, kích thích nền kinh tế thông qua tăng chi tiêu Chính phủ.

Tuy nhiên, vì một số lý do cả chủ quan lẫn khách quan, nên một số chính sách chưa thực sự phát huy tác dụng tốt như: chính sách phát triển thị trường vốn, lãi suất; phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy đầu tư công ở một số ngành, lĩnh vực...

Theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, TS Andrea Coppola, Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả trong dài hạn, điều quan trọng là phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhờ cam kết của chính quyền về kỷ luật tài khóa, nợ công và nợ được bảo lãnh công đã giảm từ 55% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 36% GDP năm 2023. Kết quả là, hiện nay Việt Nam có không gian tài khóa để tài trợ cho các dự án đầu tư quan trọng của quốc gia và khu vực có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS Andrea Coppola nhận định, các biện pháp tài khóa đã có tác động mạnh mẽ hỗ trợ tăng trưởng thời gian qua. Tuy nhiên, chính sách tài khóa phải có sự đồng hành của các chính sách khác để cùng làm “phao cứu sinh” cho nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Một gói chính sách toàn diện - bao gồm các chính sách tài khóa, tiền tệ, tài chính và cơ cấu - là cần thiết để hỗ trợ hiệu quả cho lộ trình tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.