{keywords}
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ chuyển từ “lượng” sang “chất”.

Theo báo cáo trình bày tại hội nghị sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình toàn tỉnh đã có 93/247 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 37,7% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; có 01 huyện Lâm Thao được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện chuẩn nông thôn mới năm 2015 (là huyện đầu tiên của khu vực trung du miền núi phía bắc được công nhận đạt chuẩn); thị xã Phú Thọ đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Các địa phương: TP Việt Trì, huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Bình quân tiêu chí trên địa bàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã, tăng 8,5 tiêu chí/xã so với năm 2011; đến nay trên địa bàn toàn tỉnh không còn xã dưới 7 tiêu chí. Toàn tỉnh có 151 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông mới.

Hệ thống hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đặc biệt là giao thông nông thôn sau 10 năm thực hiện chương trình toàn tỉnh đã xây mới 49 km, nâng cấp cải tạo trên 1.144 km đường trục xã, liên xã; xây mới trên 41 km, nâng cấp cải tạo 2.956 km đường thôn, xóm, nội đồng; nâng tổng số xã đạt tiêu chí giao thông là 136/247 xã, chiếm 55,1% tổng số xã của tỉnh; đạt 109,7% kế hoạch đến năm 2020; tăng 132 xã so với năm 2011.

Không chỉ giao thông nông thôn các tiêu chí khác như Điện, Trường học, Thông tin truyền thông, Cơ sở vật chất văn hóa, .. cũng được Tỉnh quan tâm đầu tư, cụ thể: về Điện sau 10 năm thực hiện Chương trình toàn tỉnh đã xây dựng thêm 945 km đường dây trung thế, 1.798 km đường dây hạ thế góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đạt 99,5%; về Trường học toàn tỉnh có 121 trường mầm non, 91 trường tiểu học, 131 trường trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia tăng thêm so với năm 2010;

Về Thông tin truyền thông toàn tỉnh đã thực hiện sửa chữa, nâng cấp 8 đài truyền thanh huyện; xây dựng mới 15 đài truyền thanh, nâng cấp sữa chữa 158 đài truyền thanh cấp xã, nâng tỷ lệ số xã có đài truyền thanh là 100%; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, internet...

Bên cạnh việc tập trung nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng thì việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được quan tâm triển khai thực hiện.

Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạo thực hiện 08 chương trình sản xuất nông nghiệp, bao gồm 04 chương trình trọng điểm (Sản xuất lương thực; phát triển cây chè; phát triển thủy sản; phát triển rừng sản xuất) và 04 chương trình khuyến khích phát triển (Phát triển chăn nuôi đàn lợn thịt, bò thịt chất lượng cao; phát triển cây ăn quả; phát triển nông nghiệp cận đô thị; đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp);

Giai đoạn 2016-2020 chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung các cây con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, ứng dụng công nghệ cao gắn với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất (khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, các hình thức liên kết sản xuất) góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 29,8 triệu đồng/người/năm, tăng 8,3 triệu đồng so với năm 2015.

Cùng với đó công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được các cấp các ngành đặc biệt quan tâm, các địa phương đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm, cùng với sự hỗ trợ của các dự án, hoạt động giảm nghèo, chương trình giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 20,3% năm 2010 xuống 7,1% năm 2018 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Chất lượng giáo dục ở các ngành học, cấp học được củng cố, phát triển ổn định; hoàn thành cơ bản và duy trì vững chắc các nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 100% số xã; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học (trung học phổ thông, bổ túc, trung cấp) đến nay có 221/247 xã đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 89,5%.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được quan tâm thực hiện đến hết năm 2018, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,8% (năm 2011 là 71%; năm 2015 là 80,2%); tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn là 79,7% (năm 2015 là 38,8%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) là 16,5% (năm 2011 là 20,3%; năm 2015 là 18,2%).

Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Công tác xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được quan tâm. Công tác cải cách hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của các bộ công chức, viên chức hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân có chuyển biến tích cực.

Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt kết quả tích cực, đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Bài: Nguyễn Thành Huế - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV