Từng gây chú ý trên mạng xã hội với những bài viết về tuổi trẻ và trải nghiệm sống, Phi Tuyết - tác giả cuốn sách mới “Sống như ngày mai sẽ chết” đã “gây sốt” khi nhận quyết định tái bản 5.000 bản trước ra mắt sách.
Tác giả Phi Tuyết |
“Sống như ngày mai sẽ chết”, cái tựa thật khiến người khác tò mò?
- Tôi có lý do để chọn cái tựa này. Thứ nhất, “Sống như ngày mai sẽ chết” chính là cách mà tôi đã đang sống hôm nay: trân quý và thưởng thức từng giây phút ở hiện tại thay vì chỉ nhìn về quá khứ và lo lắng cho tương lai.
Thứ hai, tôi biết mọi người khi nghe câu này đều mơ hồ đồng ý nhưng đa phần đều không biết sống cho hiện tại như thế nào để như thể ngày mai sẽ chết. Cuốn sách này như một lời gợi ý cho những ai đang thắc mắc câu hỏi đó. Vốn dĩ không bao giờ có một câu trả lời hay một con đường nào đúng cho tất cả, cuốn sách này đơn thuần là những gì mà tôi đã làm và thấy mang lại nhiều hiệu quả giúp tôi có được cuộc sống tự do, hạnh phúc nên tôi muốn chia sẻ nó. Hi vọng thông qua con đường của tôi mà các bạn có thể tự tìm ra con đường của chính mình.
Hãy sống như ngày mai sẽ chết vì như Osho đã nói: “Câu hỏi thật sự không phải là liệu có tồn tại cuộc sống sau khi chết hay không mà là bạn đã thật sự sống trước khi chết hay không?”.
Bạn có đủ tự tin để thuyết phục độc giả tin vào các bài viết của mình không?
- Tuy không phải là người giàu có, học vấn cao hay thông minh, xinh đẹp nhất nhưng tôi tự hào mình là người có cuộc sống tự do và hạnh phúc nhất trong những người mà tôi biết. Kể cả khi có là người thất bại trong cuộc sống (theo cách nhìn về sở hữu tài sản, danh tiếng) thì tôi vẫn tự tin mình là “kẻ thất bại hạnh phúc nhất”.
Mặc dù thế nhưng tôi vẫn không tin mình có thể thuyết phục được mọi người. Tôi đã từ bỏ ý tưởng thuyết phục mọi người nghe theo mình từ lâu rồi. Mỗi người có những quan điểm sống, niềm tin và cá tính khác nhau mà tôi rất tôn trọng. Cách của tôi phù hợp với tôi không có nghĩa phù hợp với mọi người, ví dụ như không phải tất cả mọi người đều thích ăn bánh ngọt và không phải ai cũng ghét đồ cay xè như ớt.
Giống như việc một người nông dân đi gieo hạt giống. Tôi là người nông dân và hạt giống là những thông điệp, ý tưởng mà tôi muốn lan truyền. Nhưng chỉ có nông dân và hạt giống thì không đủ tạo ra thành quả nếu như hạt giống không được rơi vào vùng đất thích hợp. Nếu hạt giống được rơi vào vùng đất màu mỡ, tôi tin nó sẽ nảy mầm và sinh hoa lợi. Nhưng ngay cả khi nó rơi vào cánh đồng nhưng lại bị chim hay chuột ăn mất, thế thì hạt giống không thể nào nảy mầm và sinh hoa trái được.
Nên dù đôi khi tôi rất tự tin vào ý tưởng của mình nhưng vẫn không dám mơ rằng mình có thể thuyết phục được tất cả mọi người tin theo. Vì tôi hay nói “Ngay cả Chúa Jesus hay Phật Thích Ca còn chẳng thuyết phục được tất cả thì tôi là ai chứ?”.
Tác giả ký tặng sách độc giả |
Mọi trải nghiệm dù xấu hay đẹp, ít hay nhiều đều đáng giá, đều mang lại một bài học nào đó, sao bạn lại định giá một xu?
- “Trải nghiệm” chỉ đơn giản là làm một việc gì đó, có thể là làm một việc mới hoặc cũng có thể là làm một việc cũ nhưng theo cách mới, để tìm ra những suy nghĩ, cảm nhận, bài học cho riêng mình. Bấy lâu nay người ta hay gán nghĩa xấu cho từ “trải nghiệm”, kiểu như con gái có nhiều trải nghiệm là không tốt, không hay nhưng sự thật có đúng như vậy? Theo tôi, “trải nghiệm” là làm những việc mang lại giá trị, tạo ra giá trị chứ không phải “trải nghiệm” mang nghĩa chơi bời.
Tôi không nói mỗi trải nghiệm đáng giá một xu, tôi nói tuổi trẻ mà không trải nghiệm thì không đáng giá gì cả, ví như một xu. Hai cách nói này hoàn toàn khác nghĩa nhau.
Có một câu hỏi "Nếu bạn đem bán tuổi trẻ của mình thì bạn sẽ bán nó với giá bao nhiêu?". Tôi tin chắc những người có nhiều trải nghiệm hơn thì tuổi trẻ của họ sẽ đáng giá hơn rất nhiều những người chỉ dùng tuổi trẻ để vui chơi, hưởng thụ.
Như bạn nói, có một bộ phận người trẻ hiện nay chỉ dùng tuổi trẻ để vui chơi, hưởng thụ. Theo bạn, đó có là bi kịch hay chính là “Sống như ngày mai sẽ chết”?
- Có một bi kịch mà rất nhiều người Việt trẻ đang gặp, tôi xin nhấn mạnh là không phải tất cả người trẻ, mà có lẽ ai trong chúng ta cũng thấy rõ qua chính những gì tai nghe mắt thấy xung quanh: bi kịch về sự lãng phí. Đa phần người trẻ đang lãng phí một cách khủng khiếp cuộc đời của họ qua việc lãng phí từ những thứ ít quan trọng như tiền bạc, vật chất cho tới những thứ quan trọng hơn như thời gian, sức khỏe, sức sáng tạo và đặc biệt là cơ hội của họ trong việc tạo dựng một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Tôi hi vọng tất cả chúng ta cùng chia sẻ những cách thức và giúp nhau sống trách nhiệm hơn, trưởng thành hơn, bớt hời hợt đi và nhất là đừng lãng phí tài nguyên cuộc đời mình, đặc biệt trong giai đoạn tuổi trẻ, để rồi làm cho nó trở thành khoảng thời gian đẹp nhất mà sau này về già nhìn lại tất cả chúng ta sẽ mỉm cười mãn nguyện và tự hào.
Vậy bạn đã “Sống như ngày mai sẽ chết” như thế nào?
- Mỗi buổi sáng tôi thường thức dậy từ rất sớm và dành rất nhiều thời gian, thậm chí hàng giờ đồng hồ chỉ để ngồi thinh lặng trên bãi cỏ trước nhà; nhâm nhi một tách cafe, tưới hoa chăm cỏ, chơi đùa với chú cún Babie trong khi nghe một bản nhạc thiền êm ái mà chẳng hề bận tâm đến công việc phải làm sau đó chút nào. Nhưng một khi đã đến giờ làm việc thì tôi sẽ tận dụng thời gian rảnh để làm một trăm công việc khác nhau như đọc sách, học tiếng Anh, viết lách, tâm sự với người thân, bạn bè...
Đấy là cách sống của tôi: trân trọng thời gian và không để chúng trôi qua lãng phí. Bạn có nghĩ sống như vậy là vội vã không?
Cảm ơn Phi Tuyết!
Tình Lê