Vụ việc YouTuber Hưng Vlog bị Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải video phản cảm nhận được sự đồng tình của dư luận những ngày qua.

Trao đổi với Zing, nhiều luật sư và chuyên gia truyền thông nhận định hiện nay tồn tại không ít kênh YouTube nhảm nhí, từ bịa đặt thông tin, vu khống cá nhân, tổ chức đến tuyên truyền các nội dung sai, độc hại, phản cảm. Tuy nhiên, số trường hợp YouTuber bị cơ quan chức năng xử phạt như Hưng Vlog, NTN còn rất ít.

Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật Bảo An, cho rằng dù chế tài khá đầy đủ với từng hành vi vi phạm trên không gian mạng, các kênh YouTube nhảm nhí vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng trong thời gian qua.

Ông phân tích: “Điều đó cho thấy chế tài chưa đủ tính răn đe. Đơn cử như các kênh có nội dung nhảm nhí, độc hại nhưng lại có lượt truy cập rất lớn, mang lại lợi nhuận khủng (từ quảng cáo) cho chủ kênh, có khi đến hàng tỷ đồng. Do vậy, mức xử phạt vài chục triệu không đủ sức răn đe. Các đối tượng chấp nhận xử phạt và tiếp tục đưa các video xấu độc lên mạng để tiếp tục kiếm tiền, thu lợi bất chính”.

Thực tế, trên thế giới, nhiều trường hợp YouTuber đưa hình ảnh phản cảm, thực hiện thử thách nguy hiểm, ngớ ngẩn... cũng ngang nhiên tồn tại, thu hút lượt xem lớn mà chưa có động thái nào được coi là giải quyết triệt để vấn đề này.

YouTuber bị xử phạt nhưng còn quá ít

Tháng 6/2019, YouTuber Kanghua Ren, 20 tuổi, bị Tòa án Barcelona (Tây Ban Nha) tuyên án 15 tháng tù và nộp phạt 20.000 euro (22.300 USD) vì đăng tải một video phản cảm vào tháng 1/2017.

Đoạn phim, từng gây nên làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, ghi cảnh Ren đưa cho một người đàn ông vô gia cư ở Barcelona gói bánh quy Oreo có nhân là kem đánh răng. Nạn nhân bị nôn sau khi ăn bánh.

Ren bị kết tội xúc phạm danh dự của người đàn ông vô gia cư. Tuy nhiên, theo New York Times, YouTuber này không chắc phải vào trại giam, bởi luật pháp Tây Ban Nha thông thường cho phép hưởng án treo dưới 2 năm đối với người lần đầu phạm tội không dùng bạo lực.

Việc Ren có thật sự nhận hình phạt hay không chưa được cập nhật thêm.

Bên cạnh đó, Tòa án Barcelona ra lệnh đóng kênh YouTube và các tài khoản mạng xã hội khác của Ren trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, thẩm phán lưu ý rằng thanh niên này đã kiếm được hơn 2.000 euro (2.370 USD) từ doanh thu quảng cáo do video mình tạo ra.

Nhiều nội dung trong số đó nhằm đáp lại các thách thức Ren nhận được từ những người theo dõi, bất chấp phải “thực hiện hành vi tàn nhẫn đối với các nạn nhân dễ bị tổn thương”.

Hung Vlog anh 1

YouTuber Kanghua Ren đưa cho một người đàn ông vô gia cư ở gói bánh quy Oreo có nhân là kem đánh răng. Nạn nhân bị nôn sau khi ăn bánh. Ảnh: YouTube.

Mothership đưa tin tháng 5 vừa qua, Ferdian Paleka - YouTuber đến từ Bandung, Indonesia - khiến cộng đồng mạng nước này tức giận khi có hành vi xúc phạm, lừa gạt người chuyển giới.

