Đó là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu tại tọa đàm "Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 21/2.

{keywords}
Khách mời tham gia tọa đàm 

Đau buồn bất lực khi chứng kiến cảnh người bệnh không qua khỏi

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch.

“Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc. Họ không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước và đã gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng tâm dịch trong hai năm vừa qua”, Thứ trưởng Y tế nói.

Chỉ riêng đợt thứ 4, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên ngành y, ở nhiều địa phương trên cả nước hăng hái trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nóng nhất, nguy hiểm nhất. 

Theo ông Tuyên, hành động và sự hy sinh của nhân viên y tế được thể hiện qua nhiều góc độ. Cụ thể, cuộc sống cá nhân của nhân viên y tế hoàn toàn bị ảnh hưởng, họ rời xa gia đình lên đường phòng, chống dịch, luôn phiên 1 tháng, 2 tháng, thậm chí lâu hơn. Có những nhân viên y tế đã chuyển ra khỏi nhà do lo ngại sẽ mang virus về nhà lây nhiễm cho con nhỏ, cho cha mẹ già, cho người thân trong gia đình. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

“Tôi lấy ví dụ câu chuyện lùi thời gian kết hôn của một nữ điều dưỡng hay của bác sĩ Minh Hoàng ở Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ. Hay câu chuyện vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, đã gửi lại con thơ để xung phong lên đường phòng, chống dịch. Hay những ban thờ vái vọng người thân khi qua đời mà những nhân viên y tế của chúng tôi không về được…”, Thứ trưởng Y tế dẫn dụ.

Ngoài ra, họ trải qua cuộc sống cô lập, mất đi sự tiếp xúc của con người, hạn chế tiếp xúc với xung quanh do sợ lây nhiễm. Họ đã trải qua nỗi lo lắng về lây nhiễm dịch bệnh do tiếp xúc với nguồn lây…

“Họ là người duy nhất tiếp xúc, tương tác với người bệnh. Họ vui khi người bệnh khỏi bệnh, nhưng cũng đau buồn bất lực khi chứng kiến cảnh người bệnh không qua khỏi”, Thứ trưởng Y tế nêu thực tế.

Ông cho biết, có nhiều bác sĩ tình nguyện viên gần như không nghỉ. Như bác sĩ Trần Công Minh của Bệnh viện Chợ Rẫy, khi vừa kết thúc hỗ trợ phòng chống dịch ở Bắc Giang lại bắt tay ngay vào công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện hồi sức cấp cứu ở TP.HCM. 

“Có thể nói, hơn tất cả những hy sinh tận tình của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Họ luôn tự hào khi được cống hiến hết sức mình, bằng trái tim, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, ổn định”, Thứ trưởng chia sẻ.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 không thể đong đếm hết những khó khăn, những hi sinh vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian vừa qua.

“Đã có rất nhiều hi sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành. Trong bối cảnh đó, có một cuộc đua vô cùng lớn lao là cuộc đua giành lấy sự sống cho người dân. Điều này chúng ta thấy rất rõ và cảm động. Họ đã tích cực, kiên quyết và trong tâm thế không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Lợi bày tỏ. 

Khó khăn nhất là không giữ được tính mạng người bệnh

Chia sẻ trải nghiệm qua nhiều đợt trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu nói: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là mệt, chịu nóng lực, vất vả do công việc, mà khó khăn nhất đối với chúng tôi là khi người bác sĩ chữa bệnh không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình...”.

Ông kể, có những học trò của ông không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được.

Có những em bị mắc Covid-19 nhưng không nghỉ mà xin vào phòng bệnh ở cùng luôn với bệnh nhân để chăm sóc bệnh nhân 24/24. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành y.

“Đó là giờ phút không thể nào quên được. Tôi rất tự hào về các em”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

{keywords}
 PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu

Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay là chúng ta phải chống dịch lâu dài, các y bác sĩ nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, thực sự tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc.

Ngay đầu năm vừa rồi, nhiều y bác sĩ vẫn đang điều trị bệnh nhân Covid-19, thậm chí bệnh nhân nặng, nhưng vẫn sẵn sàng "xắn tay áo" hiến máu cứu những bệnh nhân đang rất cần máu để duy trì sự sống. 

Giám đốc BV Đại học Y dược bày tỏ cảm động khi có hơn 200 bác sĩ nhiễm bệnh nhưng vẫn không nghỉ ngơi mà xin xuống Bệnh viện điều trị Covid-19 (Hà Nội). Những người không nhiễm bệnh thì lên cơ sở 1 tại Đại học Y Hà Nội làm việc.

“Chúng tôi không sợ Covid-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin”, BS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Vì vậy, sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế.

“Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng...”, ông kêu gọi.

Thu Hằng

Thủ tướng: Không thể ghi hết những hy sinh thầm lặng của y, bác sĩ tuyến đầu

Thủ tướng: Không thể ghi hết những hy sinh thầm lặng của y, bác sĩ tuyến đầu

Thủ tướng nhấn mạnh, không thể miêu tả hết, ghi hết những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, nhất là y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19.