LeEco nổi lên năm 2016 như một công ty vô cùng tham vọng, không chỉ bán smartphone mà còn hàng loạt đồ điện tử khác. Không may, việc mở rộng quá nhanh đã khiến LeEco gặp phải thất bại cay đắng, phải sa thải nhiều nhân viên và về cơ bản chấm hết mục tiêu ngắn hạn của họ.

Dưới đây là những cột mốc buồn của LeEco trên đất Mỹ:

Ngày 17/6/2016: Tiêu tiền để kiếm tiền

LeEco đã chi đậm cho kế hoạch Mỹ tiến. Công ty mở cửa hàng trên khu đất cũ của Yahoo và trả tới 250 triệu USD cho diện tích hơn 196.000m2, đủ chỗ cho 12.000 nhân lực. Dù đây không phải cách tiết kiệm nhất để bắt đầu kinh doanh tại một miền đất hoàn toàn mới, LeEco cảm thấy họ cần cơ sở đủ để phản ánh được tham vọng của nó trên đất Mỹ, nơi sẽ cạnh tranh với Google, Samsung hay các thương hiệu sừng sỏ khác.

Ngày 19/10/2016: Cuộc phiêu lưu bắt đầu

Vài tháng sau, LeEco đánh dấu tham vọng Mỹ với sự kiện hào nhoáng tại San Francisco. Nếu như 1/4 tỷ USD là chưa đủ để báo hiệu bạn đang muốn cạnh tranh với những gã khổng lồ, bữa tiệc giới thiệu chiếc xe đạp chạy hệ điều hành Android kỳ quái chắc chắn bù đắp được những thiếu sót còn lại.

Tại cùng sự kiện, LeEco thông báo flagship LePro 3 và mẫu smartphone tầm trung Le S3 sẽ được phát hành tại Mỹ với giá tương ứng chỉ 399 USD và 249 USD. Đây là mức giá hợp lý với thiết bị dùng màn hình Full HD, chip Qualcomm Snapdragon 821 và RAM 4GB, bộ nhớ 64GB.

LeEco không che giấu kế hoạch đối đầu với Samsung và Apple bằng flagship giá hấp dẫn, hệ sinh thái sản phẩm hoàn chỉnh và một vài dự án tương lai giàu tham vọng. Nó chính là bài thử nghiệm chiến lược đã phát huy tác dụng trên thị trường Trung Quốc. LeEco muốn là công ty Trung Quốc đầu tiên đột phá được nước Mỹ.

Ngày 29/11/2016

Không may, hóa ra người dùng Mỹ không mấy hứng thú với hình thức bán hàng “chớp nhoáng” (flash sale), đặc biệt khi đã có những điện thoại khác có mức giá tương tự. Cuối cùng, LeEco phải loại bỏ hình thức này để bán thiết bị tại các cửa hàng truyền thống nhưng lại không có sự hỗ trợ cần thiết từ nhà mạng. Về sau, sản phẩm của hãng được bán trên Amazon, Best Buy, Target vào tháng 12/2016 song nhiều người cảm thấy LeEco đã “lĩnh đủ” và mất đi động lực cũng như vô số tiền bạc.

Chiến lược không mấy hấp dẫn đã không tạo ra sự khác biệt. LeEco được cho là chỉ kiếm được 15 triệu USD doanh thu, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 100 triệu USD. Trước khi năm 2016 kết thúc, hãng được đồn đang tìm cách gọi 1,4 tỷ USD mới để duy trì kế hoạch.

Đến năm 2017

Chưa đầy 3 tháng sau sự kiện hoành tráng tại Mỹ, smartphone LeEco chưa là gì cả. Tuy nhiên, công ty vẫn “cam kết gắn với thị trường Mỹ”. Chuyển sang năm 2017, một vài hi vọng lóe lên khi LeEco gọi thành công 2,2 tỷ USD từ nhà đầu tư. Song, mọi chuyện không vì thế mà khá hơn.

Ngày 17/3/2017, chỉ 39 tuần hay chính xác là 273 ngày sau khi mua văn phòng tại Mỹ, LeEco đã bán cho nhà phát triển Trung Quốc Genzon Group với giá 260 triệu USD, “hời” 10 triệu USD so với giá gốc. Công ty cần số tiền này để trả một vài khoản nợ nhưng với hàng tỷ USD đã chi ra vài tháng trước đó, nó chỉ như “muối bỏ bể”.

Bán bất động sản mở đầu cho một chuỗi tin dữ trong các tuần tiếp theo. Đầu tiên, dường như LeEco không thể trả lương cho nhân viên Mỹ, tiếp đó là hủy bỏ thương vụ mua lại Vizio, đóng cửa dịch vụ video EcoPass. Chưa kể, họ chuẩn bị sa thải 1/3 nhân viên tại đây.

Hiện tại, nhà sáng lập Jia Yueting, người gọi Apple là “lỗi thời” đã từ chức. Những báo cáo gần nhất cho thấy LeEco dự định đuổi việc tới 70% nhân sự chứ không phải chỉ 1/3 như trước. Tham vọng Mỹ của công ty chưa kết thúc hoàn toàn nhưng LeEco đang trải qua cuộc tái cấu trúc lớn để trở lại với chiến lược “LeEco 2.0”, gợi ý cách tiếp cận thị trường Mỹ theo cách mới đó là thông qua những người mang hai dòng máu Mỹ - Trung đầu tiên.

Nếu câu chuyện của LeEco có dạy cho chúng ta bài học gì, đó chính là không phải chỉ cần “đốt tiền” và “nói suông” là lên được vị trí hàng đầu ngành công nghệ. Một chiến lược đúng đắn và có lẽ quan trọng nhất, chiến thắng được trái tim người dùng, vẫn là những yếu tố then chốt.