Chỉ số VN-Index bất ngờ rớt hơn 34 điểm (tương đương giảm hơn 5,4%) sau khi có thông tin người dân nước Anh bỏ phiếu rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ ở mức rất cao, 52%.
VN-Index bay hơn 34 điểm
Tính tới 13h10 ngày 24/6, VN-Index giảm 34,46 điểm (-5,45%) xuống 597,81 điểm.
Chỉ trong 10 phút đầu tiên buổi chiều, ngay sau khi kết quả Brexit được công bố, VN-Index đã giảm thêm 14 điểm (so với cuối giờ sáng), khiến vốn hóa của chứng khoán Việt Nam bốc hơi thêm 25 ngàn tỷ đồng. Tính chung từ đầu giờ sáng, chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi hơn 70 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD.
250 cổ phiếu giảm giá mạnh. |
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm 21,63 điểm (-3,42%).
Áp lực bán tháo mạnh tới mức, gần như toàn bộ các cổ phiếu trên sàn đều giảm giá. Số lượng cổ phiếu tăng giá chỉ chiếm khoảng 5%. Các cổ phiếu dòng dầu khí giảm sâu. Hàng loạt cổ phiếu có liên quan tới xuất khẩu giảm sàn.
Trên sàn chứng khoán TP.HCM, tất cả 30 cổ phiếu trụ cột trong rổ VN30 đều giảm giá. Nhiều cổ phiếu vốn khá vững như Vinamilk (VNM) cũng giảm 5.000 đồng/cp, Vietcombank (VCB) giảm 1.700 đồng; Thế giới di động (MWG) vốn đang trong đợt tăng mạnh hôm nay cũng giảm 2.000 đồng/cp...
Kết quả chung cuộc trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm 23/6 cho thấy, 52% người dân nước Anh đã bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 43 năm nước Anh thuộc EU.
Gần 52% ủng hộ Anh rời EU. |
Với việc Anh rời EU, thị trường tài chính thế giới đã ngay lập tức chao đảo. Đồng Bảng Anh (GBP) cũng đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, 1 GPB chỉ còn đổi được 1,35 USD. Màu đỏ đã xuất hiện trên khắp các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu. Nhật Bản đã đóng cửa sàn giao dịch sau khi Nikkei giảm 6%, sàn Thượng Hải cũng đã đóng cửa.
Tác động tới tỷ giá, dòng vốn
Trước đó, theo đánh giá của CTCK Vietcombank (VCBS), nếu Brexit xảy ra, đồng EUR và GBP của Anh sẽ mất giá, tạo ra bất lợi đối với đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU khi giá cả tương đối của các hàng hóa vào EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Brexit cũng khiến triển vọng nền kinh tế châu Âu đen tối, kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU.
“Điều này gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU như Trung Quốc hay Việt Nam,... Yếu tố này có thể dẫn tới thêm nhiều động thái hạ giá đồng tiền từ phía Trung Quốc nhằm hỗ trợ xuất khẩu giống như giai đoạn tháng 8 năm 2015 trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu của nước này liên tục suy giảm”, báo cáo của VCBS đưa đánh giá.
Theo một số chuyên gia, nếu nước Anh rời khỏi EU Việt Nam thì nền kinh tế và TTCK Việt Nam sẽ chịu tác động nhất định mang tính gián tiếp về tỷ giá và dòng vốn.
Mặc dù giảm điểm mạnh nhưng một lượng tiền lớn đang được đổ vào TTCK. Tính tới 10h50, thanh khoản trên sàn HOSE đã lên tới hơn 1,7 ngàn tỷ đồng. Tới 13h20, tổng cộng đã có 3,4 ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được giao dịch trên sàn TP.HCM. Đây là một tín hiệu khá tốt. Dòng tiền có thể giúp VN-Index bớt giảm điểm.
Đại diện một CTCK tại Hà Nội cho rằng, diễn biến giao dịch cho thấy, sự hoảng loạn đã khiến áp lực bán gia tăng bất thường. Chứng khoán giảm còn do giá cổ phiếu và VN-Index đã tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, ông Phan Văn Nhân, chuyên viên môi giới chứng khoán tại CTCK cho rằng, TTCK giảm điểm chỉ là kết quả của hiện tượng "giọt nước tràn ly". Brexit chỉ là cái cớ. Theo chuyên gia này, trong thời gian vừa qua, TTCK chứng kiến tình trạng tẩy chay cổ phiếu đầu cơ thanh khoản cao.
"Gần đây, dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu đầu tư giá trị, làm các cổ phiếu này tăng quá nhanh. Việc này diễn ra cả năm rồi và giai đoạn gần đây là giai đoạn nước rút", ông Nhân chia sẻ.
"Có nhiều cổ phiếu tăng giá 3-4 lần trong vòng 1 năm qua. Quá nhiều cổ phiếu tăng giá quá nhanh. Dù công ty vẫn tăng trưởng nhưng giá quá nóng. Và do vậy, khi thị trường yếu áp lực chốt lời rất lớn, cộng với margin, dẫn đến thị trường giảm mạnh. Và thường sau những phiên như hôm nay thị trường có thể rất yếu, chuyển động về mức cân bằng".
M. Hà