Câu chuyện nội địa hóa đang triển khai thí điểm tại ba dự án nhà máy nhiệt điện được coi là “cứu cánh” để các doanh nghiệp cơ khí trong nước có công ăn việc làm trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Song dường như, chủ trương này các doanh nghiệp nội địa vẫn ngoài tầm tay với?!

“Không cần gì, chỉ xin có việc để làm”

Tại buổi hội thảo mới đây về chiến lược phát triển ngành cơ khí do Bộ Công thương chủ trì, không ít DN đã không ngần ngại “kêu khổ” về việc, DN trong nước rất khó có cơ hội tham gia các gói thầu đang được thí điểm triển khai chủ trương nội địa hóa.

Cụ thể, trong lộ trình phát triển ngành cơ khí điện, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu đến 2020 tự chế tạo trong nước, không phải nhập đối với hầu hết các thiết bị lưới điện truyền tải và phân phối, chế tạo 50 - 60% thiết bị của các nhà máy nhiệt điện than; 40 - 50% thiết bị của nhà máy điện hạt nhân.

{keywords}

Ba dự án nhà máy nhiệt điện được thí điểm cho chủ trương nội địa hóa này gồm Quỳnh Lập 1, Sông Hậu 1 và Quảng Trạch 1.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo, dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư (PVN); Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm Tổng thầu EPC. Ngày 10/4/2015, PVN đã ký hợp đồng EPC dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với Lilama.

Ngay sau đó, Lilama đã ký với Tập đoàn Doosan Hàn Quốc hợp đồng cung cấp thiết bị chính chiếm đến gần 80% dự án, trị giá 1,6 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) phát biểu tại hội nghị, Cty ông “không cần xin hỗ trợ bất cứ điều gì, chỉ muốn xin được... giao việc”.

Còn ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung cho rằng, việc liên kết giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cơ khí là rất yếu. Việc Tổng Công ty Lắp máy (Lilama) khi được Nhà nước giao cho làm Tổng thầu EPC, nếu liên kết tốt, các DN trong nước sẽ có cơ hội tham gia đầu thầu gói thầu mà đơn vị này đã ký với Tập đoàn Doosan Hàn Quốc (trị giá 80% giá trị dự án).

Một đơn vị trong nước là Viện Narime nhận được một số gói thầu như tư vấn thiết kế, lọc bụi tĩnh điện… và gói thầu 6.000 tấn thiết bị, giá trị thực hiện khoảng 330 tỉ đồng.

Theo hồ sơ năng lực chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện của Narime số 694/TMT-NCCK trình Bộ Công thương ngày 7/8/2015 thì bộ phận sản xuất của Narime chỉ có 25 lao động gồm: 10 thợ hàn, 4 thợ gia công cơ khí, 10 thợ lắp đặt, 1 thợ điện; danh mục máy móc và trang thiết bị phục vụ sản xuất hiện có 13 máy công cụ thì 8 máy từ thời Liên Xô cũ.

Điều này đã khiến không ít DN có bề dày lịch sử và quy mô lớn phải… tiếc rẻ khi so sánh cho thấy có năng lực và hoàn toàn có thể tham gia chế tạo nhưng lại không có cơ hội.

DN ngoại giành việc?

Theo Quyết định 1791, ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm 3 nhà máy nhiệt điện, trong đó nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1, chỉ tiêu định mức nội địa hoá phải không dưới 60%. Tuy nhiên cho tới nay, tính trên hợp đồng ký kết, dự án này mới nội địa hoá được 20,6%.

Trong khi đó, những câu chuyện như trên đã khiến cho nhiều DN trong nước nói về cơ hội tham gia các gói thầu lớn một cách đầy tiếc nuối..

Theo báo cáo của Vụ Chức năng (Bộ Công thương), Narime nhận được gói thầu Hệ thống vận chuyển than có giá trị thiết bị theo hợp đồng EPC là 58.601.818 USD, phần gia công chế tạo trong nước của gói thầu này là 330 tỉ đồng.

Như vậy, chỉ riêng Narime đã thâu tóm tới 26,77 % tỉ trọng phần gia công trong nước (chiếm 26,77%/20,6% giá trị khối lượng công việc do các đơn vị cơ khí trong nước thực hiện) tại dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Theo lãnh đạo Viện Narime, đơn vị này sẽ hợp tác với đối tác nước ngoài có kinh nghiệm để triển khai gói thầu. Điều này, khiến cho những người trong giới tiếc rẻ vì có rất nhiều phần việc trong gói thầu lớn này họ có thể làm được nhưng nó lại được giao cho DN nước ngoài thực hiện. Trong khi nhiều DN nội địa lại đang thiếu việc làm.

Liên quan đến thẩm định chính xác và phù hợp với giá thị trường của “Định mức dự toán” ngày 23/4/2013 do Narime đề xuất, khi được hỏi, ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Bộ Công thương phải có báo cáo đánh giá cụ thể về dự án.

“Hiện Bộ Công thương mới chỉ gửi sang kết quả, nhưng kết quả này lại chưa cho biết các căn cứ. Khi có đánh giá về kết quả còn phải áp dụng với quy định hiện hành, lúc đó mới đi đến thống nhất định mức sao cho phù hợp với thị trường”, ông Khánh nói.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Văn phòng luật sư Trường Lộc cho biết, dự toán, dự án đầu tư xây dựng phải tuân theo Nghị định 32/2015 ngày 25/3/2015 của Chính phủ về việc quản lý đầu tư xây dựng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định 32, quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải đảm bảo mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt theo Khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng. The đó, chi phí xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng.

Nguyên An