Đây là giải thưởng cao nhất mà báo điện tử VietNamNet nhận được trong lịch sử 24 năm của mình. Loạt bài được Ban Biên tập chỉ đạo làm trong nhiều tháng với sự tham gia thực hiện của nhiều phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên khắp 3 miền đất nước. Công sức của tập thể đã tạo nên thành quả này.

Giải thưởng đó làm đậm thêm sứ mệnh mà tờ báo chúng tôi đặt ra là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước trong nhiều lĩnh vực của đời sống, của đất nước.

Năm bài đạt giải thưởng nằm trong loạt gần 20 bài về cùng chủ đề đăng trên VietNamNet trong tháng 9/2020, đặt ra nhiều vấn đề trong làng báo Việt Nam bao gồm nạn sách nhiễu của một số phóng viên, nhà báo đối với người dân và doanh nghiệp; kinh tế báo chí trong bối cảnh bị tác động bởi Covid-19 và mạng xã hội; sự thúc ép của báo chí trong chuyển đổi số…

{keywords}
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao giải A cho đại diện nhóm tác giả của báo VietNamNet

Trong loạt bài, VietNamNet đã phản ánh đậm nét tình trạng "phóng viên đếm tầng", "phóng viên IS", những tệ nạn trong báo chí đen đã trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân và doanh nghiệp. Ở một số địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ còn có chuyện đau lòng có nơi chính quyền phải in cả tờ rơi xuống từng xã nhận diện đâu là phóng viên thật, giả... để tránh “bị lừa”.

Thực trạng trên được đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong, cảnh báo “Uy tín toàn thể báo chí Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Ông Sơn nói thêm: “Tôi nhớ đã khá nhiều năm trước, khi tình hình còn chưa xấu đến mức như bây giờ, trong một cuộc giao ban báo chí hằng tuần, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến xã hội thì nhà báo đứng ở nhóm bị xã hội ghét nhất”.

Đó là điều rất đáng báo động, làm tổn thương đối với đội ngũ làm báo chân chính được kỳ vọng là có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” trong nghiệp cầm bút.

Ngay sau khi đăng tải loạt bài, VietNamNet đã nhận được phản hồi tích cực, ủng hộ của nhiều độc giả, các doanh nghiệp, các cơ quan và tổ chức.  

Một doanh nghiệp viết cho chúng tôi: “Trong mùa dịch Covid-19, doanh nghiệp có vô vàn khó khăn, mà vẫn bị phóng viên liên tục 'vòi tiền'. Chúng tôi bức xúc cao độ. Trong bối cảnh đó, chuỗi bài báo của VietNamNet xuất hiện đúng thời điểm đã giúp chúng tôi lấy lại tinh thần, niềm tin để tiếp tục công việc, giúp chúng tôi có thêm động lực để vượt qua mùa dịch bệnh”.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Báo chí đã chủ động làm sạch báo chí, dám nói về cái xấu của mình, của đồng nghiệp mình. Vì chỉ có mình thì mới làm sạch được chính mình”.

Những lời động viên, khích lệ như trên và nhiều hơn nữa cũng tiếp sức cho chính chúng tôi trong sứ mệnh của mình. 

Trong bối cảnh công nghệ và mạng xã hội bùng nổ, báo chí vừa gánh trên vai sứ mệnh là “công cụ” thông tin giữa Nhà nước và người dân, vừa gánh gánh nặng “cơm áo gạo tiền” để duy trì và phát triển. Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng: “Báo chí là công cụ của Đảng và Nhà nước nên cũng cần sự đóng góp, hỗ trợ của Nhà nước cho báo chí. Xóa bao cấp là xóa cái cần xóa để bao cái cần bao”.

Khi còn làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cách đây một thập kỷ, ông Lê Doãn Hợp từng có ý tưởng thành lập một quỹ xuất bản có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ cho hoạt động báo chí, xuất bản. Tiếc là quỹ đó không ra được.

Trong khi đó, sự cạnh tranh về thị phần quảng cáo ngày càng gay gắt, mà các mạng xã hội nước ngoài ngày càng chiếm phần lớn miếng bánh.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc tập đoàn truyền thông Le Bros cho biết, theo tính toán của tổ chức ANTS, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2010 khoảng 26 triệu USD, trong đó miếng bánh cho Google còn rất nhỏ và Facebook gần như không có gì. Đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến chúng ta đạt tới 550 triệu USD, và điều đáng nói là Facebook và Google cộng lại là 387 triệu USD, chiếm gần hết số doanh thu này.

Năm 2019 thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến vào khoảng 630 triệu USD, và doanh thu tương ứng của Facebook và Google tăng lên theo, tổng cộng khoảng 450 triệu USD.

Trong khi đó, tỷ lệ cơ quan báo chí được hưởng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm xuống 31% năm 2018 và tiếp tục giảm xuống 29% năm 2019 so với 81% của 2010.

Tất nhiên, dù thách thức như vậy, nhiều tờ báo chân chính vẫn sống bằng quảng cáo, bằng độc giả, bằng những tin, bài chất lượng.

Dưới tác động của đại dịch trong gần 2 năm qua, kinh tế đất nước đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực lên mọi ngành, mọi lĩnh vực. Với báo chí nói riêng, sự khó khăn còn bị khuếch đại lên nhiều lần.

Một nhà báo kỳ cựu từng trả lời chúng tôi, “trong thực tiễn hiện nay nên đọc báo in để biết ý Đảng và đọc báo mạng (xã hội) để hiểu lòng dân”.

Tất cả thực tế đó đang tạo thách thức lớn chưa từng có về doanh thu, về niềm tin xã hội, về vai trò của báo chí cách mạng đối với nhiều tờ báo, trong đó có VietNamNet.

Song, dù khó khăn đến đâu, báo chí luôn phải là nguồn thông tin chính thống, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, công bằng, cân bằng và khách quan mới hi vọng làm cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, mới mong nhận được lòng tin của nhân dân và sự đồng hành của doanh nghiệp.

VietNamNet sẽ phấn đấu duy trì phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội như chúng tôi đã luôn làm trong hơn 2 thập kỷ qua.

VietNamNet

Cảnh báo một bộ phận nhà báo ‘mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy’

Cảnh báo một bộ phận nhà báo ‘mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy’

Nhiều doanh nghiệp thời nay không sợ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà lo sợ nhất là một bộ phận phóng viên, nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”.