Ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

“Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta" bởi từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Ảnh: Tư liệu 

Cũng trong ngày lịch sử ấy, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã long trọng ra mắt quốc dân đồng bào. Là Chính phủ của một đất nước vừa mới giành được độc lập, khó khăn chồng chất khó khăn, mọi sự quả không hề đơn giản với Chính phủ lâm thời non trẻ. 

Nhưng khó khăn đến mấy cũng không hề cản bước những con người vừa làm nên cuộc cách mạng mùa thu lịch sử. Trên cương vị là người cầm lái con thuyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện một cuộc cách mạng trong xây dựng nền hành chính mới, với chất lượng, tổ chức hoạt động và đặc biệt là bộ máy nhân sự khác về chất so với trước đây. 

Với những lựa chọn, quyết định táo bạo mà sáng suốt, Chính phủ lâm thời ra đời ngày 28/8/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã quy tụ nhiều nhân sỹ, nhân tài ngoài Đảng như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà... 

Từ đây, bộ máy tổ chức nhà nước được hình thành và dần hoàn thiện để lãnh đạo nhân dân củng cố, xây dựng chính quyền và giành độc lập hoàn toàn, "thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà".

Bằng tấm lòng chân thành, tất cả vì đất nước và dân tộc, với tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chí Minh đã quy tụ quanh mình một đội ngũ lãnh đạo thật sự được xem là “thế hệ vàng” của cách mạng Việt Nam. 

Đó là một bậc túc nho, đức cao vọng trọng - cụ Huỳnh Thúc Kháng, từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp. Cảm được cái trí, cái nhân, cái nghĩa từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã đặt vào Người sự tin cậy hoàn toàn sau khi nghe Người kiên trì thuyết phục và cả lời nhắn gửi: “Cụ Huỳnh đã hy sinh nhiều, xin cụ hy sinh thêm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng giới thiệu cụ Huỳnh Thúc Kháng là “một người đạo đức, danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết” trong buổi ra mắt Quốc hội và nhận trọng trách Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ liên hiệp kháng chiến.

Lời nói ngắn gọn nhưng hàm chứa trong đó tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự trân trọng của Người với cụ Huỳnh. Tấm lòng ấy nhất quán trong tư tưởng trọng dụng hiền tài, trong chính sách đặc biệt tôn trọng nhân sĩ, trí thức của Người. 

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Đặng Việt Châu kể lại: Tháng 4/1946, khi Bác cho gọi ông về làm Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, Bác căn dặn làm việc với cụ Huỳnh phải hiểu cụ là người rất khí khái, có việc gì, phải báo cáo hết với cụ, không giấu giếm, không được giải quyết ở bên dưới với nhau. 

Lời căn dặn của Bác: "Mình phải thật thà, tôn trọng cụ, mới thuyết phục được cụ", không chỉ cho thấy nguyên tắc nhất quán trong tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn thấy được sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, hai khí phách của hai bậc túc nho. 

Mặc dù cụ Huỳnh hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh 14 tuổi nhưng luôn “gần gũi nhau, trìu mến nhau bởi một lòng vì dân vì nước”; và mỗi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh thường trân trọng nói “đó là vị cha già của dân tộc”.

Đó là Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố - một con người quanh năm trong chiếc áo dài đen, đội khăn xếp, nhưng nói và viết tiếng Pháp rất hay, một đại biểu xuất sắc thuộc thế hệ chuyển tiếp từ Nho học sang Tây học.

Ông chính là một trong những người sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, cùng với những trí thức yêu nước khác, hăng hái tham gia xóa mù chữ cho nhân dân lao động. Chính vì vậy, rất tự nhiên, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong Chính phủ lâm thời. 

Ông Nguyễn Văn Tố, vị Bộ trưởng đầu tiên và duy nhất, đồng thời cũng là người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 

Tin vị Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố, người đại biểu nhân dân qua đời thực sự làm Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếc thương và xúc động. Và dù xưa nay chưa hề tập viết văn tế, Người đã thống thiết viết những “lời điếu” ca ngợi vị nhân sĩ, tài năng, đức độ này.

