Gia đình có 6 F0

Trần Lê Quang Trường, sinh năm 2000, đang làm marketing, cư trú ở phường Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Từ ngày 18/8 đến nay, Trường là tình nguyện viên chăm sóc F0 đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4. Mỗi khi giặt quần áo, chăm sóc, nói chuyện với các bệnh nhân Covid-19 xong, anh lại ôm máy tính làm việc ở công ty.

“Mình còn trẻ, còn có sức khỏe thì gắng làm hai việc, vừa có thu nhập vừa giúp được nhiều F0, giảm tải công việc cho các bác sĩ”, Trường chia sẻ.

Chàng trai sinh năm 2000 kể, từ khi dịch bùng phát lần thứ 4 tại TP, ba anh phải làm việc 3 tại chỗ ở công ty. Tháng 7, ông nhiễm bệnh ở nơi làm việc, được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị.

{keywords}
Trường chụp hình với mẹ trong ngày bà được xuất viện về nhà cách ly. Ảnh: NVCC.

Mẹ Trường làm việc ở Hội phụ nữ phường Vĩnh Lộc A. Đầu tháng 8, bà bị nhiễm bệnh khi đi hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở địa phương. Sau đó, mẹ anh lây bệnh cho hai con trai, mẹ ruột và người cháu họ đang sống cùng nhà. “Ba vừa xuất viện về nhà cách ly thì 5 người trong gia đình tôi đến Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị”, Trường nói.

Trường và em trai bị bệnh đến ngày thứ 4 thì có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, mẹ và bà ngoại anh có bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp, chưa tiêm vắc xin nên bệnh chuyển nặng nhanh.

Mẹ anh được chuyển sang khu hồi sức của bệnh viện. Bà ngoại bị xuất huyết não trên nền bệnh Covid-19 nên được chuyển đến Bệnh viện 115. “Lúc mẹ khó thở, nồng độ oxy trong máu giảm mạnh, các bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện đã cứu mẹ. Họ dùng mọi cách cho mẹ tỉnh lại, rồi trấn an mẹ, nói mẹ không nên quá hoang mang. Cấp cứu cho mẹ thành công, các y bác sĩ cười rất tươi, dù mồ hôi ai cũng ướt đẫm. Một tuần sau, bệnh của mẹ chuyển nhẹ”, Trường nhớ lại.

Được chứng kiến tất cả những việc các y bác sĩ làm cho mẹ, khi có kết quả xét nghiệm âm tính, Trường và em trai quyết định ở lại bệnh viện làm tình nguyện viên.

Trường cho biết, ban đầu mẹ anh nghe tin đã khóc, sốc, phản đối hai con. Nhờ các bác sĩ khuyên, cùng lời hứa sẽ giữ sức khỏe của hai con trai, bà đã đồng ý. “Ngày 6/9, mẹ tôi được xuất viện. Lúc mang hành lý ra xe về nhà, mẹ cứ nhìn hai anh em tôi mãi”, Trường kể.

Khi được chuyển sang Bệnh viện 115, sức khỏe bà ngoại anh cũng đỡ hơn. Hiện gia đình anh đang chờ bà được xuất viện để đoàn tụ. “Tôi chăm sóc F0 cũng vì muốn cầu nguyện cho bà và mong việc mình đang làm sẽ là nguồn động lực để bà nhanh khỏi bệnh", Trường nói. Anh cho biết, khi bà ngoại mới chuyển viện, gia đình mong đừng nhận tin gì của bệnh viện, vì đó thường là tin xấu. 

{keywords}
Trường và một tình nguyện viên F0 khác. Ảnh: NVCC.

Sốc khi chứng kiến F0 trở nặng co giật, tím tái 

Trước khi bắt đầu công việc chăm sóc F0, Trường và các tình nguyện viên được bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi tình trạng của người bệnh, giúp bệnh nhân nặng thở oxy, đo chỉ số SpO2, dọn vệ sinh, giặt đồ, động viên, cho các F0 nặng hoặc trẻ F0 ăn. Sau đó, anh được phân công đến chăm sóc các bệnh nhân ở Khu A, Bệnh viện dã chiến số 4 - nơi có các F0 lớn tuổi, nặng.

