Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ triển khai thực hiện từ năm 2018. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị Triển khai chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Đồng Tháp dẫn đầu vùng ĐBSCL về số lượng sản phẩm OCOP

Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các sản phẩm phát triển nhanh cả về số lượng, lẫn chất lượng, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã có 382 sản phẩm OCOP.

Trong năm 2022, tỉnh Đồng Tháp công nhận mới 117 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 - 4 sao. Hiện tỉnh Đồng Tháp là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được công nhận dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Huỳnh Minh Tuấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ký Quyết định số 1446 Phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Đồng Tháp đợt 2 năm 2022.

Theo đó, công nhận 150 sản phẩm đạt hạng từ 3 - 4 sao của 65 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc Chương trình OCOP của tỉnh Đồng Tháp, gồm: 41 sản phẩm đạt 4 sao của 10 chủ thể và 109 sản phẩm đạt 3 sao của 58 chủ thể.

Trong đó, hạng 4 sao có 41 sản phẩm (có 5 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; 4 sản phẩm tham gia đánh giá lại sau 3 năm công nhận và 32 sản phẩm mới tham gia đánh giá năm 2022). Còn hạng 3 sao có109 sản phẩm (28 sản phẩm tham gia đánh giá lại sau 3 năm công nhận và 81 sản phẩm mới tham gia đánh giá năm 2022).

Trước đó, ngày 8/8/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 862 Phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp đợt 1 năm 2022. Theo đó, công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao đối với 6 sản phẩm của 4 chủ thể là doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc Chương OCOP của tỉnh Đồng Tháp. Trong đó có 2 sản phẩm OCOP năm 2019 công nhận lại và 4 sản phẩm mới là: NA-Mãng cầu Xiêm cô đặc, Mít sấy dẻo, Xoài sấy dẻo, Bánh xoài.

Có thế thấy, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các sản phẩm phát triển nhanh cả về số lượng, lẫn chất lượng. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 382 sản phẩm OCOP, trong đó có 93 sản phẩm đạt 4 sao, 289 sản phẩm đạt 3 sao. Riêng trong năm 2022, tỉnh Đồng Tháp công nhận mới 117 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 - 4 sao. Hiện tỉnh Đồng Tháp là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được công nhận dẫn đầu vùng đồng băng sông Cửu Long.

Thanh Hóa: OCOP góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo cáo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, sản xuất nông nghiệp của địa phương tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Phần lớn sản lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được duy trì ở mức ổn định, một số sản phẩm năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, chương trình xây dựng các sản phẩm OCOP được Sở quan tâm xây dựng, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đánh thức tiềm năng lợi thế, đặc trưng của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Số liệu thống kê cho biết, sau hơn 4 năm triển khai, Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho khoảng 7.300 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp, HTX và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Chương trình OCOP. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 235 sản phẩm 3 sao của 204 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố.

Để các sản phẩm tới tay người tiêu dùng, Thanh Hóa đã tổ chức, tham gia nhiều chương trình hội chợ, triển lãm thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng, như mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại Siêu thị Co.opMart, hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình OCOP, lồng ghép vào các hoạt động du lịch, lễ hội…

Với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, đến nay nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết tới mà còn vươn ra ngoài lãnh thổ, xuất khẩu ra nước ngoài như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia (Hoằng Hóa) đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của huyện Nga Sơn xuất khẩu trực tiếp và bán tại các siêu thị ở Mỹ; ghế tre thư giãn cao cấp huyện Hà Trung xuất khẩu đi các thị trường châu Âu; sản phẩm dứa đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp huyện Nông Cống xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Nga, châu Âu...

Chương trình OCOP không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm mà còn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc thù. Từ đó, những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền được đánh thức, góp phần tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội: Đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử

Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, cùng với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội quan tâm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần đưa sản phẩm OCOP của Thủ đô ngày càng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước.

Sau gần 4 năm triển khai, chương trình OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
 
Nhằm quảng bá sản phẩm OCOP tới đông đảo người dân trong nước và quốc tế, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối như mở các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, kênh thương mại điện tử… Những cách làm này đã và đang giúp cho sản phẩm OCOP tỏa sáng hơn và vươn xa hơn.

Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã có hơn 85 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã; qua đó quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đưa du khách đến với Thủ đô.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, để Chương trình OCOP được thực hiện có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Thành phố đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Yến Hưng