Đó là một trí thức Tây học, một nhân vật ngoài Đảng, Luật sư Phan Anh, tốt nghiệp cử nhân luật Hà Nội và cử nhân văn chương của Pháp. Chỉ vỏn vẹn trong cuộc gặp độ mươi phút với Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 27/8/1945), những câu nói thân mật qua giọng Nghệ làm ấm lòng người nghe của Bác, đã thay đổi cả cuộc đời của vị luật sư trẻ: 

Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành được độc lập; nay đã tranh được độc lập rồi, chúng ta phải kiến thiết đất nước để dân ta có cơm ăn, áo mặc, có chỗ ở, được học hành. Chú là người tài cao, học rộng, tôi đề nghị chú nhận trách nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia, để lo những chuyện đó”. 

Và thế là, từ Bộ trưởng Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim, ông Phan Anh đã trở thành Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Kiến thiết quốc gia và sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam. 

Sau này, (năm 1989), khi trả lời phỏng vấn của Stein Tonnesson, nhà sử học người Na Uy, Phan Anh đã nhấn mạnh, chính chính sách đại đoàn kết toàn dân của những người cộng sản, của Mặt trận Việt Minh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân đã cuốn hút toàn bộ dân tộc và giới trí thức yêu nước tham gia cách mạng. 

Đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945. Trong điều kiện nước ta thời kỳ đó, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ lại phải nhanh chóng hoàn thiện cơ bản bộ máy đối phó với thù trong, giặc ngoài, để đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế không thể chỉ đơn thuần là một bác sĩ giỏi chuyên môn mà còn cần phải là một nhà trí thức có uy tín, được nhân dân tin tưởng nghe theo. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch thăm Bệnh viện Bạch mai - Hà Nội, ngày 21/03/1960. Ảnh: Bảo tàng Hổ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là người hội tụ đầy đủ những yêu cầu cần thiết đó. Và thực tế đã chứng minh đó là một sự lựa chọn vô cùng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mặc dù chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng Chính phủ lâm thời đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và củng cố chính quyền nhà nước non trẻ.

Đưa người kém cỏi về phẩm chất vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại

Hơn nửa thế kỷ đã trôi xa, nhìn lại những bài học về dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn đó tính thời sự nóng hổi, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi mà tất cả các tỉnh, thành ủy cùng các ban Đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương… đã và đang triển khai quy trình giới thiệu quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. 

Chúng ta đã có những bài học đau xót trong lựa chọn cán bộ vào quy hoạch khi có những cán bộ vừa được bầu vào cấp ủy đã phát hiện có nhiều sai phạm trước đó. Thậm chí là có người bị khởi tố, và xử lý hình sự. 

Chỉ tính riêng đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, tại không ít địa phương trên toàn quốc, đã có không ít cán bộ bị xử lý kỷ luật vì các vi phạm từ nhiều nhiệm kỳ trước đó. Cụ thể, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Trong đó, đã xử lý hình sự 31 cán bộ gồm: 2 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 4 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 5 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 7 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành; 2 trợ lý Phó Thủ tướng và 9 sĩ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở công tác quy hoạch cán bộ phải hết sức cẩn trọng, phải có sự sâu sắc, kỹ lưỡng và chặt chẽ bởi đây là việc liên quan đến con người. 

Tổng Bí thư lưu ý, kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn nhưng đồng thời không để lọt vào cấp ủy những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu loại những nhân sự có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác không rõ nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính... 

Ðây là việc làm thiết thực nhất thực hiện những điều Bác Hồ căn dặn về cách dùng người, dùng cán bộ: "Người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại”.

Để lựa chọn cán bộ, trước tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt niềm tin vào quần chúng. Bởi theo Người "phong trào quần chúng sôi nổi nảy nở rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước". 

Theo đó, quan điểm nhân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đơn giản và ai cũng có thể hiểu được: Vừa có đức, vừa có tài. "Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính" và "Sức có mạnh thì mới gánh được nặng và đi được xa". 

Rất chú trọng tiêu chuẩn trong lựa chọn cán bộ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ ở bằng cấp, mà chủ yếu xem trọng ở thực lực. Những cán bộ tuy không có bằng cấp cao, nhưng có thực tài, có đức vẫn phải là nguồn trong tuyển chọn và bố trí sử dụng cán bộ; còn đối với những người vừa không có tài lại không có đức thì phải kiên quyết loại bỏ. 

Như vậy, cách lựa chọn cán bộ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải sâu sát với thực tiễn, phải trên cơ sở những tiêu chí về chất lượng, không câu nệ, thành kiến về thành phần xuất thân hay trong Đảng, ngoài Đảng.