Tham gia tình nguyện đến ngày thứ 5, Trường gặp một F0 hơn 60 tuổi, ban đầu phải thở oxy qua mask. Buổi chiều, ông còn khỏe mạnh, Trường cho ông ăn cháo, dặn ông nằm sấp, vỗ lưng để người bệnh thở oxy cho đều và ổn định.

{keywords}
Hai em bé F0 3 và 5 tháng tuổi được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị. Ảnh: BSCC.

Hết ca, Trường trở về phòng nghỉ. 21h, Trường nhận được điện thoại của vợ bệnh nhân cũng là F0 báo ông bị co giật, sốt cao. Ngay lập tức, Trường và bác sĩ mặc đồ bảo hộ di chuyển thật nhanh đến phòng người bệnh.

Nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân lúc này giảm xuống còn 76%. Bác sĩ thực hiện các thao tác cấp cứu cho người bệnh. Còn Trường vỗ lưng, kéo oxy cho người bệnh. Khi tình trạng ổn hơn, ông được chuyển sang Khu Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

“3 ngày sau, chú ấy mất. Lúc bệnh trở nặng, chú co giật, tím tái. Lần đầu tiên chứng kiến bệnh nhân Covid-19 giành sự sống, tôi sốc lắm. Chồng mất, vợ chú sốc, buồn. Được xuất viện về nhà, cô cứ khóc mãi”, Trường nhớ lại.

Ở Khu nhà này, Trường cũng được chứng kiến tình chị em của bà Út và bà Tư đã lớn tuổi. Khi mắc Covid-19, họ được đưa vào cách ly cùng một phòng. Những ngày điều trị ở bệnh viện, bà Út khỏe hơn đã lau mát, cho chị gái ăn, động viên tinh thần chị. Khi khỏi, bà chờ chị gái hết bệnh để về cùng.

“Ngày xuất viện, hai cô xin số điện thoại của tôi. Mấy ngày qua, các cô thường gọi hỏi thăm, dặn tôi phải cẩn thận, gửi trái cây, bánh kẹo, thực phẩm vào cho chúng tôi”, Trường chia sẻ.

{keywords}
Trường đang đút sữa cho em bé F0 bị bỏ rơi ăn. Ảnh: NVCC.

Ngày 8/9, bệnh viện tiếp nhận hai bé F0 3 và 5 tháng tuổi, bị bỏ rơi ở một bệnh viện tại quận Bình Thạnh. Các bé được chuyển vào phòng cách ly ở Khu nhà A. Trường và hai nữ F0 tình nguyện viên được phân công chăm sóc hai bé.

Trường chia sẻ, cả ba người đều chưa có gia đình. Khi nhận 2 bé, ai cũng lo lắng vì không có kinh nghiệm, sợ đêm đến các bé khóc không biết phải làm sao. Tuy nhiên, nhìn 2 bé bụ bẫm, ăn ngoan, ngủ ngoan, chỉ khóc khi đói hoặc cần thay tã, ai cũng thích, xem các bé như con mình.

Những ngày qua, Trường và hai tình nguyện viên tắm rửa, thay tã, cho các bé ăn sữa. “Hai bé rất ngoan, cứ ăn sữa no là ngủ. Chỉ buổi tối đòi ăn hay ướt tã, các bé mới o e một chút”, Trường kể. Anh cho biết, sẽ đồng hành cùng 2 bé và các F0 khác trong bệnh viện đến khi tình hình dịch tại TP được kiểm soát mới về nhà.

Tú Anh

'Chiến thuật 4/18' giúp gia đình có 22 F0 khỏi Covid-19

'Chiến thuật 4/18' giúp gia đình có 22 F0 khỏi Covid-19

4 thanh niên khỏe mạnh trong gia đình được chọn ra để chăm sóc cho 18 người còn lại. Những thành viên cao tuổi, nhiều nguy cơ được ưu tiên theo dõi đặc biệt trong suốt 2 tuần gia đình anh Trường chống lại Covid-19.