Trong một video đăng tải trên kênh cá nhân vào ngày 2/5, Paleka và 2 người bạn khác quay lại cảnh đi phân phát thức ăn từ thiện cho 4 phụ nữ chuyển giới. Thực tế, những hộp mì ăn liền do nhóm này đem tặng chứa đầy rác và những viên gạch.

Hành động của nam YouTuber khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay và report (báo cáo sai phạm) video trên. Tuy nhiên, Paleka không hối hận về hành động của mình. “Tôi muốn xin lỗi vì những gì mà tôi không gây ra”, vlogger thản nhiên nói.

Sau khi nhận được báo cáo về sự việc, Cảnh sát thành phố Bangdung tuyên bố sẽ xử lý nghiêm trường hợp này.

Người đứng đầu Cục Điều tra Hình sự cho biết Ferdian Paleka có thể bị buộc tội vi phạm Điều 45 của Luật Giao dịch và Thông tin Điện tử (ITE) về tội phỉ báng, cũng như Điều 36 của luật này, với hình phạt tối đa là 12 năm ngồi tù và phạt tiền 12 tỷ Rupiah (1,14 triệu đôla Singapore).

Hung Vlog anh 2

Ferdian Paleka (trái) và 2 phụ nữ chuyển giới bị nhóm của YouTuber này đem ra để câu view. Ảnh: Mothership.

Tháng 6 vừa qua, YouTuber Đài Loan (Trung Quốc) có nickname “Cat Paper Bag” cũng bị Sở Công an thành phố Đài Bắc điều tra vì đăng tải video hướng dẫn cách trốn vé trên hệ thống MRT Đài Bắc, theo The China Post.

Cảnh sát cáo buộc YouTuber này vi phạm Điều 49 và 50 của Đạo luật Vận chuyển nhanh. Họ cho biết đối tượng có thể bị phạt tới 1.500 Tân Đài tệ (50,4 USD) vì vi phạm Đạo luật nói trên. Video gây tranh cãi sau đó cũng được xóa bỏ khỏi YouTube.

Mặc dù có trường hợp YouTuber trên thế giới đăng nội dung nhảm nhí, phản cảm bị xử phạt, con số này còn quá ít so với lượng kênh độc hại tồn tại trong thực tế. Nhiều vụ việc chỉ được đưa ra xử lý do phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng và truyền thông phản ánh.

Các nước, cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có thể xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chứ không hề có điều khoản nào nhắc tới các nội dung nhảm nhí mà bộ phận lớn YouTuber đang sản xuất ra.

Về phía các YouTuber bị xử phạt, một số tuân theo mô-típ quen thuộc của bất kỳ vụ lùm xùm nào trên mạng: nhân vật của công chúng bị dư luận lên án, trở thành mục tiêu chỉ trích và lên tiếng bày tỏ sự hối hận ở một mức độ nào đó, theo Vox.

Sự bất lực của YouTube

Theo New York Times, với 2 tỷ người dùng hàng tháng và 500 giờ video được tải lên mỗi phút, lưu lượng truy cập vào YouTube được ước tính cao thứ 2 so với bất kỳ trang web nào, chỉ sau Google.

“Mọi người xem hơn một tỷ giờ video YouTube hàng ngày. Chúng ta không thể biết bao nhiêu trong số đó là đáng lo ngại hoặc nguy hiểm, nhưng chắc chắn đó là một lượng lớn”, nhà báo Kevin Roose nhận định.

Roose cũng cảnh báo mọi người nên nghiêm túc nhìn nhận các mối nguy từ YouTube, bởi các tính năng của nền tảng này có thể dẫn họ đến những thứ đáng sợ.

Hung Vlog anh 3

Chuyên gia cảnh cáo các tính năng của YouTube có thể dẫn họ đến những thứ đáng sợ. Ảnh: The Verge.

Trong một phóng sự được thực hiện năm ngoái, nhà báo Mark Bergen của Bloomberg khẳng định trong nhiều năm, CEO của YouTube đã phớt lờ các đề xuất từ ​​chính nhân viên của mình để dẹp bỏ những video độc hại, nguy hiểm có xu hướng nở rộ trên nền tảng.

