Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Thái nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ và thành phố Hà Nội. Xác định liên kết vùng nhất là trong triển khai các công trình giao thông đóng vai trò quan trọng, nhằm kiến tạo không gian phát triển, khai phá tiềm năng, lợi thế cho các địa phương trong tỉnh.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng và triển khai đầu tư hàng loạt các tuyến đường giao thông chiến lược không chỉ tăng cường kết nối liên thông giữa các huyện, thành phố trong tỉnh mà còn kết nối đến các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, có khả năng khơi thông nguồn lực từ các thành phần kinh tế.

W-vinhphuc.png
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, Vĩnh Phúc đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ hoàn thành xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; ký thỏa thuận với tỉnh Tuyên Quang triển khai các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang như Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D,…. Hiện tại tỉnh đang triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc nhằm kết nối với tỉnh Thái Nguyên; thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh kết nối Vĩnh Phúc với Thành phố Hà Nội; triển khai các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc, từng bước hoàn thiện tuyến đường Vĩnh Yên - Phú Xuyên theo Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đã chủ động huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn vay viện trợ để triển khai các dự án có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh. Một số dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai như Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB); Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc, vay vốn ADB; dự án Cầu Đầm Vạc, vay vốn OFID; dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc;…

Để tạo liên kết giữa các vùng trong tỉnh, nhằm lan tỏa, khơi thông nguồn lực đất đai, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện, thành phố, tỉnh đã tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm. Điển hình như: Đường vành đai 5 Vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối đường vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên; các đường vành đai II, III, IV, V của tỉnh; cầu Phú Hậu; dự án đường Tây Thiên - Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ QL2C đến hồ Vân Trục; cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai tuyến phía Bắc; đường tránh QL2C, tuyến phía Đông thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai tuyến phía Nam; dự án cầu vượt đường Kim Ngọc; nâng cấp, mở rộng đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường Vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đến thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo…

Đến nay, toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh được lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, khu chức năng. Theo quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt, Vĩnh Phúc được định hướng phát triển theo 3 hành lang chính. Bao gồm: Hành lang kinh tế động lực phía Đông Nam liên kết các khu vực Vĩnh Tường - Yên Lạc - Bình Xuyên - Phúc Yên, đồng thời tăng cường liên kết hoạt động kinh tế với thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên; hành lang phát triển du lịch - đô thị nghi dưỡng phía Bắc dọc theo chân dãy núi Tam Đảo kéo dài qua khu vực hồ Vân Trục hướng ra sông Lô, kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch golf, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (du lịch MICE); hành lang phát triển ven sông phía Tây liên kết các huyện Yên Lạc - Vĩnh Tường - Lập Thạch - Sông Lô, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm logistics, chợ đầu mối nông sản.

Tỉnh cũng quy hoạch phân vùng không gian liên huyện thành 3 vùng. Trong đó, vùng liên huyện trung tâm, gồm thành phố Vĩnh Yên và các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, một phần thành phố Phúc Yên (trừ xã Ngọc Thanh) và một phần huyện Bình Xuyên (trừ xã Trung Mỹ). Đây là vùng cửa ngõ quan trọng kêt nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh và là động lực phát triển của tỉnh, trung tâm phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, logistics của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Hồng. Vùng liên huyện phía Tây, gồm huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch; là trung tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ; vùng sản xuất nông nghiệp lớn, công nghệ cao gắn với sản xuất hàng hóa và du lịch. Vùng liên huyện phía Bắc gồm toàn bộ huyện Tam Đảo, phần còn lại của huyện Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên; là vùng phát triển dịch vụ du lịch, văn hóa thể thao, có vai trò quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên của địa phương; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với ngành chăn nuôi...

Với việc chủ động kiến tạo, mở thêm không gian phát triển liên vùng sẽ tạo thêm động lực mới để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giúp tỉnh hiện thực hóa quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, đưa Vĩnh Phúc đạt tiêu chí của đô thị loại I trên phạm vi toàn tỉnh và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là cực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng và cả nước.