Thị trường chứng khoán lao dốc trong phiên đầu tuần sau một phiên bất ngờ tăng vào phút chót cuối tuần trước. Thanh khoản khá yếu. Dòng tiền tỷ USD mất hút trên sàn trị giá 200 tỷ USD.

Hoạt động bán gia tăng trong phiên chiều, có lúc VN-Index bốc hơi gần 40 điểm, xuống dưới 1.200 điểm. Đến 14h26', VN-Index giảm kỷ lục gần 50 điểm. Đây là ngưỡng mà cả thập kỷ qua thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không thể bứt phá nổi, cứ vượt lên rồi tụt xuống, có những lúc về tận 900 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 5/8, chỉ số VN-Index giảm 48,53 điểm (tương đương giảm 3,92%) xuống 1.188,07 điểm. HNX-Index giảm 3,82% xuống 222,71 điểm. Upcom-Index cũng giảm 3,3% xuống 90,68 điểm.

Trong phiên 5/8, tất cả 30 cổ phiếu trụ cột trong nhóm VN30 đều giảm giá, gồm tất cả mã ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, tài chính, bán lẻ, tiêu dùng, công nghệ...

Áp lực bán tháo diễn ra trong bối cảnh vào cuối tuần trước Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Tới hơn 14h, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm rất mạnh. Cổ phiếu Ngân hàng Đầu tư Phát triển BIDV (BID) giảm 1.450 đồng, xuống 46.300 đồng/cp; Vietcombank (VCB) giảm 1.800 đồng, xuống 86.900 đồng/cp.

ck2024Aug5.gif
VN-Index giảm mạnh phiên 5/8.

Nhóm cổ phiếu họ Vin của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đồng loạt giảm. Vinhomes (VHM) giảm 1.600 đồng, xuống 34.400 đồng/cp. Vingroup (VIC) giảm 800 đồng, xuống 41.200 đồng/cp...

Tới cuối phiên giao dịch 5/8, tất cả 30 mã VN30 đều giảm giá, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) giảm sàn mất 2.250 đồng xuống 30.100 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) giảm gần sàn, mất 1.150 đồng xuống 16.800 đồng/cp.

BIDV mất 1.650 đồng xuống 46.100 đồng/cp; Vietinbank (CTG) giảm 1.400 đồng xuống 30.150 đồng/cp; HDBank (HDB) giảm 1.600 đồng xuống 24.500 đồng/cp; Vietcombank (VCB) giảm 1.800 đồng xuống 86.900 đồng/cp; VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 4.900 đồng xuống 99.900 đồng/cp; Tập đoàn FPT (FPT) của đại gia Trương Gia Bình giảm 4.600 đồng xuống 118.600 đồng/cp…

Cổ phiếu giảm mạnh và thanh khoản thấp trong bối cảnh khối ngoại quay trở lại bán ròng khá mạnh.

Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu Việt giá trị gần 444 tỷ đồng trên sàn HOSE, với các mã bị bán mạnh gồm: Tập đoàn Hòa Phát (HPG), FPT, Techcombank (TCB), Chứng khoán SSI (SSI)…

Vào cuối tuần trước, hôm 2/8, sau một thời gian xem xét, Bộ Thương mại Mỹ cho biết vẫn chưa xếp Việt Nam là nền kinh tế thị trường dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. 

Lý do là bởi chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba.

Quyết định này khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng sau khi kỳ vọng khá lớn vào mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.

Chứng khoán Việt Nam cũng chịu áp lực từ diễn biến tiêu cực chung của thị trường tài chính toàn cầu từ cuối tuần qua. Thị trường chứng khoán Nhật giảm vài chục phần trăm trong vài phiên gần đây. Tính tới cuối tuần trước, chỉ số công nghệ Nasdaq của Mỹ đã giảm hơn 10% kể từ mức đỉnh vào giữa tháng 7.

Trong phiên 5/8, thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trước lo ngại kinh tế Mỹ có khả năng suy thoái. Chỉ số Nikkei 225 trải qua ngày tồi tệ nhất trong gần 4 thập kỷ, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc tạm dừng giao dịch vì bán tháo mạnh. Nikkei 225 chốt phiên giảm 12,4% xuống còn 31.458,42 điểm vào ngày đầu tuần.

Trước đó, nhiều chuyên gia từ một số công ty chứng khoán dự báo không loại trừ khả năng VN-Index xuống dưới 1.200 điểm. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới có thể chịu ảnh hưởng từ những tín hiệu xấu từ các nền kinh tế lớn và những bất ổn địa chính trị gia tăng.