Giờ đây, trong bối cảnh các hãng hàng không đẩy mạnh khai thác những chặng bay thẳng qua nửa vòng Trái Đất mà không dừng nghỉ, những nỗ lực nhằm tránh gây mệt mỏi cho hành khách đã trở thành ngành trị giá nhiều tỷ USD. 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về tác động của những chặng bay siêu dài lên thể chất và tinh thần của con người sau khi hãng hàng không Qantas Airlines của Australia mở đường bay thẳng từ New York (Mỹ) đến Sydney (Australia). Chưa từng có hãng hàng không nào từng thực hiện chặng bay này mà không dừng chân. Với thời gian bay gần 20 tiếng, dự kiến cất cánh từ New York vào ngày thứ 6 và hạ cánh tại Sydney vào sáng Chủ nhật sắp tới, đây sẽ là chuyến bay dài nhất thế giới. 

{keywords}
Nếu thử nghiệm của Qantas thành công, hãng này sẽ tìm ra nhân tố mới để thay đổi cục diện trong ngành hàng không thương mại. Ảnh: Alamy

Hơn cả một bài thể dục về sức bền, các chuyên gia y tế và nhà khoa học sẽ biến chiếc Boeing Dreamliner mới toanh của Qantas trở thành phòng thí nghiệm trên không. Họ sẽ quét não bộ của phi công để kiểm tra sự tỉnh táo, trong khi giám sát chất lượng thực phẩm, việc ăn ngủ và hoạt động của vài chục hành khách. Mục đích của nghiên cứu này nhằm quan sát sức chịu đựng của con người tới đâu. 

Việc các chuyến bay siêu dài trở nên phổ biến hơn - chẳng hạn như Singapore Airlines đã nối lại phục vụ bay thẳng đến New York năm ngoái – nhờ có máy bay nhẹ hơn và có thể bay xa hơn.

Áp lực về sức khỏe của hành khách đã khiến các hãng hàng không thay đổi sự chú ý đối với “jet lag” cũng như tạo ra một thị trường sản phẩm phong phú và sáng chế giúp giảm vấn đề trên, trong đó có: viên hoóc-môn melatonin, thuốc chống lo âu Xanax, kính phát sáng Propeaq…

Theo các nhà nghiên cứu tại BIS Healthcare, nhu cầu đối với các liệu pháp chống “jet lag” đang gia tăng gần 6% mỗi năm và ngành này sẽ trị giá 732 tỷ USD vào năm 2023. Thị trường chống rối loạn giấc ngủ trị giá 1,5 tỷ USD và sẽ tăng lên 1,7 tỷ USD cùng thời điểm trên. 

Tình trạng “jet lag” thường xảy ra khi hành khách đi qua ba múi giờ khác nhau hoặc hơn trong thời gian ngắn, khiến đồng hồ sinh học bên trong cơ thể bị lệch nhịp. Họ chủ yếu than phiền quá mệt mỏi vào ban ngày và không thể ngủ được vào ban đêm sau khi hạ cánh. Tình trạng này còn tồi tệ hơn nếu họ bay về hướng Đông bởi đi theo hướng này gây đảo ngược chu kỳ ngày và đêm thông thường. 

{keywords}
Các nhà khoa học và chuyên gia sức khỏe trên chuyến bay sẽ biến chiếc Dreamliner của Qantas thành phòng thí nghiệm. Ảnh: Alamy

Carrie Partch, nhà hóa sinh kiêm phó giáo sư tại Đại học California, từng nghiên cứu về nhịp sinh học của con người 20 năm nay cho biết mỗi tế bào trong cơ thể người đều có chiếc đồng hồ riêng, và các quá trình quan trọng như chức năng tim, hấp thụ thức ăn cùng với trao đổi chất đều bị phá vỡ khi nội tạng hoạt động lệch nhịp. 

“Jet lag không chỉ đơn giản là sự bất tiện. Nó tàn phá về mặt sinh lý. Nếu bạn là người thường xuyên dịch chuyển, bạn sẽ có nguy cơ tăng cân, bạn cũng có thể gặp vấn đề về tim mạch, thậm chí là thay đổi hành vi”, ông Patch nhấn mạnh. 

Trong khi giới nghiên cứu trong lĩnh vực này hiểu rõ cách thức ánh sáng đi vào não bộ và điều chỉnh chiếc đồng hồ chính trong não, họ vẫn cần phải tìm tòi nhiều thông tin hơn nữa. Mới đây nhất, năm 2017, giải Nobel Khoa học đã được trao cho nhóm nhà khoa học phát hiện cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học. Tuy nhiên, theo ông Partch, ngay cả khi họ can thiệp được vào các protein cốt lõi của loài gặm nhấm ở trong phòng thí nghiệm để tăng tốc độ điều chỉnh đồng hồ sinh học của chúng, thì biện pháp này không phải là phương án hữu hiệu đối với con người. 

Giới khoa học nhận thấy tập thể dục và thức ăn phù hợp có thể giúp đồng bộ hóa cơ thể người sang một múi giờ mới, mặc dù nghiên cứu nhiều lần cho thấy ánh Mặt trời là công cụ hiệu quả nhất.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Boulder Colorado năm 2017 chỉ ra rằng có thể nhanh chóng điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể bằng cách tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. 

Chuyến bay từ New York đến Sydney hôm 11/10, cùng một chuyến khác từ London vào cuối năm nay, sẽ là những thử nghiệm trọng yếu đối với Qantas khi hãng này chuẩn bị mở đường bay thương mại thẳng từ các thành phố trên đến Sydney, sớm nhất vào năm 2022. Qantas gọi đây là “Dự án Mặt trời mọc”. Nếu thành công, hãng này cho biết các chặng bay thẳng siêu dài khác từ bờ Đông của Australia đến Nam Mỹ và châu Phi sẽ có thể được áp dụng. 

Airbus và Boeing đang cạnh tranh để cung cấp cho Qantas loại máy bay tầm xa mới nhất, có thể đến đích mà không cần phải tiếp nhiên liệu. Qantas dự kiến đưa ra quyết định triển khai các chuyến bay này hoặc là từ bỏ ý tưởng vào cuối năm 2019.

Không chỉ việc đi xuyên qua nhiều múi giờ khiến hành khách mệt mỏi. Sự mệt mỏi thông thường, ngủ chập chờn cũng như tình trạng khô và áp suất trong khoang cũng làm tăng thêm dấu hiệu “jet lag”. 

Giải quyết các ảnh hưởng về sức khỏe trong mỗi chuyến bay siêu dài là điều quan trọng đối với Qantas. Hãng hàng không này cần được Cơ quan Hàng không Dân sự Australia cho phép để phi hành đoàn làm việc dài hơn 20 tiếng. Hãng này cũng cần đạt thỏa thuận với phi công về lịch làm việc kéo dài. 

(Theo Báo Tin tức)