- Những con số kết quả lấy phiếu tín nhiệm không nên chỉ dừng ở con số 'tròn vo' mà cần có đánh giá thực chất. Những nhánh chức danh không va chạm, không ra quyết định điều hành trực tiếp có tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cao hơn với nhóm chịu áp lực về điều hành, ra quyết định cũng cần được xem xét lại.

Sáng nay (12/9), UBTVQH họp về tình hình triển khai và kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, xu hướng là càng xuống cấp dưới, số phiếu tín nhiệm thấp càng cao hơn, như vậy đặt ra vấn đề cần có đánh giá kỹ lưỡng, thực chất tất cả những con số.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Phiếu tín nhiệm cấp xã thấp hơn huyện, tỉnh có phải cán bộ xã yếu kém thật không? Ảnh: Minh Thăng

Bởi cấp dưới thường va chạm, gần dân hơn, đưa ra quyết định trực tiếp trong khi ở cấp cao thiên hướng vĩ mô, lớn hơn khiến dân không nắm rõ để đánh giá. Không nên để kết quả chỉ thể hiện là con số "tròn vo" mà không đánh giá hết những vấn đề nằm sau con số.

Những người có mức đánh giá "tín nhiệm thấp" trên 50% ở cấp xã là 396 người, chiếm 0,8%, ở cấp huyện là 12 người, chiếm 0,2%, cấp tỉnh là 2 người, chiếm 0,3%. 

"Phiếu tín nhiệm cấp xã thấp hơn huyện, tỉnh có phải cán bộ xã yếu kém, ít tín nhiệm thật không? Nếu vậy phải xem lại công tác cán bộ ở cấp xã, có nghĩa cán bộ ở trung ương, huyện, tỉnh làm tốt hơn xã? Đó là những vấn đề mà công tác tổ chức cán bộ phải xem xét. Các cấp trên cũng vậy. Nếu chỉ dừng ở con số, chúng ta cứ yên tâm với công tác phòng chống tham nhũng..." - ông Hiện phát biểu.

Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, những nhánh chức danh không va chạm, không ra quyết định điều hành trực tiếp có tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cao hơn nhóm chịu áp lực về điều hành, ra quyết định chỉ đạo trực tiếp cũng cần được xem xét. Từ đây ông đề nghị nên cân nhắc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hàng năm.

Theo ông, nếu thực hiện theo tiến độ này, những người dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra những quyết định sẽ bị chùng xuống, bởi có thể có những quyết định đúng, có quyết định sai, nếu sai cũng cần cơ hội khắc phục. Việc lấy phiếu theo tiến độ này có thể làm cho người ra quyết định điều hành, chỉ đạo khó, từ đó không khéo dẫn đến tình trạng "trung ương nể địa phương" và họ không dám đưa ra những quyết định quyết liệt nữa.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với ĐB dân cử. Cần mở rộng đến thủ tưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp. Vì đây là người giữ chức vụ tuy không phải do HĐND bầu nhưng có liên quan và ảnh hưởng nhiều đến đời sống, kinh tế - xã hội ở địa phương, cần được dân giám sát.

Về 3 mức đánh giá tín nhiệm, các ý kiến dẫn đề nghị của cử tri tiếp xúc sau kỳ họp cho thấy cần rút lại còn 2 mức đánh giá, thậm chí 1 mức. Ông Ksor Phước cho hay, cử tri cho rằng, không nên để 3 mức vừa hình thức, rối rắm, vừa tốn thời gian tổng hợp kết quả.

Chủ nhiệm UP Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, kết quả lấy phiếu vừa qua đã thấy được sự phức tạp của 3 mức rồi. "Ba mức có thể không tập trung nhưng mục đích của lấy phiếu là đánh giá tín nhiệm, sau mới bỏ phiếu, nếu trường hợp nào không đảm bảo mới bỏ phiếu. Cử tri muốn rõ ràng hơn, kết quả thiết thực hơn do đó cần có hoàn chỉnh thêm. Vậy trước mắt báo cáo có nên đề nghị sửa đổi 3 mức đánh giá không? Tôi nghĩ chưa nên sửa đổi ngay. Bởi một kỳ làm một lần chưa đủ cơ sở khẳng định để phải sửa. Theo tôi, cứ làm tiếp nếu có thể hướng dẫn cụ thể kịp thời hơn...." - ông Lý phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, ý kiến của cử tri về sửa đổi lại mức đánh giá tín nhiệm từ 3 còn 2 mức là tín nhiệm và tín nhiệm thấp, hoặc tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp, sẽ được tổng hợp để báo cáo.

Linh Thư