Theo hơn 20 nhân viên cũ và đang làm việc cho YouTube, đội ngũ đã bỏ qua mọi cảnh báo và chỉ tập trung phát triển số lượng người tham gia.

Điển hình là vụ việc Logan Paul - YouTuber tai tiếng người Mỹ - đăng tải video đùa cợt bên xác chết trong cánh rừng tự tử ở Nhật Bản ngay ngày đầu năm 2018. Chỉ sau vài giờ, làn sóng phản đối Paul trở nên không thể kiểm soát.

Bất chấp các chính sách của YouTube cấm nội dung bạo lực hoặc đẫm máu, video nhanh chóng lan truyền trên nền tảng, nằm trong top 10 thịnh hành ngay cả khi vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người dùng mạng.

Video của Paul đã kịp thu hút hơn 6 triệu lượt xem trước khi YouTuber này xóa bỏ nó và đăng lời xin lỗi trên Twitter. Trước hàng loạt chỉ trích vì hành động quá muộn màng trong sự việc này, YouTube tiếp tục dùng những chiêu bài cũ để xử lý: thay đổi chính sách quảng cáo và tắt bớt kiếm tiền.

Tuy nhiên, sau cùng, Logan Paul cùng em trai Jake vẫn được YouTube o bế và đưa vào chương trình ưu tiên quảng cáo. Các thương hiệu lớn tìm đến họ, kể cả khi nội dung thực hiện hành động phản cảm và nguy hiểm.

Cũng chính vì thuật toán của YouTube ưu tiên những nội dung gây tranh cãi, YouTuber hết thời này càng có lý do để sáng tạo ra những nội dung câu view rẻ tiền, bất chấp đạo đức.

Hung Vlog anh 4

Theo Vox, anh em Logan và Jake Paul là những điển hình của "văn hóa chơi khăm" độc hại trên YouTube. Đồ họa: Duy Nguyễn.

Đầu năm 2019, YouTube tuyên bố ngăn chặn sự lan truyền của các video độc hại trên nền tảng. Họ cho biết sẽ bắt đầu xử lý các nội dung ở lằn ranh vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của mình mà không cần vượt quá giới hạn.

Tuy nhiên, với khối lượng video đồ sộ được tải lên theo từng phút, việc sử dụng sức người để giải quyết vấn được cho là không khả quan.

Charles King - chuyên gia phân tích tại Pund-IT, công ty tư vấn công nghệ ở California (Mỹ) - nhận định: “Facebook, YouTube và Google đã tuyên bố trong nhiều năm rằng sẽ làm tất cả những gì có thể để hạn chế nội dung độc hại, nhưng kết quả lại khá ảm đạm. Video do nghi phạm chia sẻ trong vụ thảm sát nhà thờ Hồi giáo Christchurch ở New Zealand là một trong số thất bại lớn nhất của họ”.

Nhà báo Kevin Roose cho rằng sẽ hữu ích nếu YouTube tắt hẳn tính năng đề xuất video.

“Chúng ta cần giảm ảnh hưởng của các nền tảng như YouTube đối với bản thân. Với tôi, việc loại bỏ các tính năng như tự động phát trên YouTube giúp phần nào kiểm soát được nội dung mình sẽ tiếp cận. Hơn hết, điều này giúp tôi tránh được mối nguy bị dẫn đến những thứ đáng sợ”, ông nói.

(Theo Zing)

Con trai bà Tân Vlog bị xử phạt: Vì sao YouTube vẫn dung túng clip xấu độc?

Con trai bà Tân Vlog bị xử phạt: Vì sao YouTube vẫn dung túng clip xấu độc?

Clip có nội dung xấu độc hại, video ‘rác’ tràn lan nhưng không bị kiểm soát chặt chẽ bởi YouTube "được nhiều hơn mất" khi giữ lại những thứ vô bổ này.